Doanh nghiệp khoa học và công nghệ 'lận đận' khi thương mại hóa sản phẩm
Hàng loạt doanh nghiệp khoa học và công nghệ "long đong, lận đận" trong việc thương mại hóa sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo đánh giá của Cục Phát
triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, mặc dù một số doanh
nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công
nghệ nhưng cho đến nay vẫn chưa có doanh thu từ sản phẩm làm
ra. Trong quá trình thương mại hóa sản phẩm, nhiều doanh nghiệp gặp
không ít khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Cụ thể, Cục Phát triển
thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng, pháp luật
quy định một số ngành nghề kinh doanh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
đánh giá và cấp phép mới được lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, sản phẩm
khoa học và công nghệ luôn đổi mới, sáng tạo, nhiều sản phẩm mới chưa có những quy
chuẩn, tiêu chuẩn quy định về chất lượng. Việc thiếu các quy định về đánh giá,
công nhận sản phẩm mới khiến cho các kết quả khoa học và công nghệ mới chậm trễ
trong việc đưa ra thị trường, đến khi có quy định điều chỉnh thì tính cạnh
tranh của sản phẩm cũng giảm. Dẫn đến tình trạng hoặc là doanh nghiệp sẽ không
được kinh doanh sản phẩm mới hoặc phải vi phạm pháp luật để kinh doanh những
sản phẩm mới trước khi luật cho phép kinh doanh.
Ví dụ tại Công ty Cổ phần
công nghệ Việt Séc là một minh chứng điển hình. Công ty là một trong hai doanh
nghiệp khoa học và công nghệ của Bà Rịa – Vũng Tàu, hoạt động trong lĩnh vực
sản xuất tàu thuyền và phương tiện nổi. Với kết quả khoa học và công nghệ là
sản xuất cano, tàu thuyền, công trình nổi bằng vật liệu mới PPC, công ty được
cấp GCN Doanh nghiệp khoa học và công nghệ và được trao tặng nhiều giải thưởng
về khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty lại không có khả năng
triển khai thương mại hóa do chưa được cấp đăng kiểm (nguyên nhân do chưa có quy
phạm điều chỉnh đối với công nghệ vật liệu mới PPC).
Cùng với khó khăn nói trên
là hiện nay sản phẩm mới của doanh nghiệp khoa học và công nghệ rất khó tiếp
cận thị trường do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Rất nhiều các sản
phẩm khoa học và công nghệ mới được tạo ra trong nước, được các cơ
quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá cao, trao tặng các giải thưởng khoa
học và công nghệ nhưng lại không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại do sự e
ngại của người tiêu dùng, công tác truyền thông đến công chúng hạn chế do thiếu
kinh phí. Điển hình trường hợp dòng sản phẩm từ cây trinh nữ hoàng cung của
Công ty Thiên Dược (Bình Dương), sản phẩm lò đốt rác thải y tế công nghệ cao của
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhiệt công nghiệp Hỏa Tự Long (Bắc Kạn),…
Sản phẩm được làm ra từ công
nghệ mới, giá thành cao cũng là một cản trở khiến sản phẩm khó thương mại hóa
được. Nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ có đối tượng hướng
tới là những người dân có thu nhập thấp (chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm, ngư
nghiệp) nên cũng khó thương mại hóa. Điển hình như sản phẩm thuyền phao cứu
sinh của Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Năm Sao (được cấp bằng bảo hộ sáng
chế) có đối tượng hướng tới là ngư dân các tỉnh ven biển, mặc dù được UBND các
tỉnh và ngư dân đón nhận nhưng lại không có khả năng sản xuất hàng loạt do giá
thành sản phẩm cao hơn so với phương tiện thuyền thúng truyền thống, ngư dân không
có khả năng tiếp cận.
Ngoài ra, bảo hộ quyền sở
hữu trí tuệ và mở rộng thị trường ra nước ngoài là những vấn đề đặc biệt quan
trọng. Nếu sản phẩm mới, sản xuất từ công nghệ mới của doanh nghiệp không được
bảo hộ sở hữu trí tuệ, có thể bị xâm hại đến tài sản, giá trị thương hiệu của
doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Vì sản phẩm mới nên chưa có tiêu chuẩn
trong nước quy định, gặp khó khăn khi xuất khẩu dù đã có những đối tác nước
ngoài sẵn sàng hợp tác.
Khắc phục những vấn đề nêu
trên, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho
rằng, cần sớm triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hình thành chuỗi giá trị
hàng hóa các sản phẩm sáng tạo trong nước, để kết nối các doanh nghiệp sáng tạo
và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm khoa học và công nghệ. Tiến đến hỗ trợ
đầu tư, thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ có đối
tượng hướng tới là những người có thu nhập thấp, công nghệ ứng dụng tại các địa
bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bổ sung các chính sách hỗ trợ
của Nhà nước đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chú trọng các
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, hỗ trợ giới thiệu các sản
phẩm của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tăng cường kết nối cung cầu,
tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, cập nhật hệ
thống tiêu chuẩn kiểm định lưu hành sản phẩm thì nên chấp nhận hệ thống tiêu
chuẩn quốc tế phổ biến, để sản phẩm khoa học và công nghệ mới được sản xuất và
lưu hành. Cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo
vệ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu công nghệ cũ của nước ngoài, hướng
dẫn doanh nghiệp khoa học và công nghệ đăng ký và công bố tiêu chuẩn được phép
lưu hành.