Chính phủ nên xem đầu tư mạo hiểm như một cuộc chơi
“Chính phủ cần phải coi đầu tư mạo hiểm như một cuộc chơi, có thắng, có thua và phải biết chấp nhận thất bại”.
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc cấp cao của
quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital.
Ông Trung cho biết, VinaCapital được thành lập ở Việt Nam
vào năm 2006 và bắt đầu tài trợ dự án đầu tiên vào năm 2007.
Đến nay, quỹ đã đầu tư được 10 dự án tại Việt Nam, chủ yếu ở
các lĩnh vực công nghệ, internet, mobile...
Đánh giá về thị trường đầu tư, ông Trung cho rằng, Việt Nam
đã có sự phát triển bền vững trong nhiều năm qua và trở thành môi trường tốt
cho các dự án khởi nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, đến nay
đạt mức khoảng 2.000 USD/người/năm và có thể tăng 5 -7 lần trong thời gian tới.
Dân số Việt Nam cũng có sự nắm bắt rất nhanh
về công nghệ, với hơn 40% dân số đã dùng internet, số lượng người dùng
điện thoại di động cũng đã vượt mức 100 triệu. Nghĩa là bình quân, mỗi người
Việt Nam đang có hơn 1 chiếc điện thoại. Với lực lượng dân số trẻ, chúng ta
hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Trung cũng có rằng, dù có nhiều
tiềm năng, nhưng chúng ta vẫn chưa thể làm tốt hệ sinh thái cho môi trường khởi
nghiệp.
Nếu ở các nước phát triển, hệ sinh thái khởi nghiệp thường
gồm hệ thống các trường ĐH, các quỹ đầu tư tài chính, cộng đồng doanh
nghiệp và quan trọng nhất là khung pháp lý, thì chúng ta vẫn chưa xây dựng được
những vấn đề này. Hệ thống pháp lý thì chưa đầy đủ, trong khi sự liên kết giữa
trường ĐH và các doanh nghiệp lại chưa nhiều.
Chẳng hạn, nếu sinh viên tại các nước như Mỹ, Singapore sau
khi học xong, muốn thử đi thực hành, kiểm nghiệm những kiến thức mà họ đã học,
sẽ rất dễ dàng để tìm kiếm những công ty cho họ cơ hội, nhưng ở Việt Nam
thì không hề dễ dàng, nếu như không có mối quan hệ từ trước đó.
Ý thức cộng đồng về khởi nghiệp cũng là một vấn đề cần bàn
đến.. Khi chúng ta vẫn mãi ở tư duy đi học lấy kiến thức, ra trường xin
việc làm ở đâu đó là xong. “Tôi biết có những người làm khởi nghiệp, ban đầu họ
đã có ý tưởng và thực hiện thử nghiệm thành công. Nhưng để làm lớn hơn thì họ
không còn tiền. Đi vào ngân hàng thì ngân hàng hỏi có gì thế chấp không. Quay
về hỏi người lớn thì bị người trong gia đình kêu khùng, sao không đi làm công
ăn lương sẽ sướng hơn”.
Ngoài ra, ông Trung cũng chia sẻ về 3 khó khăn lớn
nhất mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thường gặp phải khi đầu tư vào thị trường Việt
Nam.
Đầu tiên, đó là khó tìm ra những dự án khởi nghiệp có chất
lượng. Điều này xuất phát từ việc chúng ta thiếu các vườn ươm doanh nghiệp cũng
như hệ thống có thể tạo ra những ý tưởng, dự án có tiềm năng cao để nhà
đầu tư bỏ vốn.
Thứ hai, đó là việc nhiều quỹ đầu tư vào Việt Nam, dù lỗ
nhưng vẫn phải đóng thuế tương đối cao. Bởi tiền Việt Nam mất giá nhanh quá. Ví
dụ, ngày chúng tôi bỏ vốn vào đầu tư, 1 USD đổi được 10 ngàn Việt Nam. Nhưng khi
rút vốn, 1 USD đổi được tới 20 ngàn. Như vậy trên thực tế, giá trị của công ty,
dự án khởi nghiệp không tăng bao nhiêu. Nhưng 20 ngàn đó, trừ đi 10 ngàn theo
hệ số quy đổi ban đầu, chúng tôi phải đóng thuế trên 10 ngàn còn lại. Trong khi
trên thực tế, con số này phát sinh do lạm phát cao.
Đối với đầu tư mạo hiểm, tỷ lệ thành công chỉ chiếm khoảng
25%, tương tự thế là các dự án khởi nghiệp mạo hiểm. Thế nhưng, trên thực tế,
chúng ta vẫn chưa có một ưu đãi cụ thể và có sức hấp dẫn đối với lĩnh vực này.
Dẫn tới việc nhiều người không quá mặn mà dù đã có ý tưởng sẵn trong đầu.
Ông Trung cũng cho rằng, để xây dựng nên hệ sinh thái khởi
nghiệp nói chung hay các quỹ đầu tư mạo hiểm nói riêng, nhất thiết phải có sự
chung tay của cả Nhà nước và tư nhân.
“Chúng tôi sẽ bỏ tiền đầu tư vào những dự án mà chúng tôi
thấy khả thi. Nhưng Chính phủ cũng cần hỗ trợ. Cái quan trọng nhất ở đây là
Chính phủ phải hiểu đầu tư mạo hiểm là một cuộc chơi. Ở đó, chúng ta cũng có
thể mất chứ không phải lúc nào cũng thắng. Cho nên, nếu Chính phủ đưa ra 1 ít
vốn đầu tư cho tổ chức nào đó, và nói rằng nếu anh làm mất vốn Nhà nước thì
phải ở tù, tôi nghĩ chắc chẳng ai dám nhận. Cuộc chơi phải chấp nhận có thắng
có thua, nếu thua thì sẽ tạo được tiền đề cho giới trẻ, cho họ thấy rằng, họ có
thể thất bại vài lần trước khi đi đến thành công”.