Sản phẩm khoa học công nghệ phải vào được thị trường
“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì tới đây, sản phẩm khoa học công nghệ của người Việt rẻ hơn, ưu việt hơn, tốt hơn, cạnh tranh hơn các sản phẩm nước ngoài phải được tôn vinh và phải vào được thị trường.” Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại Hội nghị “Khoa học xã hội và nghiên cứu chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng giai đoạn tiếp theo” do Đoàn giám sát của UBTVQH vừa tổ chức.
Vì sao các sản phẩm sáng tạo Việt không vào được thị trường?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông có cách nhìn rất thực thế về công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo ông, công nghiệp hóa nếu nghĩ đơn giản
là tiền bỏ ra, mua máy móc nhiều vào, hiện đại hóa là vay tiền về xây công
trình cao to, mở đường rộng lên. Trong đó, phần đầu của quá trình này rất quan
trọng, tức là phần khoa học xã hội và nghiên cứu chính sách làm sao phải theo
đuổi được tư duy của các cụ ta ngày xưa là “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng
mạnh”.
Tuy nhiên, ông Đặng Huy Đông chỉ rõ: “bây giờ, mọi thứ cứ vẽ
các dự án công trình để cho thỏa sức các nhà thiết kế, các nhà tư vấn vẽ ra dự
án bao nhiêu rồi đưa vài ông thẩm định cộp cộp cộp cộp bằng mọi giá. Rồi cứ thế
đi tìm tiền để đổ vào, chẳng thấy bóng dáng khoa học công nghệ, khoa học chính
sách đâu cả. Chính sách vừa rồi không thiếu, nhưng thực thi rất có vấn đề.”
Theo ông Đặng Huy Đông, ở lĩnh vực khoa học công nghệ, muốn
công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng sức lực nội tại thì chỉ có duy nhất con
đường là đầu tư cho KHCN đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong sân chơi hội nhập, không có tăng năng suất lao động, đầu tư cho KHCN đổi
mới sáng tạo, giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ thì chúng ta không thể cạnh
tranh nổi.
Ông Đặng Huy Đông khẳng định, dân tộc Việt ta rất thông
minh, trí tuệ, năng lực đổi mới, sáng tạo trong nước rất tốt. Thế nhưng, điểm
tồn tại mang tính tử huyệt hiện nay là KHCN, đổi mới sáng tạo, sản phẩm của
quốc gia không được tôn trọng, không được tôn vinh, không được sử dụng. Ông
Đông dẫn chứng, sản phẩm lò đốt rác y tế do người Việt Nam chế tạo được cơ quan
kiểm định khẳng định chất lượng cao nhất, không gây hại cho môi trường, giá
thành lại rẻ hơn nhiều lần sản phẩm ngoại nhập nhưng làm chính sách cực kỳ khó,
không thể đưa vào thị trường, hầu hết các bệnh viện trong nước vẫn nhập khẩu
sản phẩm nhập ngoại.
Chỉ thêm các ví dụ vô lý trong quá trình phát triển kinh tế
của đất nước, ông Đông kể, các nguyên liệu chủ yếu cho làm đường đều là tài
nguyên quốc gia nhưng những cung đường của nước ta lại thuộc diện đắt nhất thế
giới; hay sản phẩm nhựa carbon trong giao thông của người Việt có chi phí rẻ,
không gây ô nhiễm môi trường, được kiểm định đủ điều kiện áp dụng nhưng không
đưa được vào các công trình của ngành giao thông vì giá rẻ quá! Từ những dẫn
chứng, ông Đông cho rằng đây là đề bài của khoa học xã hội, nghiên cứu chính
sách, cần phải nghiên cứu vì sao có tình trạng như vậy, để từ đó tạo sự đồng
thuận trong xã hội để loại bỏ những thứ đang ngáng trở sự phát triển của đất
nước.
Nhìn nhận từ góc độ các công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa
học xã hội, phản biện chính sách của nước ta, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ Phạm Công Tạc cho biết, theo thống kê các công bố quốc tế của Bộ thì các
công bố khoa học lớn nhất của nước ta thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, y học.
Rất tiếc, những công bố về khoa học xã hội và nhân văn rất rất ít. “Rõ ràng,
kết quả nghiên cứu của chúng ta đâu đó còn có vấn đề. Nghiên cứu tốt thì chắc
chắn chúng ta có thể công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế,” Thứ trưởng
Phạm Công Tạc thẳng thắn chỉ rõ.
Nâng cao chất lượng của khoa học xã hội và phản biện chính
sách
Phát biểu tại hội nghị giám sát, nguyên Phó chủ nhiệm Văn
phòng Chính phủ Trần Quốc Toản nhận định, mô hình phát triển theo chiều rộng
của chúng ta duy trì quá lâu trong khi bản thân mô hình tăng trưởng này không
có nhu cầu phát triển KHCN, nhất là công nghệ cao và công nghệ tiên tiến; không
tạo ra được nhu cầu thực sự thích đáng cho khoa học đất nước phát triển. Ông Trần
Quốc Toản khuyến nghị, tới đây, khoa học xã hội và nghiên cứu chính sách phải
tiếp tục thúc đẩy đổi mới tư duy phát triển theo chiều sâu. Tuy duy phát triển
mà vẫn đặt trên đường ray cũ, cách tiếp cận cũ thì chúng ta không thể đẩy nhanh
được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, phải nghiên cứu đổi mới
đồng bộ các loại thể chế, chứ không chỉ đổi mới thể chế kinh tế.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông đúc kết, công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước thì tới đây, sản phẩm khoa học công nghệ của người Việt rẻ hơn, ưu
việt hơn, tốt hơn, cạnh tranh hơn các sản phẩm nước ngoài phải được tôn vinh và
phải vào được thị trường. Trong đó, vai trò của QH, vai trò của các cơ quan
nghiên cứu cần phải phát huy được năng lực phản biện, đấu tranh với những quy
định sai trái, những chính sách bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Khi đó, nguồn
lực ít ỏi của đất nước hiện nay vẫn có thể đủ xoay xở đáp ứng được nhu cầu phát
triển kinh tế.
Để tăng cường hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học sử
dụng ngân sách, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng cơ chế đặt hàng các nhiệm
vụ KHCN. Để cơ chế này phát huy hiệu quả, Thứ trưởng Phạm Công Tạc mong muốn
lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương khi đề xuất nhiệm vụ KHCN thì cũng cam kết
sử dụng các kết quả đó, phát huy hiệu quả sự đầu tư của ngân sách.
Bên cạnh cơ chế nghiên cứu theo đơn đặt hàng, ông Nguyễn
Quang Thái, Phó tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đề xuất, cho phép tỷ
lệ nhất định cho các sáng kiến, đề xuất của các nhà khoa học hơi đi khác luồng
của các nhà nghiên cứu, để cho các nhà khoa học sáng tạo, thậm trí nó trái với
quan điểm chung. Cùng với đó, nghiên cứu đường lối, chính sách thúc đẩy công
nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải nhìn thẳng vào sự thật; tập trung vào các vấn
đề cụ thể, lý giải những yếu kém, đề xuất các giải pháp để nước ta phát triển
sánh kịp với thế giới.