Văn kiện Đại hội XII: GD-ĐT phải gắn với khoa học, công nghệ
Kế thừa, cụ thể hóa và phát triển tư tưởng Đại hội XI, Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm: Giáo dục, đào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển, đồng thời đặc biệt chú tọng các giải pháp, nhiệm vụ gắn kết 2 lĩnh vực này.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận
Trung ương, Dự thảo Văn kiện đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp gắn kết
giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ với phát triển nguồn nhân lực, nhất là
nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả quá trình đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực
hiện 3 đột phá chiến lược.
Trước hết, giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ phải gắn kết, tương
tác lẫn nhau. Đổi mới giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao tiềm năng, kỹ năng sáng
tạo, ứng dụng khoa học công nghệ của con người; khoa học, công nghệ phải gắn bó
và thông qua nguồn nhân lực được đào tạo để thâm nhập sâu vào sản xuất, kinh
doanh và đời sống xã hội. Hướng đích của đổi mới giáo dục, đào tạo và phát
triển, ứng dụng khoa học, công nghệ là phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp
hoá - hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực, theo đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
5 định hướng lớn về đổi mới giáo dục, đào tạo
Theo đó, công tác giáo dục, đào tạo cần gắn với tiến bộ khoa học và công
nghệ, với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực; chuyển mạnh quá trình giáo
dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm
chất người học, học đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn.
Trước hết, đổi mới giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao tiềm năng, kỹ năng
sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ của con người. Khoa học, công nghệ phải
gắn bó và thông qua nguồn nhân lực được đào tạo để thâm nhập sâu vào sản xuất,
kinh doanh và đời sống xã hội.
Hướng đích của đổi mới giáo dục, đào tạo và phát triển, ứng dụng khoa
học, công nghệ là phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá,
hội nhập quốc tế, trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo đó là
chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong đó, giáo dục, đào tạo hướng vào xây dựng chiến lược phát triển nguồn
nhân lực cho đất nước nói chung và cho từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng, với
những giải pháp đồng bộ. Trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại
nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn
với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Tăng cường quản lý nhà nước về nguồn nhân lực, gắn kết cung-cầu, thúc
đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo điều kiện hỗ trợ dịch chuyển lao động và
phân bố lao động hợp lý, hiệu quả.
Khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công
nghệ, doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong nhà trường; thí điểm chuyển mô
hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý,
đầu tư
Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, chú trọng giáo dục
hướng nghiệp, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp...
4 vấn đề trong phát triển khoa học, công nghệ
Đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, Dự thảo Văn kiện nêu lên 4 vấn đề
lớn cần tập trung thực hiện nhằm mục tiêu: Khoa học và công nghệ phải thực sự
là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế
tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo vệ môi
trường, bảo đảm quốc phòng an ninh. Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ
là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt
động của các ngành, các cấp.
Thứ nhất là xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng
lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
Thứ hai là tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ với
doanh nghiệp; khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành
phần kinh tế nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ.
Thứ ba là phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ
khoa học công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ, đồng thời hoàn
thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ...theo hướng hỗ trợ
hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và công nghệ.
Thứ tư là có chính sách đào tạo, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ cán bộ
khoa học, công nghệ, nhất là các chuyên gia có nhiều đóng góp; khuyến khích các
nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia hoạt
động khoa học, công nghệ tại Việt Nam.