Nhà khoa học không còn “đau đầu” vì thủ tục tài chính
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định, việc liên Bộ Khoa học và Công nghệ - Tài chính ký ban hành Thông tư liên tịch 27 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đã từng bước gỡ bỏ “nút thắt” tài chính cho nghiên cứu khoa học.
Bộ
trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân.
Giảm bớt thủ tục
Thông tư 27 nhằm giảm bớt “gánh nặng” về thủ tục giấy tờ,
quyết toán kinh phí giúp cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu. Hình thức
khoán chi đến sản phẩm cuối cùng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giúp các
nhà khoa học không phải “đau đầu” với sự rườm rà của thủ tục giấy tờ, chứng từ,
hóa đơn... để được nghiệm thu sản phẩm. Thậm chí nhiều khi xong hết thủ tục vẫn
phải vừa làm vừa chờ kinh phí, khiến không ít nhà khoa học cảm thấy chán nản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng: Thông tư
27 đề cao hơn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, từ những người đặt đầu
bài, thông qua danh mục đề cương, nội dung, theo dõi, nghiệm thu và đưa đề tài,
dự án vào thực tiễn. Cơ quan nhà nước là người đặt hàng và quản lý đầu ra sản
phẩm. Đồng thời, thông tư cũng đề cao trách nhiệm và quyền tự chủ hơn của các tổ
chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học trong quá trình nhận đặt hàng các
đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: Từ trước đến nay, nhiều đề
tài, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được nghiệm thu xuất sắc nhưng không
có sản phẩm và không được ứng dụng vào thực tiễn nên việc khoán chi đến sản phẩm
cuối cùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đưa các sản phẩm đầu ra ứng dụng vào
thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ cũng như kinh tế
xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, quản lý được việc đề tài dự án lợi dụng cơ
chế, định mức, sơ hở trong quản lý đã không làm “thật” nhưng vẫn được nghiệm
thu. Thực tế, cơ chế khoán chi tạo thuận lợi nhất cho những người làm khoa học,
nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn cho họ bởi sẽ có nhà khoa học chưa dám
nhận phương thức khoán chi theo sản phẩm cuối cùng khi họ không chắc chắn tạo
được sản phẩm cuối cùng. Theo quy định mới của Thông tư 27, nhà nước kiểm soát
đầu ra, phải có sản phẩm đúng như đặt hàng, trường hợp không có sản phẩm cuối
cùng như hợp đồng đã ký kết thì không được nghiệm thu.
Sản phẩm đặt hàng được
đưa vào ứng dụng
Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: Với phương thức trước
đây, sự nặng nề trong thủ tục đã không hỗ trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu
cũng như nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: Nhiều khi nhà khoa học buộc phải
“vẽ” ra các công đoạn, “lách luật” nâng giá lên để khi bị “cắt” vẫn đảm bảo đủ
kinh phí để thực hiện đề tài; hoặc phải chạy hóa đơn, chứng từ để được nghiệm
thu. Điều này vô hình đã “bóp nghẹt” sức sáng tạo của các nhà khoa học, khiến
hiệu quả nghiên cứu không cao, gây lãng phí cho Nhà nước.
Do đó, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng là cơ chế mới được
các nhà khoa học Việt Nam trông đợi. Với hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối
cùng, nhà khoa học phải tự tổ chức, tìm người giỏi, liên kết, nghiên cứu để làm
ra được sản phẩm như cam kết, điều này đồng nghĩa với trách nhiệm của các nhà
khoa học cũng tăng lên.
Trước đây, các nhà khoa học chọn đề tài theo ý muốn chủ
quan của mình, đôi khi không thiết thực. Với cơ chế đặt hàng, cơ quan thẩm định,
đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ, đề tài với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ
ngành. Khi đề xuất đặt hàng thì cơ quan đặt hàng phải cam kết chịu trách nhiệm
tiếp nhận lại kết quả nghiên cứu sau khi đã được nghiệm thu và tổ chức ứng dụng
vào thực tiễn. Nghĩa là, địa chỉ đầu ra phải rất rõ ràng. Trách nhiệm của cơ
quan quản lý khi đề xuất, đặt hàng các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển có sử
dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm tiếp nhận kết quả nghiên cứu sau
nghiệm thu và ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển chung của đất
nước, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Việc ban hành Thông tư 27 nhằm sử dụng hiệu quả ngân sách
nhà nước khi đầu tư cho khoa học, tuy nhiên nghiên cứu khoa học công nghệ chứa
đựng nhiều rủi ro, mạo hiểm. Trong khoa học và công nghệ có nhiều lĩnh vực,
nghiên cứu cơ bản đi trước, đặt tiền đề cho nghiên cứu ứng dụng. Ngay cả nghiên
cứu ứng dụng thì không phải sản phẩm, kết quả nào cũng có thể được ứng dụng
ngay mà còn chờ đợi các nhà đầu tư, cơ hội và thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, loại trừ các đề tài thực
sự bỏ ngăn kéo, nghiên cứu không để làm gì, theo ý muốn chủ quan của các nhà
khoa học, thì cơ bản các đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước
thời gian gần đây đã được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, do đó, khả năng ứng dụng
sẽ cao hơn trước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân: Với Thông tư 27, các nhà khoa
học được quyền lựa chọn giữa hai hình thức khoán chi. Khi đã lựa chọn phương thức
khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trong quá trình thực hiện không được điều
chỉnh mục tiêu, sản phẩm và tổng kinh phí đã được thỏa thuận. Nếu nhà khoa học
không hoàn thành sản phẩm như cam kết thì phải chịu hình thức xử lý là phải
hoàn trả ngân sách nhà nước từ 40 - 100% tùy mức độ rủi ro và các nguyên nhân
chủ quan, khách quan. Đây là chế tài nghiêm khắc, đòi hỏi trách nhiệm cao của
các nhà khoa học.
Thông tư 27 được các nhà nghiên cứu kỳ vọng sẽ là tiền đề
phát huy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo, đặc biệt, việc thực hiện khoán chi nhiệm
vụ khoa học và công nghệ cũng sẽ tác động đến phương thức tổ chức, quản lý của
các tổ chức khoa học và công nghệ theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn./.