SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lời giải cho bài toán phát triển thị trường công nghệ

[17/11/2015 13:36]

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ, gắn nghiên cứu với sản xuất thực tiễn. Tuy nhiên, thị trường công nghệ chỉ có thể phát triển khi nguồn cung, cầu công nghệ cùng phát triển tương thích với nhu cầu thay đổi của thị trường hàng hóa, dịch vụ.

Khi nói về các hoạt động chính thống của thị trường công nghệ tại Việt Nam, hai hình thức chính thường được nhắc tới là tổ chức hội chợ công nghệ (Techmart) và thiết lập các sàn, trung tâm giao dịch công nghệ. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tám sàn, trung tâm giao dịch công nghệ tại các địa phương. Nhiều nơi đang tích cực nghiên cứu các mô hình sàn, trung tâm giao dịch đã thành công trên thế giới để áp dụng tại địa phương. Tuy nhiên, việc lựa chọn một mô hình chuẩn không quan trọng bằng việc có đưa ra được những giải pháp sáng tạo. Trong đó, thực tiễn luôn là căn cứ quan trọng nhất để lựa chọn và xây dựng mô hình, giải pháp cho tổ chức và hoạt động của sàn, trung tâm giao dịch công nghệ. Cách tiếp cận hiện đại hơn, được nhiều sàn, trung tâm giao dịch công nghệ áp dụng là xây dựng và hoạt động dựa trên nhu cầu của thị trường. Theo đó, công nghệ đưa lên sàn, trung tâm giao dịch đã được lựa chọn, xác định đủ thông tin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng công nghệ trong từng lĩnh vực, khu vực cụ thể. Nhất là phải xây dựng được cơ chế hợp tác, phân chia lợi ích hợp lý để duy trì và phát triển bền vững mạng lưới liên kết. Khi sàn, trung tâm giao dịch công nghệ thiết lập được mạng lưới liên kết trong tổ chức và hoạt động sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh nhờ hợp lực giữa các chủ thể. Mối liên kết chặt chẽ giữa sàn, trung tâm giao dịch công nghệ với các chủ thể chính tham gia thị trường công nghệ là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của sàn, trung tâm giao dịch công nghệ.

Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, quan hệ tương tác giữa ba nhóm chủ thể: cơ quan nhà nước - viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp là nền tảng để phát triển bền vững thị trường công nghệ. Các nhân tố đóng vai trò trung gian kết nối, thúc đẩy mối liên kết giữa các chủ thể nói trên bao gồm các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ và hệ thống chính sách, thể chế bảo đảm hoạt động của các tổ chức này, thường được gọi chung là định chế trung gian của thị trường công nghệ. Bên cạnh các nhân tố nói trên, các quỹ đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, bao gồm cả các quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ và khu vực tư nhân, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có vai trò quan trọng trong phát triển định chế trung gian của thị trường công nghệ. Chính phủ cần có chính sách, cơ chế cởi mở để hỗ trợ, khuyến khích phát triển các loại hình đầu tư mạo hiểm trong ươm tạo và thương mại hóa công nghệ. Ngoài ra, cần phải thu hút khu vực tư nhân đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, các ngành dịch vụ tiềm năng đem lại lợi nhuận.

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã có tương đối đầy đủ bộ máy quản lý, đơn vị sự nghiệp, tổ chức dịch vụ để hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước bao gồm: Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ KH và CN, có vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm sáng chế và công nghệ phù hợp với nhu cầu đổi mới quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm mới và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cũng có vai trò hỗ trợ các viện, trường, doanh nghiệp, các bên tham gia giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ trong việc đánh giá trình độ công nghệ, tình trạng tài sản trí tuệ, định giá công nghệ, định giá tài sản trí tuệ và tư vấn về quản trị công nghệ, quản trị tài sản trí tuệ. Các đơn vị sự nghiệp như các trung tâm thuộc các cục, tổng cục thuộc Bộ KH và CN cũng có vai trò hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập, vận hành các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ, hỗ trợ các bên tham gia giao dịch công nghệ trong các hoạt động thuộc phạm vi chức năng của các trung tâm thuộc các cơ quan này trong các lĩnh vực như tư vấn chuyển giao công nghệ, thương mại hóa công nghệ, thông tin công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng… Ngày 27-1-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH và CN về tổ chức trung gian của thị trường công nghệ và biện pháp phát triển thị trường công nghệ. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng cho các cơ quan quản lý triển khai thực hiện chính sách và biện pháp hỗ trợ phát triển sàn, trung tâm giao dịch công nghệ trong thời gian tới.

Hiện nay, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (PTTTDN) KH và CN được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ KH và CN triển khai Chương trình hỗ trợ các tổ chức KH và CN công lập chuyển đổi theo cơ chế tự chủ và doanh nghiệp KH và CN (gọi tắt là Chương trình 592). Chương trình này có một số nội dung hỗ trợ hoạt động ươm tạo doanh nghiệp KH và CN, hỗ trợ thành lập và hoạt động của các cơ sở, đầu mối ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH và CN. Cục cũng đang phụ trách triển khai một số hoạt động của Chương trình phát triển thị trường KH và CN đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 2075) với các nội dung chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH và CN và hỗ trợ thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu của viện, trường, doanh nghiệp. Gần đây nhất, Cục PTTTDN được giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu tạo dựng được môi trường thuận lợi để các tổ chức, cá nhân có thể phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo của mình trở thành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thành công trên thị trường. Dự kiến nội dung đề án tập trung vào việc nâng cao năng lực và cung cấp các cơ sở, vật chất cần thiết các nhóm khởi nghiệp hoạt động và phát triển, đồng thời xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nếu được hỗ trợ, sẽ trở thành những chủ thể nhạy bén có thể đưa sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao đến thị trường một cách nhanh chóng nhất, cũng chính là thúc đẩy hoạt động của thị trường KH và CN trong nước phát triển. Ngoài ra, một số chương trình quốc gia đang được triển khai như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình nâng cao năng suất - chất lượng… Các chương trình này cũng có nội dung liên quan đến hỗ trợ nguồn cung, cầu công nghệ và các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ nói chung, hỗ trợ “đầu vào”, “đầu ra” của sàn, trung tâm giao dịch công nghệ nói riêng.

Để các chương trình nói trên phát huy được hiệu quả, Cục PTTTDN đang hỗ trợ việc hình thành mạng lưới các tổ chức liên kết nguồn cung, nguồn cầu công nghệ, kết nối với mạng lưới các tổ chức trung gian như vận động thành lập Hội Sáng chế Việt Nam, Câu lạc bộ Ươm tạo và thương mại hóa công nghệ Việt Nam, Quỹ khởi nghiệp Việt Nam... Các tổ chức này sẽ giúp lựa chọn các đối tượng tiềm năng để trở thành đối tượng thụ hưởng của các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, thông qua hoạt động liên kết mạng lưới, các cơ quan quản lý nhà nước có thể nhanh chóng triển khai chương trình, nhân rộng mô hình tốt trong phạm vi cả nước.

nhandan.com.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ