Gỡ rối về cơ chế tài chính cho giới khoa học
Với cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, các nhà khoa học sẽ được chủ động trong việc thanh quyết toán kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Quân và Bộ trưởng Tài
chính Đinh Tiến Dũng ký kết Thông tư 27. Ảnh: N.Hiệp.
Sau thời gian dài xây dựng, ngày 30/12, Bộ Tài chính và Bộ
Khoa học và Công nghệ ký ban hành Thông tư liên tịch quy định khoán chi thực hiện
nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư liên tịch
27).
"Cá nhân tôi cho rằng đây là món quà lớn mà Bộ Tài
chính và Bộ Khoa học dành cho những người làm khoa học", Bộ trưởng Khoa học
và Công nghệ Nguyễn Quân nói.
Trước đây các nhà khoa học chỉ được khoán chi một phần, tức
là chỉ những gì liên quan đến con người mới được khoán, không thực hiện với nội
dung như mua nguyên vật liệu. Khi khoán chi đến sản phẩm cuối cùng,
người làm khoa học có thể chuyên tâm nghiên cứu, không phải lo lắng về thanh
quyết toán nếu cam kết hoàn thành sản phẩm theo đúng mục tiêu đề ra.
Với cơ chế này, Nhà nước chỉ quan tâm đến sản phẩm cuối
cùng có đáp ứng được yêu cầu hay đúng tiêu chí đặt hàng hay không để thực hiện
tạm ứng hay quyết toán.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, không phải nhà
khoa học nào cũng mạnh dạn thực hiện theo hình thức này, bởi khi nhận đơn đặt
hàng, họ phải theo đến cùng, trong quá trình thực hiện không được điều chỉnh mục
tiêu hay tổng kinh phí, trong khi các đề tài nghiên cứu luôn có tính rủi ro.
"Nếu không bàn giao sản phẩm cuối như cam kết thì
nhà khoa học phải hoàn trả tiền ngân sách nhà nước tối thiếu là 40% tổng kinh
phí đề tài. Thậm chí nếu do lỗi chủ quan họ còn phải trả 100% kinh phí đề
tài", Bộ trưởng Quân nói và cho rằng giới khoa học nên cân nhắc để lựa chọn
loại khoán cho phù hợp.
Trường hợp nhà khoa học muốn gia hạn vì lý do nào đó thì
Bộ chỉ cho thời hạn không quá 12 tháng. Khi hết hạn nếu họ không hoàn thành nhiệm
vụ thì Bộ sẽ quyết định dừng và xử lý về tài chính cũng như chuyên môn theo quy
định.