SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

[05/01/2016 13:57]

Trong vài năm qua, Bộ KH&CN và một số Bộ, ngành liên quan đã tích cực chủ động phối hợp để triển khai các nhiệm vụ KH&CN thuộc ba Chương trình quốc gia.

Với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tính đến nay, các Bộ, ngành có liên quan đã xem xét, phê duyệt và bố trí kinh phí cho 58 nhiệm vụ thuộc ba Chương trình quốc gia, trong đó 55 nhiệm vụ đã được ký hợp đồng thực hiện. Trong đó, riêng Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia giai đoạn một (2010 - 2015), một phần ba dự án được phát triển sản phẩm triển khai tốt và được đề nghị tiếp tục thực hiện. Đó là nhiệm vụ KH&CN phục vụ sản xuất vaccine phòng bệnh cho người và vật nuôi; Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; Thiết bị siêu trường, siêu trọng (Giàn khoan dầu khí di động, Thiết bị nâng hạ có sức nâng lớn). Còn lại một số dự án phát triển các sản phẩm do không tìm được tổ chức, doanh nghiệp phù hợp, có đủ năng lực để sẵn sàng đầu tư, phát triển sản phẩm quốc gia bảo đảm đáp ứng được chỉ tiêu về giá trị doanh thu từ sản phẩm (2.000 tỷ đồng/năm) nên Ban chỉ đạo chương trình cho dừng thực hiện. Đó là những sản phẩm An ninh mạng, Bảo mật thông tin; Động cơ sử dụng cho phương tiện giao thông vận tải (Động cơ Diesel D4, Động cơ xăng dùng cho ô tô công suất 55-150 mã lực đạt tiêu chuẩn khí thải EURO4); Nấm ăn và nấm dược liệu; Cá da trơn Việt Nam chất lượng cao; Thiết bị vi mạch điện tử.

Một số kết quả

Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia trực tiếp hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp ở giai đoạn đầu, giai đoạn nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ và hỗ trợ đến khâu sản xuất thử nghiệm ở lô số 0. Sản phẩm được sản xuất ở quy mô công nghiệp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, do đó các dự án KH&CN thuộc Chương trình cũng được hưởng ưu đãi lớn hơn những chương trình quốc gia thông thường, ví dụ như hỗ trợ theo dự án được duyệt tối đa đến 50% tổng mức kinh phí đầu tư (không bao gồm giá trị còn lại hoặc chi phí khấu hao trang thiết bị, nhà xưởng đã có vào tổng mức kinh phí đầu tư) thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm phục vụ sản xuất sản phẩm quốc gia vốn cho doanh nghiệp tối đa đến 70% tổng mức kinh phí đầu tư để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp triển khai trên địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục các tổ chức hành chính thuộc vùng khó khăn và các văn bản sửa đổi, bổ sung). Kinh phí đầu tư của Nhà nước tập trung trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, sau đó giảm dần; trong đó, kinh phí đối ứng của tổ chức, doanh nghiệp sẽ tăng dần trong suốt giai đoạn thực hiện dự án vì tổ chức, doanh nghiệp phải đầu tư để sản xuất ra sản phẩm ở quy mô công nghiệp.

Sau hai năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả cụ thể:

- Triển khai năm nhiệm vụ thuộc ba dự án sản xuất vaccine phòng bệnh cho vật nuôi đối với bệnh lở mồm long móng, hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn và bệnh cúm gia cầm A/H5N1; dự kiến sản xuất từ 15 triệu liều vaccine đến 200 triệu liều vaccine cho mỗi loại vaccine trong một năm, đủ cung cấp để phòng các dịch bệnh nêu trên trong toàn quốc. Việc triển khai các dự án này sẽ giúp Việt Nam giảm nhập khẩu (20% đến năm 2017, 50% đến năm 2020), tiến tới chủ động hoàn toàn quy trình sản xuất các loại vaccine này.

- Triển khai thẩm định và phê duyệt tám nhiệm vụ thuộc sáu dự án về sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn WHO ở quy mô công nghiệp và để đối phó với tình hình bệnh dịch có xu hướng bùng phát. Bộ KH&CN, Bộ Y tế đã khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét ưu tiên cấp kinh phí sớm để nghiên cứu, sản xuất sáu thành phần của vaccine “6 trong 1”, mục tiêu đến năm 2018 có sản phẩm vaccine “6 trong 1” của Việt Nam thay thế vaccine Quinvaxem đang phải nhập khẩu.

- Triển khai dự án “Nghiên cứu hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo và chế tạo cầu trục và cổng trục có sức nâng từ 50 tấn đến 1.200 tấn” với dự kiến các sản phẩm gồm cầu trục 1.200 tấn, cầu trục trung gian 250 tấn, cổng trục chân dê 2x130 tấn và bán cổng trục có sức nâng 350 tấn sẽ phục vụ cho việc lắp đặt các thiết bị tại công trình xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu; tổ chức ký hợp đồng thực hiện dự án “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoàn cải giàn khoan dầu khí di động có thể tiến hành khoan ở độ sâu mực nước biển 120m (-120m), với tổng giá trị của giàn khoan là 230 triệu USD (tương đương 4.600 tỷ đồng).

Một số khó khăn, tồn tại

Mặc dù có nhiều ưu đãi cho các đơn vị thực hiện dự án nhưng Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia vẫn triển khai chậm so với mục tiêu đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do việc chậm ban hành các văm bản hướng dẫn triển khai chương trình (đặc biệt là văn bản hướng dẫn tài chính thực hiện Chương trình). Ngoài ra tư duy, định hướng triển khai Chương trình theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm còn chuyển biến chậm. Một số cơ quan có liên quan vẫn xem xét, lựa chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình (ví dụ: sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao) dưới hình thức các đề tài nghiên cứu và giao cho các Viện, trường thực hiện; chưa quan tâm đến việc đưa các nghiên cứu này vào trong doanh nghiệp, giao doanh nghiệp thực hiện để có được các sản phẩm cuối cùng đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải cam kết vốn đối ứng, cam kết đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ nghiên cứu, sản xuất sản phẩm quốc gia cũng mới được đặt ra (ví dụ đối với một số dự án khoa học và công nghệ của sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho vật nuôi).

Hiện nay, việc đấu thầu mua sắm thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu từ ngân sách nhà nước phục vụ cho các hoạt động của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc ba Chương trình quốc gia được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây viết tắt là Thông tư 68) và các quy định khác theo Luật đấu thầu. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN, gây chậm trễ về tiến độ triển khai nhiệm vụ. Quy trình đấu thầu mua sắm thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu từ ngân sách nhà nước phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu của nhiệm vụ thường mất từ bốn đến sáu tháng.

Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia vẫn triển khai chậm so với mục tiêu đề ra, trước hết là do việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai chương trình, tư duy, định hướng triển khai Chương trình theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm còn chuyển biến chậm.

Chương trình được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi “vay tối đa 85% vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và được Chương trình hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời hạn năm năm” để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất thử nghiệm, sản xuất sản phẩm thuộc Chương trình. Tuy nhiên, đến nay, chưa có quy định nào về cơ chế vay vốn ưu đãi đối với các nhiệm vụ thuộc ba Chương trình quốc gia.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân quan trọng khác như: chưa có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm: xây dựng mới trung tâm nghiên cứu triển khai, phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm…; quy định quản lý tài chính chưa phù hợp, nhất là những quy định trong mua sắm thiết bị và vay vốn ưu đãi.

Kiến nghị và giải pháp

Để tiếp tục triển khai đồng bộ và có hiệu quả, bảo đảm tiến độ, mục tiêu của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia cần thực thi một số giải pháp: Các Bộ, ngành có liên quan (đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) cần xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc Chương trình trong giai đoạn 2015-2020 trên cơ sở đề xuất của Bộ KH&CN; Cho phép áp dụng thí điểm cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, mua bản quyền sở hữu trí tuệ trong các nhiệm vụ thuộc Chương trình để bảo đảm tiến độ và hiệu quả triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho đến khi Thông tư thay thế Thông tư số 68/2012/TT-BTC được ban hành; Sớm hướng dẫn cơ chế vay vốn ưu đãi và hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay để triển khai thí điểm một số nhiệm vụ thuộc Chương trình trên cơ sở đề nghị của Bộ KH&CN; Xem xét xây dựng cơ chế đặc thù cho các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; Tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về việc thay thế, bổ sung một số sản phẩm quốc gia mới vào Danh mục để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Chương trình trước hết cần xem xét, lựa chọn dự án thận trọng, ngay từ khâu sàng lọc hồ sơ dự án, tránh sự chồng chéo, trùng lắp với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai.

tiasang.com.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ