2016 sẽ là năm bản lề về khởi nghiệp KHCN
Với việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý, năm 2016 được coi là năm bản lề, bắt đầu công cuộc khởi nghiệp về KHCN tại Việt Nam.
Sáng 17/2, Ban quản lý dự án FIRST phối hợp với Hội liên lạc
người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức chương trình gặp gỡ thân mật chuyên gia
trí thức kiều bào Xuân Bính Thân với chủ đề "Kết nối và đổi mới sáng tạo
Việt Nam – 2016”.
Buổi gặp gỡ là diễn đàn trao đổi giữa các nhà quản lý, các
chuyên gia trong và ngoài nước về vai trò, khả năng đóng góp cũng như đưa ra
những đề xuất, chủ trương chính sách cụ thể nhằm thu hút rộng rãi và phát huy hiệu
quả nguồn chất xám của kiều bào đối với sự nghiệp phát triển KHCN nói riêng và
sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước nói chung.
Theo ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người
Việt Nam ở nước ngoài, những năm trước đây, chương trình gặp mặt đầu năm được
tổ chức thường chỉ mang tính chất vui vẻ. Nhưng bắt đầu từ năm nay, cuộc gặp gỡ
sẽ mang một tính chất khác. Đó là sự kết nối giữa các nhà khoa học, các trí
thức Việt Nam ở nước ngoài nhằm đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Đây
cũng là cơ hội thuận lợi để các kiều bào có thể nắm bắt, cập nhật về tình hình
phát triển KH&CN của đất nước. Từ đó, nhận thức rõ hơn về những nhu cầu cụ
thể trong nước nhằm tìm kiếm sự hợp tác qua lại, tăng cường đóng góp hiệu quả
và bền vững giữa đôi bên.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KHCN
đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ các chuyên gia trí thức kiều
bào, coi đó là một trong những nguồn nhân lực KHCN nòng cốt của đất nước.
Theo ông Quân, việc thu hút và phát huy chất xám của đội ngũ
chuyên gia trí thức kiều bào trong nhiều trường hợp là con đường ngắn nhất,
hiệu quả nhất để giải quyết nhiều vấn đề KHCN, kinh tế, kỹ thuật quan trọng.
Nhà nước ta cũng đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm phát huy vai
trò và sự đóng góp của đội ngũ này.
Ông Quân cũng cho biết, trong năm 2016, Bộ KHCN sẽ đẩy mạnh
về hoạt động khởi nghiệp. “Quá trình khởi nghiệp của KHCN Việt Nam lý ra cần
được bắt đầu từ nhiều năm trước. Nhưng do thiếu nền tảng pháp lý nên công
cuộc khởi nghiệp đã có phần chậm trễ. Còn bây giờ, mọi nền tảng pháp lý cơ bản
đã xong, KHCN đã có thể có những bước khởi nghiệp đầu tiên. Trong đó có
một số quy định mới liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp (Star-up Ecosystem),
mà cốt lõi chính là quỹ đầu tư mạo hiểm – vốn còn rất manh nha tại Việt Nam”.
“Giấc mơ của chúng tôi là VN sẽ vươn lên như một trong những
quốc gia đi tiên phong trong vấn đề khởi nghiệp, như Israel, Hàn Quốc, Nhật… Vì
vậy, rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho công cuộc khởi nghiệp đang
được Bộ ráo riết nghiên cứu xây dựng, và chuẩn bị ban hành thêm một loạt các
chính sách mới để thúc đẩy tối đa cho hoạt động khởi nghiệp. Nhiệm vụ kết nối
giữa các nhà KH trong nước và nước ngoài cũng đang được xây dựng cơ chế cho phù
hợp. Tin rằng với sự giúp đỡ của các kiều bào, chúng ta sẽ thực hiện được mục
tiêu này”.
Trước đây, việc thu hút các đội ngũ nhà khoa học Việt kiều
hoặc các nhà khoa học nước ngoài về Việt Nam làm việc còn tương đối khó khăn do
chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Với việc nhận được sự hỗ trợ từ dự án
FIRST, ông Quân hy vọng sẽ xây dựng được một cơ chế riêng, phù hợp cho từng
thành phần, loại hình tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa
học. “Sự thành công của dự án FIRST sẽ là tiền đề, là điểm sáng để Bộ có thể
trình cho Chính phủ nhằm thay đổi tư duy, cơ chế hoạt động, quản lý cho lĩnh
vực KHCN trong những năm tiếp theo”.
Dự
án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ -
FIRST” là Dự án về khoa học và công nghệ đầu tiên cùa Bộ KH&CN do Ngân
hàng Thế giới tài trợ. Mục tiêu của Dự án là hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi
mới sáng tạo ở Việt Nam thông qua việc áp dụng thử nghiệm các chính
sách nhằm huy động sức sáng tạo của cộng đồng các nhà khoa học và gắn kết
nghiên cứu khoa học với thị trường. Dự án được thiết kế với triết lý doanh
nghiệp là trung tâm, các nhà khoa học trong nước và ngoài nước sẽ là các đối
tác tin cậy và hiệu quả giúp các doanh nghiệp tiếp cận khoa học, công nghệ và
đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp trong
quá trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
|