SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ: Không chạy theo số lượng

[11/01/2016 09:08]

Theo phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2015, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù số doanh nghiệp KHCN trên thực tế gần đạt mục tiêu đề ra, song mới chỉ có hơn 600 doanh nghiệp được công nhận. Vậy, đâu là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trở thành doanh nghiệp KHCN? Cần làm gì để phát triển doanh nghiệp KHCN thực chất hơn trong thời gian tới? Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công NGHỆ TRẦN VĂN TÙNG chia sẻ cùng PV Báo Đại biểu Nhân dân.

Gần đạt kế hoạch đề ra

- Thưa ông, theo Quyết định số 1244/QĐ-TTg về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp KHCN. Vậy, mục tiêu này đã thực hiện đến đâu?

- Đến nay, cả nước có 204 doanh nghiệp đã đăng ký và được công nhận là doanh nghiệp KHCN; có 400 doanh nghiệp ở các khu công nghệ cao, khu công nghiệp tập trung và khu công nghệ thông tin (CNTT) được coi là doanh nghiệp KHCN. Bên cạnh đó, khoảng 800 doanh nghiệp đang làm thủ tục và có tiềm năng trở thành doanh nghiệp KHCN nhưng chưa đi đăng ký. Ngoài ra, theo Hiệp hội phần mềm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có khoảng 1.400 doanh nghiệp phần mềm trên địa bàn và đây thực sự là những doanh nghiệp KHCN song không đăng ký. Như vậy, đến thời điểm này, cả nước có khoảng 2.800 doanh nghiệp đủ điều kiện và đã đăng ký là doanh nghiệp KHCN, gần sát với mục tiêu đề ra. Song, số doanh nghiệp KHCN đã đăng ký và được công nhận tại các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ và khu công nghiệp chỉ là 604 doanh nghiệp.

- Vì sao có tình trạng doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng vẫn không đăng ký để trở thành doanh nghiệp KHCN?

- Nguyên nhân thứ nhất là do các doanh nghiệp chưa thực sự hiểu được quyền lợi khi trở thành doanh nghiệp KHCN. Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được hưởng ưu đãi tương tự doanh nghiệp KHCN nên không đi đăng ký. Thứ ba, có một phần nguyên nhân từ phía các Sở Khoa học và Công nghệ. Đó là tâm lý lo lắng khi công nhận doanh nghiệp KHCN sẽ liên quan đến chính sách thuế. Vì vậy, phải làm cẩn thận, nhưng vì quá cẩn thận thành ra thủ tục phức tạp khiến doanh nghiệp e ngại. Bên cạnh đó, các Sở thiếu đội ngũ chuyên gia, trong khi lĩnh vực doanh nghiệp đăng ký quá mới mẻ nên không đủ tự tin để thẩm định, phê duyệt.

Trách nhiệm thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ

- Theo ông, hiện nay, chính sách ưu đãi đã đủ sức để thu hút doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN chưa?

- Hiện, chính sách ưu đãi hoàn toàn đủ sức thu hút doanh nghiệp KHCN. Cụ thể, theo Nghị định 80/2007/NĐ-CP, bên cạnh ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp KHCN còn được ưu tiên sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; miễn phí tư vấn, đào tạo từ các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp của Nhà nước; miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; ưu tiên cho thuê đất với mức giá thấp nhất... Bên cạnh đó, khi trở thành doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp còn nhận được ưu đãi từ các chương trình như Chương trình Hỗ trợ KHCN, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia...

- Doanh nghiệp KHCN được hưởng nhiều ưu đãi nhưng vẫn không muốn đăng ký, theo ông, trách nhiệm này thuộc về ai?

- Dĩ nhiên, đó là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có một phần trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ. Chúng tôi chưa làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về ưu đãi tới doanh nghiệp. Đáng lẽ, chúng tôi phải phối hợp các Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để doanh nghiệp biết mà tham gia, bởi hiện nay đa số các doanh nghiệp KHCN đều xuất phát từ khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, chính sự rườm rà về thủ tục cũng khiến doanh nghiệp KHCN ngại đăng ký.

Tiềm năng phát triển rất lớn

- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển doanh nghiệp KHCN thời gian tới?

- Gần đây, phong trào khởi nghiệp đang được lưu tâm, đẩy mạnh trong toàn xã hội. Từ hệ thống khởi nghiệp này, sẽ có nhiều doanh nghiệp ra đời, trong đó có doanh nghiệp KHCN. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp theo mô hình Thung lũng Silicon, quan tâm tới các trường đại học khối kỹ thuật, công nghệ. Đây sẽ là tiềm năng rất lớn để phát triển doanh nghiệp KHCN trong tương lai.

- Theo ông, cần làm gì để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp KHCN phát triển?

- Muốn thúc đẩy doanh nghiệp KHCN phát triển, trước tiên phải tạo hành lang pháp lý, môi trường để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn; thủ tục đơn giản hóa để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đăng ký. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng tôi muốn thay đổi quy định trong Nghị định 80/2007 và Nghị định 96/2010, đề nghị giao Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN xem xét và công nhận doanh nghiệp KHCN bởi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp vượt tầm quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng giao cho Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ làm hệ thống cung cấp thông tin tới doanh nghiệp. Theo đó, các công nghệ, giải pháp mới sẽ được cập nhật trên trang thông tin này để doanh nghiệp và người dân được biết. Đồng thời, cần thành lập câu lạc bộ KHCN để tập hợp cả người có mong muốn thành lập doanh nghiệp KHCN tham gia, là cơ sở để nuôi dưỡng, ươm mầm doanh nghiệp KHCN trong tương lai.

- Chúng ta có nên xác định mục tiêu phát triển doanh nghiệp KHCN giai đoạn tới bằng một con số cụ thể không, thưa ông?

- Tôi cho rằng việc đặt mục tiêu doanh nghiệp KHCN cần thực chất hơn. Không cần và không nên chạy theo số lượng nữa. Thay vào đó, cần quan tâm tới chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp này, xem đóng góp vào nền kinh tế ra sao. Khi xác định rõ mục tiêu phát triển doanh nghiệp KHCN, chúng ta sẽ có cách giải quyết tương ứng để làm sao các doanh nghiệp này phát huy vai trò, giá trị của mình.

- Xin cảm ơn ông!.

 Hiện, cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp CNTT, trong đó, có ít nhất 1/3 doanh nghiệp đủ điều kiện là doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, không một doanh nghiệp nào đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN.

Theo số liệu Bộ Khoa học và Công nghệ tập hợp từ hơn 80 doanh nghiệp KHCN đã đăng ký, năm 2015, trung bình mỗi doanh nghiệp có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng; thu nhập bình quân ở các doanh nghiệp này đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng.

 

daibieunhandan.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ