Đổi mới và phát triển doanh nghiệp để hội nhập quốc tế
Đổi mới công nghệ được xem là vấn đề sống còn của doanh nghiệp Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới, Việt Nam không thể cạnh tranh được với thế giới nếu như không đổi mới một cách toàn diện.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho biết như
trên tại Hội nghị “Đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế”
do Bộ KH&CN phối hợp cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc
hội tổ chức ngày 17/01.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nhấn
mạnh: Đổi mới và phát triển của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế là vấn đề
toàn xã hội quan tâm. Việt Nam đã hội nhập một cách toàn diện và sâu rộng
vào nền kinh tế thế giới đặc biệt là đối với các nước Châu Á Thái Bình Dương.
Kết thúc năm 2015 Việt Nam đã kí kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), đã kết
thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Do vậy, việc tổ
chức Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng. Thông qua các trao đổi, trình bày tại
Hội nghị, doanh nghiệp sẽ thể hiện được ý chí của mình, đồng thời các cơ quan
quản lý nhà nước cũng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ các doanh
nghiệp về đổi mới công nghệ để có thể hội nhập thành công vào nền kinh tế thế
giới.
“Đổi mới công nghệ không có nghĩa là đổi mới máy móc cũ bằng máy móc mới
mà song hành với nó là cần đổi mới cả hệ thống quản lý. Để thực hiện tốt việc
này Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
Chúng ta không thể vận hành hệ thống công nghệ mới nếu không có đội ngũ nhân
lực chất lượng cao và cũng không thể đổi mới công nghệ nếu chúng ta không có hệ
thống quản trị tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay.
Trong chương trình hoạt động, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ
hàng loạt các Chương trình quốc gia về KH&CN trong đó tập trung vào doanh
nghiệp. Trong những năm qua, Bộ KH&CN đã xác định doanh nghiệp là trung tâm
của quá trình đổi mới công nghệ và là địa chỉ để chuyển giao công nghệ, là
nguồn cầu quan trọng của thị trường công nghệ. Thậm chí doanh nghiệp cũng đóng
vai trò là nguồn cung công nghệ.
Hiện có nhiều doanh nghiệp trong quá trình đổi mới đã tạo lập các đơn vị
nghiên cứu triển khai ngay trong lòng doanh nghiệp và tập hợp đội ngũ các nhà
khoa học, chuyên gia đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính vì vậy trong quá trình
đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã hỗ trợ thông qua các
chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Thủ tướng đã cho phép thành lập Quỹ
đổi mới công nghệ quốc gia để tài trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công
nghệ.
Bộ KH&CN sẽ đầu tư cho các doanh nghiệp chủ lực để có thể đổi mới
công nghệ. Bên cạnh các chương trình quốc gia dành cho doanh nghiệp, còn có các
chương trình khác được Chính phủ phê duyệt như chương trình quốc gia phát triển
công nghệ cao, chương trình phát triển sản phẩm quốc gia…
“Trong những năm vừa qua, Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bộ KH&CN sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa trong phạm vi quyền hạn của mình cho sự
phát triển của doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, các
doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa cung cấp cho xã hội, nâng cao năng lực
cạnh tranh với các quốc gia khác”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về: Triển vọng kinh
tế Việt Nam trước những thách thức hội nhập; Tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chí
cốt lõi cho phát triển của doanh nghiệp trong hội nhập; Vai trò của sở hữu trí
tuệ trong phát triển hội nhập..
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp đã chia
sẻ, cung cấp thông tin và trao đổi một số vấn đề nổi bật mà doanh nghiệp quan
tâm như: Quá trình xây dựng phát triển thương hiệu bền vững trong hội nhập;
đồng thời giải đáp những câu hỏi của các doanh nghiệp, góp phần nâng cao nhận
thức, tìm ra điểm chung hành động để doanh nghiệp vững vàng phát triển trước
thách thức hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay.