SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vì sao dự án của Rạng Đông và Polyvac triển khai chậm?

[18/02/2016 16:35]

Đầu tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có buổi làm việc với Rạng Đông và Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) để giải quyết “dứt điểm” một số vướng mắc giữa cơ quan quản lý của Bộ với hai đơn vị trên, dẫn đến dự án của họ triển khai chậm.

Dây chuyền sản xuất LED của Rạng Đông

Trường hợp của Rạng Đông

Hai dự án của Rạng Đông mà cơ quan quản lý “cho là” trùng lặp là đề tài trong Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia (mã số DM.06): “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp” và dự án xin tài trợ của FIRST “Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam”.

Dựa trên tên và mục tiêu, nhiệm vụ của đề tài, có nhiều ý kiến cho rằng, các dự án này có hai điểm trùng lặp đó là sản phẩm đều là đèn LED và đều áp dụng cho cây hoa cúc, cây thanh long và nuôi cấy mô. Tuy nhiên, trên thực tế, hai dự án không giống nhau cả về sản phẩm đầu ra cũng như về phương pháp và công nghệ.

“Hệ thống chiếu sáng” của đề tài DM.06 thực chất là đèn huỳnh quang và đèn huỳnh quang compact, còn sử dụng đèn LED chỉ để tham chiếu, đo đạc nhằm xác định tỉ lệ pha trộn giữa ánh sáng lam và đỏ (bởi đây là hai ánh sáng cây cần hấp thụ) làm cơ sở để sản xuất bột huỳnh quang cho đèn chuyên dụng trong nông nghiệp. Còn với dự án xin tài trợ của FIRST, đơn vị chủ trì chỉ tập trung làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất sản phẩm LED. Bên cạnh đó, đầu ra của dự án FIRST không chỉ giới hạn áp dụng cho cây hoa cúc, thanh long hay nuôi cấy mô mà còn mở rộng cho cả rau sạch, tảo và đánh bắt thủy sản.

Trường hợp của Rạng Đông là một ví dụ khá điển hình về việc “bất đồng ngôn ngữ” giữa cơ quan quản lí và các nhà khoa học. Một trong những điều dễ thấy là, ý kiến của chuyên gia phản biện độc lập - GS. Nguyễn Đại Hưng, chuyên ngành Quang học – Quang Phổ, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý đã khẳng định, mục tiêu và nội dung của hai đề tài khác nhau cơ bản. Trong đó, ông ghi rõ, đề tài DM.06 tập trung phát triển đèn huỳnh quang T8 và đèn huỳnh quang compact chuyên dụng trong nông nghiệp còn dự án FIRST tập trung nghiên cứu làm chủ đèn LED và nội địa hóa một số linh kiện sản xuất LED. Nhưng người đại diện các cơ quan quản lí vẫn dựa trên một số câu chữ chưa thật rõ ràng trong hồ sơ để cho rằng một đề tài trùng lặp.

Ví dụ, trong đề tài DM.06 có nội dung “Thiết kế chế tạo mẫu và thử nghiệm LED box, LED tube, LED bulb, LED high bay” nhưng trong nội dung thuyết minh đề tài không ghi rõ đây chỉ là sản phẩm trung gian để nghiên cứu bột phát quang khiến nhà quản lí hiểu nhầm đây cũng là một trong những sản phẩm của đề tài.

Bên cạnh đó, một số nhà quản lý cũng không đọc kỹ toàn bộ nội dung hai đề tài, dự án. Anh Nguyễn Trọng Bình, thành viên tổ rà soát dự án FIRST cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành rà soát một số dự án mà FIRST trình lên nhưng riêng dự án này, sau khi có những ý kiến cho rằng một số phần trong nội dung bị trùng lặp (với dự án DM.06) thì tổ rà soát dừng lại, chưa thực hiện.”

Sau khi nghe ông Đoàn Thăng, TGĐ Rạng Đông, giải trình lại đề án, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã khẳng định không có sự trùng lặp giữa hai đề án và yêu cầu đến cuối tháng Ba, các cơ quan quản lý phải hoàn tất thủ tục để ký kết hợp đồng tài trợ giữa Ban Quản lý TƯ của dự án FIRST và Rạng Đông.

Trường hợp của Polyvac

Hai dự án gây tranh cãi của Polyvac là dự án KH&CN thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (CTPTSPQG) đến năm 2020: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt ở quy mô công nghiệp” và dự án FIRST: “Tăng cường năng lực nghiên cứu sản xuất vắc xin bại liệt bất hoạt tại Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế.”

Trong đó, dự án KH&CN thuộc CTPTSPQG có sản phẩm là vắc xin bại liệt bất hoạt IPV theo công nghệ nuôi cấy tế bào một lớp trên chai nhựa và dự án FIRST cũng có sản phẩm là vắc xin bại liệt bất hoạt IPV nhưng theo công nghệ nuôi cấy trên nồi phản ứng (bioreactors) dùng giá màng vi thể (microcarrier). Hai dự án này có cùng một sản phẩm đầu ra nhưng khác nhau về công nghệ và phương pháp sản xuất.

Bên cạnh đó, công nghệ nuôi cấy tế bào một lớp trên chai nhựa không phù hợp vì chỉ có thể triển khai ở quy mô nhỏ, không thể mở rộng thành quy mô công nghiệp do hiệu suất sản xuất thấp, giá thành cao và hiện nay trên thế giới không sử dụng công nghệ này để sản xuất vắc xin bất hoạt nữa mà chuyển sang sử dụng công nghệ Bioreactors, đây là công nghệ nuôi tế bào tiên tiến nhất hiện nay nhằm nâng cao hiệu suất sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất.

“Chúng ta không thể làm hai đề tài cùng một lúc, cùng ra một sản phẩm, ngay cả khi công nghệ khác nhau, nhất là lại sử dụng ngân sách nhà nước. Bộ Y tế đã phê duyệt dự án KH&CN của CTPTSPQG nhưng nghiên cứu theo công nghệ cũ, chúng ta lại xin FIRST tài trợ để nghiên cứu công nghệ mới. Đến giai đoạn Nhà nước đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin, chắc chắn phải dùng công nghệ mới chứ không thể dùng công nghệ cũ được. Chính vì vậy, nghiên cứu công nghệ cũ chắc chắn là lãng phí” – Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định và đề xuất Polyvac nên từ bỏ dự án FIRST và “dũng cảm” viết lại dự án trong CTPTSPQG theo công nghệ mới vì “Vắc xin là sản phẩm quốc gia, mình lại đi dừng rồi lấy tài trợ của FIRST (vốn vay nước ngoài) thì hơi khó”.

Lỗi của các cơ quan quản lý

Việc trùng lặp đề tài của Polyvac trước hết là do các cơ quan quản lý kéo dài thời gian phê duyệt quá lâu. Hồ sơ xin tài trợ dự án FIRST của Polyvac vào tháng sáu năm 2014 nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa phê duyệt, trong khi đó hồ sơ xin tài trợ CTPTSPQG nộp đầu năm 2015 và được phê duyệt ngay vào tháng sáu năm đó. “Có lẽ các đồng chí chờ đợi lâu quá, không tin tưởng FIRST nữa thì mới quay ra sản phẩm quốc gia…” – Ông Trần Quốc Thắng, Giám đốc dự án FIRST chia sẻ.

Polyvac phải lựa chọn một trong hai dự án là quyết định đúng đắn của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Tuy nhiên, nếu chọn CTPTSPQG như gợi ý của lãnh đạo Bộ thì có phần bất lợi cho họ. Xét ở thời điểm hiện tại, dự án FIRST có nhiều lợi thế hơn vì tổng kinh phí đầu tư của dự án FIRST là hơn bốn triệu USD, gấp gần bốn lần so với dự án KH&CN của CTPTSPQG, và cơ chế tài trợ của FIRST thông thoáng hơn (tương tự cơ chế quỹ). Ngoài ra, dự án FIRST cũng đầu tư để Polyvac nâng cấp nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới.

Bên cạnh đó, với CTPTSPQG, Polyvac bị đặt dưới áp lực phải có sản phẩm thương mại hóa còn FIRST thì không. Trong khi công nghệ mới, hiện đại của Nhật Bản không dễ thực hiện và có nhiều rủi ro. “Trước đây, các bạn cũng được sự hỗ trợ của Viện Bại liệt, cho cán bộ sang Nhật Bản học tập và được đào tạo trên quy mô nhỏ nhưng triển khai không thành công. Nhiều khi chuyên gia sang đây dạy tại chỗ nhưng khi họ về nước thì mình cũng không tự thực hiện được. Vì công nghệ này rất khó. Các bạn lựa chọn công nghệ cũ vì các bạn không chắc chắn có thể ra được sản phẩm [với công nghệ mới]”. – GS. Nguyễn Thu Vân, nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số I (Vabiotech) cho biết.

Việc yêu cầu Polyvac lựa chọn dự án nào cần sự tư vấn của các chuyên gia trong ngành chứ không nên chỉ dựa vào đề xuất của cơ quan quản lí. Sản phẩm của dự án FIRST là cách duy nhất hiện nay giúp Polyvac có thể sản xuất theo quy mô công nghiệp và cung cấp đầu vào cho CTPTSPQG với dự án vắc xin 6 trong 1. GS. Thu Vân cho rằng: “Nếu dự án FIRST được thực hiện sớm trước thì là phương án tốt nhất: Tiếp thu chuyển giao công nghệ, đào tạo cần song song với xây dựng nhà xưởng”.

***

Hai trường hợp “trùng lặp” đề tài nói trên của Rạng Đông và Polyvac là những ví dụ về sự “lệch pha” giữa nhà khoa học và các cơ quan quản lý do có rất nhiều đơn vị quản lý các đề tài, dự án nhưng ít liên kết với nhau trong quá trình đánh giá một đề tài có trùng lặp hay không. Cụ thể, trong buổi làm việc với Rạng Đông, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển KH&CN, đơn vị phụ trách dự án DM.06 cho biết, ông chưa nhận được tài liệu gì của dự án FIRST trước buổi họp này.

Các dự án trên đều giải quyết những bài toán cấp bách đối với kinh tế - xã hội Việt Nam trong khi các đơn vị quản lý lại kéo quá dài thời gian thẩm định. Cùng nộp đơn cho dự án FIRST vào giữa năm 2014, theo quy trình đã công khai, các đơn vị chủ trì phải biết kết quả muộn nhất là sau đó năm tháng. Nhưng đến tháng hai năm 2016, dự án của Rạng Đông và của Polyvac vẫn chưa có kết quả thẩm định và phê duyệt. Điều này dẫn đến các đơn vị nghiên cứu sẽ nộp đơn xin tài trợ cho nhiều chương trình cùng một lúc và việc trùng lặp dự án như Polyvac là dễ hiểu. Bên cạnh đó, với trường hợp của Rạng Đông, chờ đợi gần hai năm, mất nhiều cơ hội cho nghiên cứu và phát triển đèn LED chuyên dụng trong nông nghiệp chỉ vì “câu chữ” là không đáng.

www.tiasang.com.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ