SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM: Chuyển biến trong nghiên cứu khoa học & công nghệ

[19/02/2016 10:16]

Trong năm 2015, tuy còn gặp hạn chế từ khâu thông tin, tổ chức đăng ký đến tài chính... nhưng công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật (LHH) TP.HCM đã có những chuyển biến tích cực.

Nhiều nghiên cứu quan trọng

Trong năm 2015, Hội hóa học cùng hội thành viên thực hiện các đề tài: nghiên cứu mức độ phát thải các PCDD/F từ lò đốt chất thải nguy hại khu vực TP. HCM; nghiên cứu áp dụng phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR phân tích nước tiểu bệnh nhân ung thư đại trực tràng tại Việt Nam. Đặc biệt là đề tài nghiên cứu ứng dụng tinh dầu trầu không để bào chế thuốc uống hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng, đang tiến triển tốt. Nhiều hội viên thuộc hội đã và đang chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu cấp bộ, thành phố, cấp cơ sở,... nhiều đề tài đã được nghiệm thu, một số đề tài khác đang thực hiện, nhiều công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước.

Hội công nghệ vi mạch bán dẫn phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao xây dựng bổ sung chương trình nhánh thứ 8: "Phát triển công nghiệp vi cơ điện tử - MEMS" thuộc chương trình phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn của TP.HCM. Hội đã trực tiếp tham gia thực hiện triển khai đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch điện tử thuộc hạng mục: khảo sát và điều tra thị trường để chương trình chuẩn đào tạo nguồn nhân lực cao cho lĩnh vực thiết kế vi mạch (Analog) và chế tạo linh kiện bán dẫn (IC FAB).

Hội dân tộc học - nhân học cùng các hội viên tham gia thực hiện các đề tài trọng điểm liên quan đến chuyên ngành dân tộc học - nhân học: "Kiểm kê phong tục về việc cưới, việc tang của các dân tộc trên địa bàn TP.HCM", chủ nhiệm là GS.TS. Ngô Văn Lệ và chi hội khoa nhân học, đề tài đã hoàn thành (nhưng vẫn chưa nhận kinh phí từ Sở văn hóa và thể thao thành phố). Bên cạnh đó, các hội viên đã và đang thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyên sâu, viết bài tham dự các hội thảo trong nước, quốc tế.

Hội địa chất tham gia thẩm định, đánh giá các kết quả nghiên cứu địa chất khoáng sản tại các đề án đo vẽ địa chất tỷ lệ 1/50.000. Hội địa lý thực hiện 15 đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: môi trường - biến đổi khí hậu, địa lý đô thị, địa lý dân cư, địa lý du lịch,... Nghiệm thu một số đề tài cấp cơ sở của giáo viên ngành địa lý về các lĩnh vực: dân cư - lao động, phát triển du lịch, giải pháp bảo tồn các khu sinh thái, khu Ramsar Việt Nam... Tham gia trong lĩnh vực giáo dục, Hội ngôn ngữ học cùng một số hội viên đã đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới của Bộ giáo dục và đào tạo, tham gia tổ chức báo cáo tại Hà Nội và TP.HCM về định hướng đổi mới dạy học tiếng Việt nói riêng và môn ngữ văn tại trường phổ thông nói chung.

Trong lĩnh vực lịch sử, Hội KH lịch sử đã hoàn tất thủ tục với Sở KH&CN, đang triển khai giai đoạn 1 đề tài "Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh" (từ thời tiền sử cho đến năm 2010), đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của hội từ năm 2015 đến năm 2017. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Hội KHKT lâm nghiệp tiếp tục triển khai dự án: "Bảo vệ đa dạng sinh học của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn", đề tài "Nghiên cứu tiêu chí chọn loại cây xanh trên các tuyến đường nội thành của TP.HCM". Bên cạnh đó, hội đã tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo "Thông tư ban hành định mức kinh tế kỹ thuật lập, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học" nhằm triển khai có hiệu quả Luật đa dạng sinh học, do Tổng cục môi trường, Bộ tài nguyên và môi trường tổ chức.

Tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, phản biện, giám định xã hội

Đây luôn là công tác được LHH và các hội thành viên thường xuyên quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, LHH đã thành lập hội đồng phản biện 5 dự án: "Phương án xử lý cây xanh thuộc phạm vi dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp, quận Gò Vấp"; "Phương án xử lý cây xanh thuộc phạm vi dự án nâng cấp mở rộng đường Trần Não, Q.2"; “Phản biện khoa học đối với hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy, Q.2"; “Dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Trần Đại Nghĩa (đoạn từ cầu Cái Trung đến khu công nghiệp Lê Minh Xuân), huyện Bình Chánh"; "Dự án xây dựng hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A (đoạn từ đường Lê Thị Riêng đến Ngã Tư Ga), Q.12".

Bên cạnh đó, các hội thành viên đã tích cực tham gia góp ý, phản biện xã hội trong lĩnh vực chuyên môn tại TP.HCM và các tỉnh bạn khi có yêu cầu, như Hội cầu - đường - cảng tiếp tục các dự án của năm 2014 về tư vấn phản biện và giám định xã hội: phối hợp với Trường đại học giao thông vận tải TP.HCM hoàn thành phản biện phần tổ chức giao thông phía quận 1 (phần cuối của hồ sơ phản biện cầu Thủ Thiêm II) và thực hiện phần minh họa tổ chức giao thông bằng chương trình Midas, để Sở GTVT trình UBND.TP phê duyệt và cho phép khởi công cầu Thủ Thiêm II; hoàn thành hồ sơ phản biện các nhà ga số 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 của tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương TP.HCM và đã nộp hồ sơ cho Ban quản lý đường sắt đô thị; phản biện dự án đầu tư nút giao thông Mỹ Thủy - Quận 9... Hội địa lý thực hiện phản biện tuyển chọn và nghiệm thu xong 2 dự án khoa học (1 của Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai, 1 của Sở KH&CN tỉnh Bình Phước). Hội KH lịch sử đã tham gia đóng góp, phản biện bằng nhiều hình thức về những vấn đề liên quan đến lịch sử, việc bảo tồn và phát huy di sản lịch sử - văn hóa Sài Gòn - TP.HCM, giới thiệu và biên tập một số sách xuất bản của các nhà xuất bản... Hội thủy lợi và các hội viên cá nhân tham gia công tác thẩm định các dự án thoát nước, phản biện các đề tài và dự án giảm nhẹ thiên tai ở Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre,... Hội KHKT xây dựng tham gia phản biện 2 dự án: quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Gò Dầu và huyện Bến Thủy (tỉnh Tây Ninh) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Được biết, tại Hội nghị giao ban toàn quốc và kết hợp Lễ tôn vinh trí thức tiêu biểu toàn quốc năm 2015, do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao đã được tôn vinh “Trí thức tiêu biểu khoa học công nghệ” trong khối Liên hiệp hội. Tại Hội nghị thi đua yêu nước và Lễ tôn vinh trí thức KHCN tiêu biểu hoạt động trong các hội KHKT ngành toàn quốc do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức, GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn và PGS.TS. Cao Minh Thì được tôn vinh “Trí thức KHCN trong các phong trào thi đua” do Liên hiệp hội Việt Nam phát động trong 5 năm qua.

www.khoahocphothong.com.vn(lntrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ