Sớm ban hành tiêu chí, cơ cấu phân bổ nguồn lực cho KHCN
Kịp thời cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đi đôi với việc sớm ban hành tiêu chí, cơ cấu phân bổ nguồn lực cho KHCN; gắn kết chiến lược chương trình KHCN với các chiến lược và chương trình phát triển quốc gia; đặt trọng tâm phát triển KHCN vào doanh nghiệp…là những ý kiến đáng chú ý của ĐBQH tâm huyết với lĩnh vực KHCN tại phiên thảo luận về KT-XH tại Hội trường QH mới đây.
Không
“nên tấm nên món”
Theo báo cáo của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Mười, QH Khóa XIII, ước
giai đoạn 2011-2015 có 9/26 chỉ tiêu không đạt theo kế hoạch QH đề ra. Trong
đó, chỉ tiêu về tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất
công nghiệp ước thực hiện là 18,37%, còn xa mới đạt mục tiêu 30%. Tương tự, chỉ
tiêu tỷ lệ đổi mới công nghệ bình quân 5 năm ước thực hiện 10,68%, không đạt so
với mục tiêu 13%. Chính những chỉ tiêu này không đạt, cũng như trình độ phát
triển KHCN nói chung còn thấp đã kéo ghì năng xuất lao động của nước ta xuống
thấp; đồng thời là những tín hiệu cho thấy chất lượng tăng trưởng của nền kinh
tế chưa thật tốt, chưa thật bền vững. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT Lê
Bộ Lĩnh, các chỉ tiêu về KHCN giai đoạn 2011-2015 không đạt chứng tỏ chúng ta
vẫn đang trong một vòng tròn nghịch lý của các nước đang phát triển ở trình độ
thấp. Tức là chúng ta đầu tư thấp, vì tỷ lệ tích lũy nội địa thấp. Tích lũy nội
địa thấp vì thu nhập thấp. Thu nhập thấp vì năng suất thấp. Năng suất thấp vì
trình độ công nghệ thấp. Trình độ công nghệ của chúng ta hiện nay được đánh giá
là thấp so với các nước có mức thu nhập trung bình thấp.
Phó chủ nhiệm Lê Bộ Lĩnh minh họa thêm, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu
của Diễn đàn kinh tế thế giới, 5 năm vừa qua, trong số 10 chỉ tiêu liên quan
đến sẵn sàng ứng dụng công nghệ là tính sẵn có của công nghệ mới, khả năng tiếp
cận công nghệ của doanh nghiệp, hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ doanh
nghiệp FDI, đổi mới sáng tạo, chất lượng các tổ chức nghiên cứu KHCN, chi
nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, hợp tác phát triển công nghệ giữa
doanh nghiệp và các trường đại học của chúng ta đều bị tụt hạng trong 5 năm vừa
qua.
Về nguồn lực đầu tư cho KHCN, theo ĐBQH Bùi Thị An, trong thời gian qua
tuy đã cố gắng hết sức nhưng đầu tư cho KHCN của chúng ta chưa đủ ngưỡng. Chẳng
hạn, một chiếc tàu cần 20 tỷ đồng nhưng chúng ta mới chỉ đầu tư cho 5 tỷ đồng,
như vậy tàu dở dang mà cũng chỉ thành một đống sắt. Chính vì sự đầu tư không
nên tấm nên món, nên việc ứng dụng KHCN cũng chưa tạo nên những sản phẩm có tên
tuổi trên trường quốc tế. Thậm chí, sau 30 năm đổi mới mặc dù chúng ta đã có
chiến lược phát triển công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp, kể cả phụ trợ
nhưng ngay cả ốc vít chúng ta vẫn phải nhập ở nước ngoài. Giá trị sản phẩm thấp
nên kinh tế vẫn chủ yếu là gia công. Lợi nhuận thu được cho người sản xuất thấp,
không xứng với công sức họ bỏ ra.
Đầu tư đủ ngưỡng cho KHCN
Theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai Trương Văn Vở, Chính phủ cần kịp
thời cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ
đi đôi với việc sớm ban hành tiêu chí, cơ cấu phân bổ nguồn lực cho KHCN nhằm
góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Đây chính là nền
tảng để nâng chất lượng hiệu quả tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Các đơn
vị liên quan cần hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao,
nhất là điều chỉnh các tiêu chí cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp cao đã và đang
ách tắc có ảnh hưởng đến doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Để chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng KHCN, theo Phó chủ
nhiệm Lê Bộ Lĩnh, phải gắn kết chiến lược chương trình KHCN với các chiến lược
và chương trình phát triển quốc gia. Hiện nay chúng ta có rất nhiều chiến lược
phát triển quốc gia như chiến lược KT-XH, chiến lược phát triển bền vững, chiến
lược tăng trưởng xanh, các chiến lược phát triển vùng... Bên cạnh đó, chúng ta
cũng có chiến lược KHCN và 52 chương trình KHCN. Sự gắn kết giữa các chương
trình, chiến lược này còn lỏng lẻo. Một khi KHCN chưa nằm trong tâm điểm cốt
lõi của các chiến lược và chương trình phát triển thì chúng ta rất khó có thể
biến KHCN thành động lực phát triển.
Cũng theo ông Lê Bộ Lĩnh, phải đặt trọng tâm phát triển KHCN vào doanh
nghiệp, đây là hướng tạo ra đột phá của phát triển KHCN, gắn KHCN với thực
tiễn. Để làm được điều này, cần phải khuyến khích và thúc đẩy thành lập các
trung tâm nghiên cứu triển khai trong các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Tăng cường mối liên kết
giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu và các trường đại học. Tăng cường khả
năng tiếp cận vốn từ ngân sách nhà nước cũng như khuyến khích việc thành lập
quỹ KHCN trong các doanh nghiệp.
Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, Nhà nước nên lựa chọn và đầu tư đủ ngưỡng
cho KHCN, trước hết đầu tư cho hai hướng chính là công nghệ thông tin và công
nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp. Trong đó, Chính phủ cần tạo mọi điều
kiện để chuỗi liên kết 4 nhà trong nông nghiệp được thắng lợi, đặc biệt ở các
tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; tạo điều kiện đất đai,
thuế, đặc biệt là giảm lãi suất tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KHCN
trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu cũng đề xuất, cần đẩy
nhanh xã hội hóa hoạt động KHCN, thực thi các cơ chế chính sách khuyến khích
mọi thành phần kinh tế tham gia khởi nghiệp, đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng
tạo, chuyển giao công nghệ…
“Tri
thức là nguồn lực hàng đầu cho sự tăng trưởng, ý tưởng đổi mới sáng tạo và
phát triển công nghệ mới chính là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền
vững. Việc ứng dụng các công nghệ, thông tin rộng rãi thúc đẩy việc đưa công
nghệ mới, tiến bộ vào ngày càng nhiều ngành nghề hơn, góp phần nâng cao năng
suất lao động, giúp cho các doanh nghiệp ngày một lớn mạnh hơn. Trong bối cảnh
cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp muốn trụ vững và phát triển cần liên tục
đổi mới công nghệ” - ĐBQH Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương)
|