SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ chắp cánh cho nền kinh tế vươn xa

[25/12/2015 15:52]

Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (Chiến lược), sau 5 năm thực hiện (2011-2015), đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh báo cáo một số kết quả đạt được của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nhờ bám sát các định hướng, nhiệm vụ và triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược, giai đoạn 2011-2015 đã cơ bản hoàn thành được nhiều mục tiêu quan trọng.

Cụ thể, về giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao: Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Theo tính toán, giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào Tổng sản phẩm quốc nội giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%; 19,1% và 28,7%. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% Tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 là khả thi.

Về tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị: Chiến lược đặt mục tiêu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Theo kết quả tính toán sơ bộ của Bộ KH&CN, giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm.

Về số lượng công bố quốc tế, Chiến lược đặt mục tiêu số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng NSNN tăng trung bình 15 - 20%/năm. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011-2015, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mức cao so với mục tiêu của Chiến lược. Toán học, Vật lý, Hoá học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học, chúng ta có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tính tổng số công bố quốc tế trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta xếp thứ 59 trên thế giới (so với thứ 66 trong giai đoạn 2006-2010 và thứ 73 giai đoạn 2001-2005) và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 32 thế giới), Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43). Một trong các lý do quan trọng làm tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua xuất phát từ việc tăng quy mô, hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn NSNN thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED).

QLKH 1.jpg

Quang cảnh Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015; Tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016

Về số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam, mục tiêu của Chiến lược là số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Số liệu thống kê cho thấy, giai đoạn 2011-2015, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010. Cụ thể, số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn 2011-2015 là 22.674 (2006-2010 là 15.989); số văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích giai đoạn tương ứng là 6.391 và 3.940.

Về tổng đầu tư xã hội cho KH&CN, mục tiêu của Chiến lược là phấn đấu tăng tổng đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ NSNN cho KH&CN không dưới 2% tổng chi NSNN hàng năm. Theo thống kê, tổng đầu tư xã hội cho KH&CN năm 2013 khoảng 25.468 tỷ đồng, tương đương 0,71% GDP, trong đó 67% từ NSNN, 33% từ khu vực doanh nghiệp, vốn nước ngoài. Tỷ lệ này còn thấp so với mục tiêu của Chiến lược và thấp so với các quốc gia có nền KH&CN phát triển (trên 3,0% GDP; cơ cấu đầu tư cho KH&CN từ Chính phủ và doanh nghiệp là 30/70). Về đầu tư từ NSNN, mặc dù chỉ tiêu tối thiểu 2% tổng chi NSNN cho KH&CN đã được quy định tại Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XI), Luật KH&CN năm 2013 và Chiến lược, nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 1,5-1,6% chi NSNN. Nếu chi đủ 2%, NSNN cho KH&CN mới đạt trên 0,6% GDP.

Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R&D) theo Chiến lược là vào năm 2015 đạt 9 - 10 người/vạn dân, năm 2020 là 11 - 12 người/vạn dân. Kết quả điều tra năm 2014 cho thấy, cả nước có 164.744 người tham gia hoạt động R&D (14 người/vạn dân), trong đó số cán bộ nghiên cứu có trình độ cao đẳng và đại học trở lên là 112.430 người. Nếu quy đổi toàn thời gian (FTE), số lượng cán bộ R&D của Việt Nam chỉ đạt 7 người/vạn dân.

QLKH 2.jpg
Về số cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2015, hình thành 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; năm 2020, hình thành 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao. Hiện Việt Nam có 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Mục tiêu hình thành được 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao vào năm 2015 khó hoàn thành do không thể sắp xếp được nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho các đơn vị có nhu cầu hình thành các cơ sở ươm tạo. Bộ KH&CN sẽ đánh giá lại nhu cầu của xã hội đối với các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao cũng như các tiêu chí của một cơ sở ươm tạo cần có để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm khởi nghiệp với công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh lại mục tiêu này trong giai đoạn 5 năm cuối thực hiện Chiến lược.

Liên quan đến số doanh nghiệp KH&CN, mục tiêu Chiến lược đặt ra đến năm năm 2015, hình thành 3.000 doanh nghiệp KH&CN; năm 2020, hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN. Tính đến tháng 11/2015, cả nước có khoảng 2.800 doanh nghiệp KH&CN, gồm 204 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN; 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng doanh nghiệp công nghệ cao; 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao; 818 doanh nghiệp đạt tiêu chí doanh nghiệp KH&CN và có nhu cầu được cấp chứng nhận (tập trung chủ yếu trên địa bàn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh); 1.400 doanh nghiệp phần mềm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và quốc tế, theo Chiến lược, sẽ hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản, ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới năm 2015; 60 tổ chức năm 2020, đủ năng lực giải quyết những vấn đề trọng yếu quốc gia đặt ra đối với KH&CN. Mới đây, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua việc thành lập, bảo trợ 02 Trung tâm UNESCO dạng 2 về Toán học, Vật lý trên cơ sở Viện Toán học, Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Đây là tham chiếu quan trọng trong việc đánh giá “đạt trình độ khu vực và quốc tế” đối với các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khác. Đồng thời, trên cơ sở bộ tiêu chí đánh giá các tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng do Bộ KH&CN và các viện nghiên cứu, trường đại học phối hợp xây dựng cho thấy, có 6 tổ chức đạt trình độ khu vực và quốc tế, 8 tổ chức khác có thể đầu tư để đạt trình độ khu vực và quốc tế vào năm 2020. Bộ KH&CN sẽ có kiến nghị điều chỉnh mục tiêu này của Chiến lược. 

www.vietq.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ