Điều chỉnh mục tiêu Chiến lược KH&CN sát thực tế hơn
Sau năm năm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Chiến lược), bên cạnh những kết quả tích cực như dự kiến, vẫn còn một số mục tiêu được đánh giá là chưa đạt. Do đó, Bộ KH&CN sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép điều chỉnh mục tiêu Chiến lược giai đoạn từ 2016- 2020 cùng với các mục tiêu và giải pháp phù hợp với tình hình mới.
Mục
tiêu và kết quả thực tế
Trong
phiên họp sơ kết năm năm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn
2011 – 2020, diễn ra vào ngày 25/12 vừa qua, Bộ KH&CN đã nhìn nhận và đánh
giá lại những kết quả đạt được ở giai đoạn đầu Chiến lược, với đánh giá chung
là trong thời gian qua KH&CN đã có những đóng góp thiết thực phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật KH&CN đã tiếp tục được hoàn thiện,
tiềm lực KH&CN quốc gia từng bước được nâng cao, khoảng cách năng lực cạnh
tranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể. Một số kết
quả cụ thể đáng chú ý như gia tăng số lượng công bố quốc tế trong giai đoạn
2011-2015 gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, đạt tốc độ tăng bình quân
19,5%/năm, đưa Việt Nam xếp hạng 59 thế giới (tăng 10 bậc so với giai đoạn
2006-2010); tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của quốc gia và doanh nghiệp đạt
10,68%/năm; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt
tỷ trọng đóng góp vào năm 2013 đạt 28.7% (năm 2012 là 19,1%); số lượng sáng chế,
giải pháp hữu ích được bảo hộ tăng 62% so với giai đoạn 2006-2010... Đây là những
lĩnh vực hứa hẹn khả năng sẽ đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2020 của Chiến lược.
Tuy
nhiên trên một số lĩnh vực, kết quả còn chưa đạt mục tiêu Chiến lược đề ra, điển
hình là các mục tiêu về số lượng cán bộ nghiên cứu KH&CN, số cơ sở ươm tạo
công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng
dụng đạt trình độ khu vực và quốc tế…. Ví dụ cho đến cuối 2015 mới có chín cơ sở
ươm tạo được xây dựng và hình thành trên toàn quốc, chưa bằng 1/3 mục tiêu đã định,
và việc hướng tới mục tiêu hình thành 60 cơ sở ươm tạo vào năm 2020 xem ra bất
khả thi. Về chất lượng ươm tạo, phần lớn các cơ sở này mới dừng lại ở mức cho
thuê mặt bằng, máy móc mà chưa phát huy được vai trò như tư vấn, đào tạo, kết nối
nhà đầu tư với doanh nghiệp, khuyến khích chuyển giao công nghệ…
Về
mục tiêu hình thành 30 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực
và thế giới năm 2015 và 60 tổ chức năm 2020, trên thực tế qua đánh giá thí điểm
66 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam,
ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia HN, ĐH Bách khoa HN, Việt Nam hiện mới có sáu tổ
chức đạt trình độ khu vực và quốc tế, tám tổ chức khác có thể đầu tư để đạt
trình độ khu vực và quốc tế vào năm 2020.
Ngay
trong một số mục tiêu được nhận định là đạt yêu cầu thì vẫn tồn tại những điểm
yếu. Ví dụ về tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị, phần lớn các doanh nghiệp
Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ
hai đến ba thế hệ, chỉ khoảng 20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công
nghiệp có trình độ công nghệ tiên tiến nhưng chủ yếu cũng là các công ty nước
ngoài. Thậm chí, trong số các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ thì tỷ trọng
nhập khẩu công nghệ từ các quốc gia tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ và một số quốc
gia châu Âu cũng rất thấp nên mức độ hiện đại cũng chỉ ở tầm trung bình của thế
giới. So với 140 quốc gia được xếp hạng, mức độ sẵn sàng về công nghệ của doanh
nghiệp Việt Nam chỉ xếp thứ 92, mức độ hấp thụ công nghệ hạng 121, khả năng tiếp
cận công nghệ mới hạng 112.
Những
tồn tại vướng mắc
Khó
khăn trong việc thực hiện Chiến lược đã được Bộ KH&CN phân tích, đánh giá
khách quan và thẳng thắn, trong đó đã chỉ ra một trong những nguyên nhân quan
trọng nhất là tình trạng hệ thống thông tin, thống kê kinh tế - xã hội và
KH&CN còn nhiều hạn chế, dẫn tới một số mục tiêu, chỉ tiêu còn duy ý chí,
thiếu tính khả thi và khó đánh giá kết quả thực hiện.
Bên
cạnh đó là những vấn đề về tiềm lực KH&CN quốc gia, cơ chế quản lý Nhà nước,
sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các bộ, ngành… Thậm chí còn tồn tại vướng
mắc về quan điểm giữa một số Bộ, ngành, nhất là về vấn đề đầu tư, tài chính,
ngân sách cho KH&CN và chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN. Đặc biệt về
cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, vẫn còn thiếu các chính sách, giải pháp tạo
đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ
trưởng Vụ KH&CN Bộ Công Thương cho biết, những tồn tại về cơ chế quản lý và
sự phối hợp liên bộ khiến nhiều đơn vị của Bộ này trong triển khai các dự án hợp
tác với Bộ KH&CN đã phải mất khá nhiều thời gian chờ các thủ tục phê duyệt
hay gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai... “Vì vậy, tiến độ thực hiện
dự án thường không khớp với kế hoạch, cụ thể như với các dự án về giàn khoan tự
nâng 120 m nước Tam Đảo 5”.
Mặt
khác, việc huy động các nguồn lực xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN vẫn
chưa hiệu quả do còn nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi của Nhà
nước cho đầu tư KH&CN. Mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên
cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu mà nguyên nhân
là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường, chưa coi
việc đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa là giải pháp sống
còn. Phần lớn doanh nghiệp thuộc loại nhỏ và vừa nên việc huy động tài chính,
nhân lực cho đổi mới công nghệ càng khó khăn.
Về
phía các viện nghiên cứu, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu ở một vài viện
nghiên cứu hoặc tổng công ty, không chỉ nghèo nàn, xuống cấp mà còn lạc hậu, dẫn
đến việc khó triển khai các dự án KH&CN được giao. Tuy nhiên, theo đánh giá
của một số nhà khoa học có uy tín, vấn đề đáng quan ngại nhất đối với các trường/viện
nghiên cứu của Việt Nam không phải là hạn chế đầu tư về trang thiết bị, mà là sự
thiếu đầu tư đồng bộ cho con người/chất xám, hoặc đầu tư cho trang thiết bị mà
thiếu sự tham vấn ý kiến (kèm theo ràng buộc về trách nhiệm sử dụng) của giới
chuyên môn. Đơn cử như GS. Pierre Darriulat trong một số ý kiến chia sẻ trên tạp
chí Tia Sáng trong những năm gần đây phản ánh tình trạng mua sắm những trang
thiết bị đắt tiền trong khi chưa có người sử dụng, hoặc thậm chí ra quyết định
mua sắm mà không tham khảo ý kiến của giới chuyên môn.
Một
số phương hướng, giải pháp thực hiện Chiến lược
Để
triển khai tốt Chiến lược giai đoạn 2016 - 2020, Bộ KH&CN đề xuất với Chính
phủ điều chỉnh Chiến lược với các mục tiêu và giải pháp khả thi, phù hợp với tình
hình mới, đồng thời đưa ra một số giải pháp trong việc phối hợp với các bộ,
ngành liên quan: đưa một số chỉ tiêu phát triển KH&CN vào hệ thống các chỉ
tiêu KT - XH hằng năm và năm năm của Chính phủ trình Quốc hội; triển khai cơ chế
bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước trích đủ 3-10% thu nhập tính thuế để thành lập
quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ;
thành lập các quỹ phát triển KH&CN ở địa phương và đưa vào hoạt động để hỗ
trợ kịp thời cho việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh,
thành phố, bố trí đủ 2% ngân sách địa phương hằng năm chi cho hoạt động
KH&CN, bảo đảm chi đúng mục đích và hiệu quả.
Bộ
KH&CN cũng kiến nghị Chiến lược cần tiếp tục tập trung phát triển mạnh
nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để phục vụ trực tiếp
và thiết thực cho nhu cầu doanh nghiệp, chú trọng lĩnh vực có hàm lượng công
nghệ cao, tỷ trọng nội địa lớn, trong đó có các lĩnh vực phát huy lợi thế nền
nông nghiệp nhiệt đới và các ngành dịch vụ có thế mạnh của Việt Nam.
Để
tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN tiếp tục kiến nghị đẩy mạnh
thực hiện một số chính sách đã được khởi xướng lâu nay, như hình thành một số
viện, đại học nghiên cứu theo mô hình tiên tiến của thế giới; phát triển mạnh
hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học, đẩy mạnh liên kết giữa đào tạo
và nghiên cứu, giữa đại học và doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên
cứu mạnh; cụ thể hóa và đưa vào thực thi các chính sách sử dụng, trọng dụng cán
bộ KH&CN...
Về
cơ chế quản lý hoạt động KH&CN vẫn cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ,
phù hợp với đặc thù hoạt động KH&CN và thông lệ quốc tế: đẩy mạnh cơ chế đặt
hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả; áp dụng cơ chế
khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; đảm bảo cấp phát tài chính kịp thời, phù hợp
với tiến độ đặt hàng và phê duyệt; tăng cường kinh phí đối ứng từ doanh nghiệp
cho nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ,...
“KHÔNG
CÓ CHẾ ĐỘ PHẢN BIỆN KÍN”
Tránh
dàn trải, minh bạch hóa, nhân rộng mô hình tiến bộ là ba trong số những ý kiến
của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà
nước cho các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, Bộ KH&CN cần tìm cách tập
trung nguồn lực đầu tư cho “rất ít [chương trình/nhiệm vụ] trọng điểm thực sự
đúng nghĩa, đầu tư tạo đột phá đúng nghĩa” và nỗ lực cao nhất để tạo ra kết
quả như mong đợi.
Quá trình tuyển chọn nhiệm vụ, đề tài
KH&CN, quá trình xét duyệt, nghiệm thu và đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị
trường phải “hoàn toàn minh bạch”. Muốn vậy thì cách duy nhất là cộng đồng
khoa học tự giám sát lẫn nhau bằng cách công khai tất cả mọi công việc, kể cả
phản biện – “không có chế độ phản biện kín” ở đây – bởi “không một ai, tổ chức
nào đủ lực lượng để đi thanh tra, giám sát” các đề tài đã được xét duyệt và
thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp minh bạch hóa mọi ý
kiến của các nhà khoa học tham gia hội đồng tuyển chọn hay xét duyệt các đề
tài nhiệm vụ. Như vậy, dư luận công chúng sẽ biết được ngay nhà khoa học “phản
biện trách nhiệm, có chuyên sâu về chuyên môn hay là cũng xuê xoa”.
Ngoài ra, trong định hướng phân bổ nguồn lực
từ các quỹ KH&CN cho các đề tài khoa học, nên ưu tiên hơn nữa cho các trường
đại học. Còn đối với các viện nghiên cứu, tới đây khi đã hình thành một viện
nghiên cứu theo hướng tiến bộ như VKIST thì cần phải nhân ra, lan tỏa tới các
viện khác, chưa áp dụng được ở các viện lớn thì với các viện nhỏ của hai viện
Hàn lâm, trước hết là trong Bộ KH&CN.”
(Tóm
tắt một số ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Sơ kết năm năm thực
hiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 và tổng kết công
tác năm 2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016).
|