Hướng vào các đề tài khoa học tầm quốc gia
Với đội ngũ cán bộ hùng hậu, trình độ chuyên môn cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được mệnh danh là trung tâm khoa học và công nghệ (KH và CN) hàng đầu cả nước. Viện luôn tìm cách thực hiện hiệu quả các chương trình KH và CN trọng điểm quốc gia, thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
GS, TS Nguyễn Quang Liêm, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Viện Hàn lâm
Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) cho biết, sau Đại hội Đảng bộ lần
thứ bảy, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy Viện tập trung chỉ đạo các đơn vị xây
dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết và kế hoạch năm 2016. Tháng 10
vừa qua, Viện đồng loạt tổ chức hội thảo tại chín tiểu ban với 150 báo cáo khoa
học tham gia về các lĩnh vực toán, vật lý, công nghệ thông tin, tự động hóa,
công nghệ vũ trụ, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học…
Viện HLKH và CNVN có bốn nghìn cán bộ, viên chức (gần 2.500 biên chế),
trong đó có gần 200 giáo sư và phó giáo sư, hơn 730 tiến sĩ khoa học và tiến
sĩ, 850 thạc sĩ ở hơn 33 đơn vị nghiên cứu. Thời gian qua, sự nỗ lực của đội
ngũ cán bộ nghiên cứu ở đây đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước. Viện Hóa học có 55 đảng viên đều là những cán bộ cốt cán, năm năm
qua đã cùng các đồng nghiệp chủ trì hơn 200 đề tài, nhiệm vụ KH và CN các cấp
với tổng kinh phí 224 tỷ đồng. Viện đã đào tạo 51 tiến sĩ và gần 40 thạc sĩ
chuyên ngành. Một số kết quả nghiên cứu nổi bật như: sản phẩm Cua-cu-min Na-no
được tạo ra bằng kỹ thuật Mi-xen po-li-me do PGS Phạm Hữu Lý làm chủ nhiệm đề
tài, là sản phẩm dùng hỗ trợ điều trị các bệnh về dạ dày, đường tiêu hóa và
được người tiêu dùng đánh giá cao. Hay đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản
xuất thép và vật liệu không nung từ nguồn thải bùn đỏ trong quá trình sản xuất
a-lu-min tại Tây Nguyên" (Chương trình KH và CN trọng điểm Tây Nguyên 3,
giai đoạn 2011 - 2015) của TS Vũ Đức Lợi và nhóm nghiên cứu. Sau hơn ba năm
nghiên cứu, trải qua các lần thử nghiệm năm tấn, mười tấn, hai mươi tấn và năm
2014 với quy mô 200 tấn bùn đỏ/mẻ (cho hiệu suất thu hồi sắt đạt 70%), nhóm
nghiên cứu đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất tinh quặng, sắt xốp,
thép. Sản phẩm thép thu được có thể chế tạo các loại thép các-bon hoặc thép hợp
kim đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Kết quả khoa học này có ý nghĩa quan trọng góp
phần bảo vệ môi trường, phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến
bô-xít tại Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững. Một kết quả nổi bật khác
là bước đầu hiện thực hóa “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ
đến năm 2020”, một nhóm nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia thuộc
Viện HLKH và CNVN (do PGS, TS Phạm Anh Tuấn chủ trì) đã thiết kế, chế tạo và
phóng thành công vệ tinh Pi-co-đờ-ra-gôn (rồng siêu nhỏ) lên Trạm vũ trụ quốc
tế (ISS) nhờ tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản. Sau ba tháng lưu giữ trong
mô-đun Kibo trên Trạm ISS ngày 19-11-2013, Pi-co-đờ-ra-gôn cùng hai vệ tinh
siêu nhỏ khác của Mỹ đã được "ném" vào quỹ đạo, tiếp tục hoạt động
hơn ba tháng trong không gian. Từ thành công đó, mở ra khả năng cho các nhà
khoa học trẻ Viện HLKH và CNVN trong việc thiết kế, chế tạo các quả vệ tinh lớn
hơn như vệ tinh Na-nô (10kg), vệ tinh Mi-crô (50kg) và tiếp đó là vệ tinh nhỏ
quan sát Trái đất với khối lượng 500kg…
Viện HLKH và CNVN có gần 1.200 đảng viên, sinh hoạt ở hơn 40 chi bộ,
đảng bộ, phần lớn đều có học vị và chức danh khoa học, là hạt nhân trong các
chương trình nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ. Phó Bí thư Thường trực
Đảng ủy Nguyễn Quang Liêm cho biết: Bên cạnh những thành tựu đạt được, Viện
nghiêm túc nhìn nhận rõ hạn chế, bất cập, đó là một số cấp ủy đảng trực thuộc
chưa làm tốt chức năng lãnh đạo cán bộ, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ
chuyên môn; nhất là việc triển khai và thực hiện các chương trình lớn, có tính
chất liên ngành trong và ngoài Viện còn mờ nhạt. Một bộ phận nhỏ cán bộ có chức
danh khoa học ở các đơn vị nghiên cứu và triển khai công nghệ có tư tưởng
"thỏa mãn với cái mình đã có" dẫn đến khan hiếm các chuyên gia đầu
ngành ở các chương trình KH và CN trọng điểm; trong khi thiếu cơ chế thu hút
cán bộ trẻ, có năng lực về Viện công tác. Cho nên các kết quả nghiên cứu chưa
tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực độc đáo, chưa có các đề tài, dự án mang hàm
lượng KH và CN cao có tác động lớn đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ bảy với
chủ đề "Phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo động lực phát triển mới trong hoạt
động nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ, tăng cường
hội nhập quốc tế" và các nghị quyết của Trung ương, Đảng ủy Viện chỉ đạo
các cơ sở đảng thông qua các cuộc sinh hoạt đề xuất các nhiệm vụ, đề tài nghiên
cứu mới. Trên cơ sở đó tập trung trí tuệ, tâm lực, không ngừng nâng cao chất
lượng các công trình nghiên cứu cơ bản. Đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu
quả các nhiệm vụ và dự án lớn như: Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, các dự án
vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất, công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần,
xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam. Phối hợp các cơ quan chức năng, xây
dựng khung và thực hiện chương trình KH và CN cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ;
tiến hành tổng kết và đánh giá Chương trình trọng điểm Tây Nguyên 3 (2011 -
2015). Chủ trì hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và một số nước trong việc thực
hiện "Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường
biển giai đoạn 2010 - 2020". Mặt khác, nghiên cứu và đề xuất các chương
trình KH và CN khác gắn với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của Viện HLKH và
CNVN. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, giữa nghiên cứu cơ
bản với nghiên cứu công nghệ và triển khai ứng dụng. Năng động, tích cực hơn
trong hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhằm đưa các kết
quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thiết thực phục vụ cuộc sống.