Tiềm năng của đội ngũ trí thức Việt kiều cũng như người nước ngoài có thể cống hiến cho Việt Nam là vô cùng lớn, song chưa được huy động một cách xứng đáng.
Trong khi các nhà quản lý vẫn băn khoăn với bài toán thu hút
nguồn chất xám này thì có một tín hiệu vui: Dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo
thông qua nghiên cứu KH&CN - FIRST, thực hiện từ năm 2013-2019, đang xây
dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi từ nước ngoài về làm
việc tại Việt Nam.
Nguồn lực khoa học nòng cốt
Đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ các chuyên gia, trí
thức kiều bào, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định: Đây là một trong
những nguồn nhân lực KH&CN nòng cốt của đất nước. Trong nhiều trường hợp,
nguồn tri thức này sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề KH&CN, kinh tế - kỹ thuật
quan trọng của đất nước.
Theo số liệu của Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, trong
số hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài, có khoảng
400.000 người được đào tạo ở trình độ đại học và công nhân kỹ thuật bậc cao, có
kiến thức cập nhật về văn hóa, KH&CN, về quản lý kinh tế. Trong đó có nhiều
người đạt được vị trí quan trọng trong các viện nghiên cứu, trường đại học,
bệnh viện, công ty kinh doanh của các nước và các tổ chức quốc tế. Tiềm lực
KH&CN của các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài không ngừng phát triển,
trong đó một thế hệ trí thức mới người nước ngoài gốc Việt đang hình thành và
phát triển, nhất là ở các nước Bắc Mỹ, Tây Âu và Châu Đại Dương. Đội ngũ này
tập trung ở nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin
học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học,
quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán...
Thế mạnh của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài là
được đào luyện, tiếp cận môi trường tiên tiến, hiện đại, tiếp cận và nắm bắt
được phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và chuyên ngành. Họ có khả năng phát
kiến sáng tạo, có năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất và tạo dựng mối
quan hệ với các cơ sở khoa học, cơ sở kinh tế ở nước sở tại. Từ trước đến nay,
đội ngũ trí thức kiều bào vẫn được các cơ quan chức năng trong nước đánh giá là
thế mạnh của cộng đồng, là một nguồn lực có thể góp phần tích cực cho sự nghiệp
công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, việc thu hút và sử dụng nguồn chất xám này hiện
nay chưa thực sự đạt được như kỳ vọng, mà lý do lớn nhất là cơ chế đãi ngộ và
môi trường làm việc.
Hình mẫu cơ chế thu hút tri thức
Những vướng mắc của trí thức Việt kiều, theo Bộ trưởng
Nguyễn Quân, cũng là vướng mắc của các nhà khoa học trong nước. Thời gian qua,
Bộ KH&CN đã tháo gỡ được một phần những khó khăn đó. Môi trường làm khoa
học đã thông thoáng hơn với Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức
xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có
sử dụng ngân sách nhà nước, trong đó có quy định về thuê chuyên gia nước ngoài.
Như vậy, việc mời trí thức Việt kiều hợp tác làm việc sẽ thuận lợi hơn trước
đây rất nhiều.
Để những chính sách đi vào cuộc sống, Bộ KH&CN đang cùng
các bộ, ngành liên quan cụ thể hóa các chủ trương, chính sách thành các biện
pháp, giải pháp và các chương trình, dự án cụ thể, khả thi, phù hợp với tình
hình mới. Dự án FIRST mà Bộ KH&CN là đơn vị chủ quản được Ngân hàng Thế
giới hỗ trợ triển khai theo hướng nêu trên là một trong những bước đi cụ thể.
Với tổng mức đầu tư lên tới 110 triệu đôla Mỹ, dự án FIRST sẽ góp phần hoàn
thiện khung chính sách quốc gia về phát triển KH&CN, nâng cao năng lực tổ
chức KH&CN theo hướng chủ động, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị
trường. Trong đó, việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc
đẩy sự hình thành của các doanh nghiệp KH&CN được chú trọng. Dự án có một
hợp phần với nhiệm vụ "Xây dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên
gia giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài đến Việt Nam".
Ông Tạ Bá Hưng, chuyên gia dự án cho biết, FIRST giúp kêu gọi
và tài trợ cho việc mời chuyên gia, trí thức giỏi trên thế giới nói chung và
các trí thức Việt kiều nói riêng bằng các hình thức phối hợp với viện, trường,
doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề cụ thể, đặc biệt là các nút thắt về
KH&CN trong sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu. Thông qua sự phối hợp này,
các trí thức Việt kiều được chọn lọc và cùng làm việc với các đơn vị trong
nước, tạo nên cầu nối và chuyển giao tri thức về KH&CN cho đất nước. Đến
nay, Dự án FIRST đã nhận được trên 100 đề xuất từ các chuyên gia giỏi, trong đó
40% là trí thức Việt kiều.
Bộ KH&CN kỳ vọng thành công của FIRST sẽ là hình mẫu về
cơ chế thu hút trí thức Việt kiều, tạo nên những cú hích cho đổi mới sáng tạo
trong các hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.