Món quà năm mới cho các nhà khoa học
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước là món quà năm mới 2016 dành cho các nhà khoa học.
Lãnh
đạo Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ ký Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC
- Ảnh: VGP/Thành Chung
Sáng 30/12, lãnh đạo 2 Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ
đã ký Thông tư liên tịch số 27, sau hơn 2 năm xây dựng nhằm cụ thể hóa Luật
Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và các Nghị quyết của Chính phủ đối với
việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cho
hoạt động nghiên cứu khoa học.
Một số điểm đổi mới nổi bật trong cơ chế tài chính này là
về phương thức khoán chi. Theo đó, nhà khoa học có thể lựa chọn một trong 2
phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần.
Khoán chi tới sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các nhiệm
vụ được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm,
đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng quy mô sản
phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng; có tổng dự toán các khoản chi sửa chữa, mua sắm
tài sản, đoàn ra không quá 1 tỉ đồng.
Còn khoán chi từng phần được áp dụng đối với các nhiệm vụ
không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trong khoán chi từng phần,
cơ bản các nội dung kinh phí được thực hiện khoán chi (tiền công, hội thảo,
công tác trong nước…); chỉ không khoán chi đối với các nội dung mua nguyên
nhiên, vật liệu, phụ tùng chưa được ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; sửa chữa,
mua sắm tài sản cố định, đoàn ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm
nhiệm vụ và tổ chức chủ trì được chủ động thực hiện các khoản chi theo thực tế
phát sinh, không phụ thuộc vào định mức chi và dự toán của từng nội dung chi được
duyệt trong tổng số các nội dung chi được giao khoán. Kinh phí giao khoán tiết
kiệm do không chi hết được để lại cho tổ chức chủ trì quyết định phương án sử dụng.
Tạm ứng kinh phí được thực hiện theo tiến độ hợp đồng
nghiên cứu và phát triển KHCN và thanh toán tạm ứng được căn cứ vào bảng kê khối
lượng công việc đã thực hiện. Kho bạc Nhà nước không kiểm soát chứng từ chi tiết.
Nhiệm vụ được quyết toán một lần sau khi hoàn thành và
các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng. Đối với nhiệm vụ thực hiện trong nhiều
năm, hằng năm chỉ cần gửi báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về số kinh phí thực
nhận, thực chi.
Cơ chế tài chính này được áp dụng đối với tất cả các công
trình đặt hàng nghiên cứu khoa học, công nghệ của Nhà nước, tính từ ngày
15/2/2016, thay thế các nội dung đã quy định tại Thông tư liên tịch số
93/2006/TTLT/BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của liên Bộ Tài chính, Khoa học và Công
nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN.
Bộ trưởng Nguyễn Quân và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến
Dũng đều cho rằng Thông tư 27 đã tiếp cận được cơ chế thị trường trong quản lý,
đầu tư và sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, là động
lực để các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có giá trị theo đặt
hàng của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc quản lý tài chính.
“Trước đây, các quy định về thủ tục, giấy tờ đối với từng
hạng mục, từng giai đoạn nghiên cứu rất chặt chẽ, gây khó cho các nhà khoa học
khi nhận tạm ứng để thực hiện tiếp hoặc quyết toán công trình thì nay mọi khó
khăn này được loại bỏ, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ căn cứ vào sản phẩm cuối
cùng của công trình để thực hiện tạm ứng, quyết toán”, Bộ trưởng Nguyễn Quân
nói về thuận lợi của Thông tư mới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng “thuận lợi là vậy
nhưng không phải nhà khoa học nào cũng có thể làm được” vì khi nhận đơn đặt
hàng thì các nhà khoa học phải định hình được sản phẩm khoa học cuối cùng của
mình như thế nào trong khi nghiên cứu khoa học luôn có tính rủi ro. Thêm vào
đó, việc lập dự toán cho công trình nghiên cứu cũng là thách thức với các nhà
khoa học.
Nếu không hoàn thành công trình của mình, nhà khoa học sẽ
phải hoàn trả 40% kinh phí Nhà nước đã cấp phát hoặc 100% kinh phí của Nhà nước
nếu cơ quan có trách nhiệm xác định được lỗi chủ quan của nhà khoa học.
Nhấn mạnh ý nghĩa đột phá của Thông tư này nhưng Bộ trưởng
Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng vẫn còn nhiều việc mà 2 bộ cần tập trung
thực hiện trong thời gian tới, như phổ biến, tập huấn các nội dung của thông tư
tới các cơ quan Nhà nước, cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học, xây dựng hồ sơ
nghiên cứu khoa học mẫu để kho bạc làm căn cứ thanh toán.
Cùng với Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT/BTC-BKHCN
ngày 22/4/2015 hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh
phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước, Thông
tư liên tịch 27 sẽ đảm bảo đồng bộ quy trình quản lý kinh phí từ ngân sách Nhà
nước để thực hiện nhiệm vụ KHCN bao gồm: lập dự toán, quản lý sử dụng (giao
khoán, kiểm soát chi, tạm ứng và thanh toán tạm ứng, kiểm tra, thanh quyết
toán).
Được ký kết vào những ngày cuối năm 2015, Bộ trưởng Nguyễn
Quân cho rằng Thông tư 27 sẽ là món quà năm mới tới các nhà khoa học Việt Nam.