SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động công nhận

[30/03/2016 14:28]

Hoạt động công nhận đã trở thành công cụ có giá trị thống nhất trong việc khẳng định năng lực và sự tin cậy của các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Ngày nay, với sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ đã làm cho hoạt động công nhận đối với các phòng thí nghiệm, các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định trên phạm vi toàn cầu ngày một phát triển để phục vụ cho việc thừa nhận lẫn nhau kết quả thí nghiệm, chứng nhận và giám định.

Vai trò của và giá trị của của hoạt động công nhận đã được thừa nhận ở mọi quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hoạt động công nhận đã trở thành công cụ có giá trị thống nhất trong việc khẳng định năng lực và sự tin cậy của các tổ chức đánh giá sự phù hợp . Hội thảo nhằm thảo luận về thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công nhận ở nước ta thời gian qua và đề xuất giải pháp nâng quản lý nhà nước đối với hoạt động công nhận ở Việt Nam trong thời gian tới. 

Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động công nhận ở nước ta trong bối cảnh tích cực và hội nhập quốc tế"  diễn ra sáng 30/3 có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, ông Đoàn Năng - Chủ tịch Hội đồng Công nhận và sự tham gia của đại biểu đến từ các Bộ Ngành, các các đơn vị trong Bộ KH&CN, Tổng cục  TCĐLCL và các đại diện đến từ các phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức giám điịnh, tổ chức chứng nhận.

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Đoàn Năng – Chủ tịch Hội đồng Công nhận, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ KH&CN cho biết: Hoạt động công nhận ở nước ta đã được triển khai khá lâu (từ năm 2005), có bề dày nhất định và chứng minh sự hội nhập ngày càng sâu với quốc tế. Công nhận đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, chứng nhận và giám định, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động thương mại trên thị trường quốc gia cũng như quốc tế.

Hoạt động công nhận cũng góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ công tác quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng như công tác bảo về quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, chăm lo thường xuyên, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động công nhận là việc làm cần thiết.

Đặc biệt, theo PGS.TS Đoàn Năng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu với quốc tế, doanh nghiệp kết nối làm ăn với nước ngoài ngày càng nhiều thì việc tuân thủ luật chơi chung là vô cùng cần thiết và tránh bị đào thải trong sân chơi chung. Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khẳng định mình với quốc tế, phòng công nhận, chứng nhận sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hơn, khẳng định được năng lực nổi bật của mình.

Theo Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, hoạt động công nhận không chỉ bó hẹp ở một bộ ngành mà nó bao phủ rộng rãi tới nhiều lĩnh vực. Ông Vinh cũng yêu cầu hoạt động công nhận ngày càng sát thực hơn, phục vụ quản lý nhiều hơn. Thúc đẩy các hoạt động thử nghiệm, chứng nhận , giám định đi đến một kết quả thống nhất.

Nói thêm về vai trò của hoạt động công nhận, ông Vũ Xuân Thủy – Giám đốc văn phòng Công nhận chất lượng (BoA) cho biết: Công nhận là một trong những cấu thành quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia với 3 “chân kiềng” Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng.

Hoạt động công nhận góp phần nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận và tổ chức giám định(ĐGSPH), hỗ trợ quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế.

Vai trò của hoạt động công nhận được đề cập trong các hiệp định TBT, TPP trong các thỏa thuận của Asean và trong các hiệp định song phương hoặc đa phương giữa các chính phủ khi bàn về thừa nhận kết quả ĐGSPH.

“Các quốc gia đều quy định rõ về địa vị pháp lý và có cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động công nhận”, ông Vũ Xuân Thủy cho biết.

Tại hội thảo, một số vấn đề còn tồn tại trong hoạt động chứng nhận cũng được các đại diện  đến từ các Bộ ngành chia sẻ.  Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ NN&PTNT cho biết, đơn vị chưa thành lập tổ chức công nhận trực thuộc Bộ, vì vậy chưa có hoạt động đánh giá, công nhận của Bộ NN&PTNN. Các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, phòng thử nghiệm của các thành phần kinh tế thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có nhu cầu công nhận đều do tổ chức công nhận của bộ KH&CN đánh giá, giám sát sau công nhận theo quy định.

Đề cập đến những bất cập của hoạt động chứng nhận, đại diện Bộ NN&PTNT thẳng thắn: Đối với cơ quan chỉ định, còn thiếu tính chuyên nghiệp; đoàn đánh giá, chuyên gia đánh giá còn chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ về chuyên gia đánh giá; chất lượng cung cấp dịch vụ chứng nhận hợ quy, thử nghiệm có nhiều hạn chế; tình trạng viết hồ sơ, sổ tay đầy đủ nhưng hoạt động thực tế lại không làm như đqã viết, hoặc làm hình thức. Thậm chí, có tình trạng không đánh giá, đánh giá không đầy đủ nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận hợp quy…

Bày tỏ ý kiến cá nhân, ông Phạm Đồng Quảng đề xuất nên chỉ có một cơ quan công nhận và công nhận không nên là đơn vị dịch vụ, thu phí mà được nhà nước đầu tư toàn bộ trong việc đánh giá, chỉ định, chứng nhận.

“Đối với bộ Nông nghiệp nên có một cơ quan chuyên trách chỉ định để đảm bảo tính chuyên nghiệp. Nên điều chỉnh văn bản pháp luật theo hướng bắt buộc các PTN, TCCN phải được công nhận trước khi chỉ định; cần quy định cơ chế phối hợp giữa hoạt động đánh giá, công nhận và đánh giá, chỉ định…”, ông  Quảng kiến nghị.

Đánh giá thực tiễn của các Bộ, ngành trong thời gian qua PGS-TS Đoàn Năng thắng thắn nhìn nhận một số quy định về hoạt động công nhận còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, nhất là thương mại quốc tế làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ. "Thực tiễn quản lý hoạt động công nhận thời gian qua đã và đang đặt ra làm làm thế nào để quản lý thống nhất, chặt chẽ hơn hoạt động công nhận, làm cho hoạt động công nhận có hiệu quả và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển sản, xuất kinh doanh và hội nhập”, PGS-TS Đoàn Năng kết thúc hội thảo.

vietq.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ