SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhiều ưu đãi với tổ chức KH&CN công lập

[06/11/2015 09:03]

Để khắc phục tồn tại, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập, Bộ KH&CN đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Theo Dự thảo Nghị định, tổ chức KH&CN công lập sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, vốn vay,… và được tự chủ trong nhiều hoạt động.

76% tổ chức chuyển đổi thành công

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, cả nước hiện có 642 tổ chức KH&CN công lập, gồm 473 tổ chức thuộc các bộ, ngành và 169 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%). Hiện còn 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức KH&CN công lập, nhất là các quyền về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy, nhân lực, nhiều tổ chức KH&CN công lập đã chuyển đổi thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ khoa học. Hiện 100% tổ chức KH&CN đã được tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Không chỉ được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tài sản, các tổ chức KH&CN khi chuyển đổi còn được tự chủ về quản lý tổ chức và nhân lực, tự chủ về hợp tác quốc tế.

Nhiều tổ chức KH&CN có doanh thu năm 2014 từ các hợp đồng nghiên cứu triển khai và dịch vụ KH&CN như: Viện Dầu khí Việt Nam với 601 tỷ đồng; Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp 712 tỷ đồng; Viện Nghiên cứu cơ khí 680 tỷ đồng; Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (KTTCĐLCL) 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN 350 tỷ đồng; Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá 291 tỷ đồng; Viện KH&CN Mỏ - VINACOMIN 205 tỷ đồng;… Do có nguồn thu cao nên thu nhập của cán bộ, viên chức tại nhiều tổ chức KH&CN được cải thiện, cao hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định như: Viện Dầu khí Việt Nam có thu nhập bình quân 22,7 triệu đồng/người/tháng; Trung tâm KTTCĐLCL 3 với 18 triệu đồng/người/tháng; Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam 10,7 triệu đồng/người/tháng;…

Có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá trong hoạt động KH&CN, được nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương, các tổ chức KH&CN tích cực triển khai. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế này chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào cuộc sống và có phần chậm trễ. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, cơ chế chính sách đã có mặc dù có thể chưa đáp ứng đủ nhưng việc tổ chức thực hiện là một trong những khâu yếu nhất.

Qua khảo sát cho thấy, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, các tổ chức KH&CN đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc như thiếu đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, thiếu cụ thể trong một số quy định của Nghị định 115. Để khắc phục tồn tại, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập, việc xây dựng Dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập thay thế Nghị định 115 là cần thiết và phù hợp.

Nhận được rất nhiều ưu đãi

Thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập (để thay thế quy định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính phủ).

Theo Dự thảo Nghị định, tổ chức KH&CN công lập được nhận rất nhiều ưu đãi: với tổ chức KH&CN công lập mới thành lập được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo. Tổ chức KH&CN công lập được ưu đãi trong vay vốn: hưởng các chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư của Ngân hàng phát triển Việt Nam; được vay vốn từ Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các quỹ khác để thực hiện hoạt động KH&CN theo quy định hiện hành; tổ chức KH&CN công lập có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được vay vốn của các tổ chức tín dụng, huy động vốn của cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị để đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ…

Ngoài các ưu đãi, tổ chức KH&CN công lập còn được tự chủ trong nhiều nội dung hoạt động. Về xây dựng kế hoạch, các tổ chức KH&CN công lập xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ KH&CN và dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện. Còn với việc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ KH&CN và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để phê duyệt và quyết định phương thức giao kế hoạch cho đơn vị thực hiện.

Về tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ, các tổ chức KH&CN công lập tự chủ thực hiện các nội dung: Quyết định các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ KH&CN và các nhiệm vụ khác theo kế hoạch của đơn vị, kế hoạch của cơ quan quản lý cấp trên giao, bảo đảm chất lượng, tiến độ; tham gia xét chọn, tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; đấu thầu cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị; thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; góp vốn, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ KH&CN, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật; được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tham gia đấu thầu thực hiện các hợp đồng sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định;…

Về tự chủ trong tổ chức bộ máy, tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị mới ngoài các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Về nhân lực, tổ chức KH&CN công lập được tự chủ trong xác định vị trí việc làm, quản lý và sử dụng nhân lực, quyết định số lượng người làm việc.

Tài chính của tổ chức KH&CN công lập gồm nhiều nguồn như: ngân sách nhà nước cấp để thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định; nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công; ngân sách nhà nước cấp kinh phí thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên (nếu có); nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật; nguồn thu từ hoạt động KH&CN, hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

Tổ chức KH&CN công lập được vay vốn, huy động vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất. Khi thực hiện vay vốn, huy động vốn, đơn vị phải có phương án tài chính khả thi, tự chịu trách nhiệm trả nợ vay, lãi vay theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn. Được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp theo quy định.

truyenthongkhoahoc.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ