SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Để có những sản phẩm tốt phục vụ cho thương mại

[08/12/2015 14:01]

Làm thế nào để có những sản phẩm khoa học công nghệ tốt phục vụ cho thương mại? Việc đầu tư nghiên cứu cần được tiến hành như thế nào?... Để có được câu trả lời về những vấn đề này, Phó viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, GS.TSKH Dương Ngọc Hải cho rằng, có rất nhiều việc phải làm, trong đó có khả năng đánh giá thương mại, đánh giá giá trị công nghệ trong xã hội, chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ...

Bản quyền sở hữu trí tuệ đã thực sự có tác dụng?

Với vấn đề tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích đẩy mạnh việc phát triển nghiên cứu đưa sản phẩm khoa học ,công nghệ ra thị trường, phục vụ nhu cầu của xã hội, theo ông Hải ở lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đã có sự hỗ trợ như Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted). Tuy nhiên, việc nghiên cứu cơ bản hiện nay đánh giá tương đối đơn giản, thuần túy theo số lượng đầu bài báo. Ở một nghĩa nào đó thì việc nghiên cứu này một phần cũng phản ánh được chất lượng sản phẩm nhưng điều này chưa phải là tất cả các yếu tố về mặt thị trường cần phải có của sản phẩm. Vấn đề ở đây là làm thế nào để đánh giá định lượng công nghệ có thể đi ra thị trường phục vụ xã hội. Vì khi công nghệ đang ở giai đoạn nghiên cứu, chúng ta chưa thể công bố mà chỉ công bố khi đã hoàn thành công đoạn nghiên cứu để đi đến đăng ký dưới dạng sản phẩm. Theo đó là cả một hệ thống những vấn đề liên quan, trong đó có cả nhận thức xã hội, cũng như nhận thức của các nhà khoa học về bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Trong khi ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, CHLB Đức... vấn đề sở hữu trí tuệ được quan tâm và thực hiện hiệu quả thì ở Việt Nam đang tồn tại một thực tế là việc đăng ký sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học rất ít được quan tâm. Có thể các nhà nghiên cứu có công nghệ, có sản phẩm phục vụ rất tốt cho đời sống, xã hội nhưng hầu như không đăng ký sở hữu trí tuệ. Có nhiều lý do dẫn đến thực tế này. Nhưng nguyên nhân đầu tiên phải nói đến chính là do tính hiệu quả của hoạt động sở hữu trí tuệ. Cụ thể như Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam khi đưa ra sản phẩm phân bón, hay loại thuốc bảo vệ thực vật, hay công nghệ tưới chậm… ra thị trường chào bán, khi hỏi các tác giả “cha đẻ” của các sản phẩm này tại sao không đăng ký sở hữu trí tuệ, lập tức sẽ có câu trả lời: đăng ký không phải là vấn đề gì khó khăn, nhưng đăng ký xong khi có hàng nhái tung ra thị trường thì chi phí đi thu các sản phẩm ấy lại do chính đơn vị nghiên cứu tự bỏ ra. Tức là cơ chế chỉ bảo lãnh về mặt pháp lý cho hành động thu đấy thôi, còn về tài chính thì đơn vị có sáng chế chính thức về sản phẩm đó phải tự lo. Vì vậy, nếu sản xuất chưa thực sự lớn thì những chi phí ấy làm cho các nhà nghiên cứu không muốn chuyển sang để đăng ký sở hữu trí tuệ.

Xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ Việt

Theo ông Hải, ở các nước khu vực châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu phát triển cũng chỉ tập trung vào phát triển giải mã công nghệ để ứng dụng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế. Đó chính là phần việc của các nhà khoa học, còn đối với phía cơ quan ban hành chính sách cho cơ chế tài chính thì cần phải có đầy đủ các tổ chức hỗ trợ bao gồm từ các quỹ, các hệ thống đề tài cũng như thủ tục phải đơn giản, đầu tư phải đến ngưỡng, nói chung là những khía cạnh về phục vụ cho hoạt động thương mại hóa sản phẩm.

Bên cạnh đó, còn có những vấn đề khác như những khả năng đánh giá thương mại, đánh giá giá trị công nghệ trong xã hội, cần phải có tổ chức, phải có nhận thức xã hội rồi chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ Việt Nam cũng như sử dụng hàng Việt Nam như chúng ta vẫn thường hay đề cập. Tuy nhiên, ở đây có hai khía cạnh, thứ nhất là người tiêu dùng, thứ hai là nhà nghiên cứu. Theo đó, nhà nghiên cứu nếu đưa ra nhiều công nghệ tin cậy thì sẽ kéo theo người dùng sẽ sử dụng nhiều, ngược lại công nghệ của mình có thể kém hơn chút nhưng vẫn ưu tiên.

Thực tế hiện nay cho thấy, có rất nhiều công nghệ chúng ta tiếp thu rất nhanh. Cụ thể, việc xây dựng thủy điện Hòa Bình, chúng ta có nhờ nước ngoài nhưng đến thủy điện Sơn La thì chúng ta đã tự thiết kế xây dựng. Đây là sự tin cậy về xã hội đối với hoạt động khoa học, công nghệ. Trong khi vấn đề thói quen và nhận thức, rất nhiều người tiêu dùng sính hàng hiệu, hàng ngoại. Thực tế có thể còn nhiều mặt hàng trong nước nghiên cứu và sản xuất chưa đạt bằng hàng của các nước khác, thế nhưng có nhiều mặt hàng chúng ta có thể làm được.

“Tôi thấy rất lạ là những hàng rổ rá, mây tre đan nhỏ bé, hoặc những ấn phẩm nhỏ như bút máy, về giấy bút văn phòng cũng là của nước ngoài sản xuất, trong khi đó chắc chắn những mặt hàng này Việt Nam đã tự nghiên cứu và sản xuất không hề thua kém. Nói vậy để thấy vấn đề thói quen sử dụng sản phẩm của mình cũng tạo tác động đến hoạt động chung này” ông Hải chia sẻ. 

daibieunhandan.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ