Thúc đẩy nguồn vốn FDI vào lĩnh vực khoa học và công nghệ
Việt Nam là quốc gia thu hút nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bởi Việt Nam có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực. Hiện nay, Chính phủ đã có một số chính sách nhằm thúc đẩy nguồn vốn FDI vào lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN).
Đầu tư FDI tại Hải Phòng gia tăng cả về
lượng và chất (ảnh: Báo Hải Phòng)
Lợi thế của Việt Nam
trong thu hút FDI
Bà Đỗ Thị Bích Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định
và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, so với các nước trong khu vực,
Việt Nam có những lợi thế nhất định trong việc thu hút FDI.
Thứ nhất, Việt Nam là một trong những nước ổn định chính
trị trên thế giới hiện nay. Về tăng trưởng kinh tế, trong giai đoạn 1986 –
2010, Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng cao, bình quân GDP tăng khoảng 7%/năm.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vừa qua,
nhưng trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân đạt
khoảng 6%/năm theo hướng tăng dần qua từng năm. Theo thống kê vừa công bố, 9 tháng
đầu năm 2015, GDP của Việt Nam tăng 6,5% và cả năm 2015 dự kiến đạt trên 6,5%,
mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Việt Nam là một trong số rất ít các
quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương (+) liên tục và khá cao trong giai
đoạn này. Theo báo cáo của Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt
Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ 2 thế giới trong suốt 20 năm qua.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng
trưởng mới với kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng nhanh hơn; lạm phát ở mức thấp
và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5-7%/năm trong
giai đoạn 2016-2020.
Thứ hai là, Việt Nam có vị trị địa lý thuận lợi, nằm ở
trung tâm của khu vực Đông Nam Á, rất thuận lợi để giao thương hàng hóa với một
thị trường rộng lớn với khoảng 90 triệu dân và được kết nối với các thị trường
lớn trong khu vực như thị trường hơn 600 triệu dân của ASEAN, thị trường Trung
Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thứ ba là, với dân số 90 triệu dân, Việt Nam có nguồn
cung lao động dồi dào, đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng (với 60% đang
trong độ tuổi lao động). Chi phí lao động cũng thấp hơn so với các quốc gia trong
khu vực. Chi phí lao động tại Việt Nam chỉ bằng ½ so với ở Trung Quốc.
Thứ tư là,Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách thế chế và đơn
giản hóa thủ tục hành chính. Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư đã được ban hành
theo hướng bình đẳng, tự do và thông thoáng hơn. Một loạt các thủ tục hành
chính như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, đầu tư đang
được cải cách mạnh mẽ.
Cùng với đó, với một nền kinh tế thị trường, là thành
viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang hội nhập sâu rộng vào nền
kinh tế thế giới và khu vực.Việt Nam đã ký 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA),
đầu năm 2015 đã ký các Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu
(EEU). Việt Nam là nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán và dự kiến
ký Hiệp định FTA với Liên minh Châu Âu (EU) vào cuối năm 2015. Đặc biệt vừa
qua, tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết
thúc. Theo đó, các Hiệp định FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa
Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên Nhóm G7 và 15 thành viên của
G-20, đồng thời sẽ đem đến hy vọng tạo ra sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh
doanh, tạo cơ hội mở rộng đầu tư và thương mại cho doanh nghiệp.
Chính sách nhằm thúc đẩy
nguồn vốn FDI vào lĩnh vực KH&CN
Từ năm 2013, hàng tỷ USD đã được đầu tư vào ngành dệt
may, điện tử, Chính phủ đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nước
ngoài thâm nhập thị trường, tạo mạng lưới sản xuất. Trong đó, dòng tiền từ Hoa
Kỳ được kỳ vọng sẽ là nguồn vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam khi Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua.
Hiện FDI của các nước thành viên TPP vào Việt Nam có số vốn
đăng ký đạt hơn 100 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng số vốn FDI tại Việt Nam, trong
đó Nhật Bản 37,7 tỷ USD, Hoa Kỳ 11 tỷ USD, Malaysia 10,8 tỷ USD, Canada 5 tỷ
USD…
Những cơ hội đầu tư mở ra ở nhiều ngành nghề có lợi thế cạnh
tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, nuôi trồng thủy sản,
dược phẩm, du lịch giải trí, cơ sở hạ tầng, logistics. Việc Việt Nam tham gia
hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á
- Âu và nhất là Hiệp định TPP vừa được ký kết, thuế suất giảm dần về 0% sẽ đem
lại lợi thế để gia tăng kim ngạch xuất khẩu rất lớn cho ngành này. Do vậy, hiện
đang có làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài vào ngành dệt
may để tận dụng ưu đãi về thuế từ các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Bích Ngọc, các dự án FDI đầu tư
vào lĩnh vực KH&CN thời gian qua cũng rất hạn chế nếu không muốn nói là quá
ít. Bởi vì có một thực tế là các nhà đầu tư bao giờ cũng đặt lợi nhuận lên trên
hết, họ quan tâm đến vấn đề làm thế nào để thu hồi vốn nhanh, đạt được hiệu quả
cao nhất từ đồng vốn họ bỏ ra, trong khi đầu tư cho KH&CN thường là đầu
tư lâu dài, thời gian thu hồi vốn thường kéo dài hơn so với đầu tư vào sản xuất,
kinh doanh.
Đảng và Nhà nước đã nêu rõ tầm quan trọng của KH&CN,
trong Nghị quyết của Đảng về phát triển KH&CN đã nêu: Đầu tư cho nhân lực
KH&CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức
mạnh của dân tộc.Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển
khoa học và công nghệ. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích các thành
phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã
hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu
ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung
tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất
của thị trường khoa học và công nghệ. Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản,
tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt
Nam.
Chính phủ cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng trong việc hưởng những ưu đãi về
thuế, cơ sở hạ tầng,... đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực KH&CN, Chính phủ
Việt Nam khuyến khích và ủng hộ các nhà đầu tư thông qua các ưu đãi về thuế thu
nhập doanh nghiệp, thuế suất, thời gian miễn giảm thuế,... ví dụ đối với đầu tư
vào lĩnh vực công nghệ cao, doanh nghiệp được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế.
Đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào nhưng vùng đặc biệt khó khăn, khó
khăn được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thuế thu nhập,....
Thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã
ban hành một loạt các văn bản như: Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01
năm 2014 Quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật học và Công nghệ;
Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 quy định về đầu tư và cơ
chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ; Quyết định số
66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh
mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao
được khuyến khích phát triển; Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm
2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.
Những văn bản trên có liên quan đến việc tạo cơ chế,
chính sách trong hoạt động KH&CN, ban hành danh mục cũng như tiêu chí rõ
ràng về sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển cũng như tiêu chí để xác
định doanh nghiệp công nghệ cao, góp phần thu hút, khuyến khích đầu tư vào lĩnh
vực KH&CN.
www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)