SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản: Cần thay đổi tư duy

[06/05/2016 14:36]

Ở Việt Nam, dù đã có những ưu tiên cần thiết cho nghiên cứu khoa học cơ bản nhưng vai trò của ngành này vẫn chưa được phát huy đúng mức. Nếu không thay đổi tư duy về vai trò của nghiên cứu cơ bản thì chúng ta mãi sẽ chỉ là người đi sau, làm thuê cho những nước có nền KH&CN phát triển.

Không chỉ là "trang sức"

Nghiên cứu cơ bản là lĩnh vực tốn kém, thường được coi là "sân chơi" của những nước có tiềm lực mạnh về kinh tế và khoa học, còn Việt Nam chỉ nên quan tâm tới nghiên cứu ứng dụng - tư duy này đã tồn tại từ lâu trong một bộ phận giới khoa học và nhà quản lý. Lý do được đưa ra là khi tiềm lực KH&CN của Việt Nam chưa mạnh, chúng ta không thể cạnh tranh được với những nước phát triển bởi họ đã nghiên cứu rất sâu về lĩnh vực này từ lâu. "Nghiên cứu xong rồi cất tủ", đó là cách mà nhiều người nói về sự lãng phí cả về nhân lực, tiền bạc và hiệu quả kinh tế hạn chế khi đầu tư cho nghiên cứu cơ bản.

Tuy nhiên, theo quan điểm hiện đại, nghiên cứu cơ bản là nền tảng của tri thức, không chỉ giúp nâng cao trình độ dân trí mà còn là cơ sở cho sự ra đời của các nghiên cứu ứng dụng. Theo GS.TS Đào Tiến Khoa - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN), chúng ta không nên coi nghiên cứu cơ bản như một thứ "trang sức" cho nền khoa học nước nhà.

Kinh nghiệm phát triển KH&CN của thế giới từ đầu thế kỷ XX cho đến nay cho thấy, một quốc gia có nền KH&CN phát triển cao thì cũng luôn có một nền khoa học cơ bản được đầu tư và phát triển thích đáng. Chẳng hạn, khi thực hiện một nghiên cứu ứng dụng nhằm nâng cao năng suất và sản lượng cây lúa thì trước đó cần phải tiến hành nghiên cứu cơ bản về bộ gene của cây lúa, để từ đó đưa ra giải pháp nâng cao giá trị của hạt gạo. Hoặc, để hạn chế thiên tai, các nhà khoa học cần vận dụng những lý thuyết cơ bản về vật lý, về thủy động học hay khí động học…

So sánh khoa học cơ bản với âm nhạc, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng - Khoa Toán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng đó phải là thứ âm nhạc bác học. Một nền âm nhạc có thể có nhiều thành công ở các thể loại như rock, pop…, nhưng khi xem xét đỉnh cao thì không thể bỏ qua âm nhạc bác học. Vì thế, cần phải thay đổi tư duy về vai trò của nghiên cứu cơ bản, bởi chỉ khi làm tốt công việc này thì Việt Nam mới thoát khỏi cảnh làm thuê cho những nước phát triển khác.

Phải chấp nhận mạo hiểm

Tại những quốc gia mạnh về công nghệ ứng dụng, việc đầu tư cho các trường đại học, các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, tạo động lực cho các tài năng khoa học trẻ tập trung vào nghiên cứu cơ bản luôn được ưu tiên hàng đầu. GS Pierre Darriulat, nguyên Giám đốc khoa học của Trung tâm Hạt nhân Châu Âu, người sáng lập Phòng thí nghiệm và đào tạo vật lý tia vũ trụ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cảnh báo, "đóng cửa" với nghiên cứu cơ bản sẽ làm các trường đại học, các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu - những nơi sản sinh ra công nghệ cốt lõi mất đi nhiều giáo sư và nhà khoa học trẻ xuất sắc.

Vì thế, các nước đang phát triển như Việt Nam cần phải tạo không gian cho nghiên cứu cơ bản, dành ưu tiên cao nhất để tạo nên một môi trường làm việc tốt, để từ đó tạo nền tảng cho các tài năng nở rộ, lôi kéo được họ ở lại làm việc trong nước. Để làm được điều này, GS Pierre Darriulat cho rằng, Việt Nam nên hình thành một vài trung tâm chất lượng cao, mời gọi những nhà khoa học giỏi và giao phó trọng trách cho những tiến sĩ trẻ xuất sắc, cùng với đó là áp dụng chế độ tiền lương đủ để họ không bị phân tâm bởi công việc ngoài giờ. Và, trên hết, cần xây dựng những quy định đồng bộ, thống nhất, cho phép các tổ chức KH&CN được quyền quản lý nhân sự một cách chủ động và linh hoạt.

Cách đây 5 năm, Bộ KH&CN quyết định đầu tư vào dự án "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng", do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế mạch thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm đề tài. Với tổng kinh phí lên tới hơn 145 tỷ đồng, đây là dự án do Bộ KH&CN đầu tư có kinh phí lớn nhất trong 50 năm qua. Tại thời điểm đó, trước nhiều ý kiến cho rằng không nên đầu tư vào một dự án vốn đã lạc hậu so với sự phát triển công nghệ chip của thế giới, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân đã khẳng định, chúng ta phải có hệ thống công nghệ nền tảng, phải tự làm chủ từ nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo. Trong thực tế có những nghiên cứu cơ bản phải "bỏ ngăn kéo" nhưng những nghiên cứu đó cho thấy rõ định hướng ứng dụng, thấy rõ tương lai ứng dụng, từ khâu sản xuất đến đặt hàng sản phẩm. Bởi vậy, cần phải biết chấp nhận đầu tư mạo hiểm, phải làm chủ được công nghệ lõi thì mới rút ngắn được khoảng cách tụt hậu.

Tinh thần nói trên đã được khẳng định trong định hướng cũng như qua thực tế tổ chức hoạt động KH&CN. Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán và Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) dành để đầu tư cho khoa học cơ bản trong khoa học tự nhiên. Với sự ra đời và triển khai thành công cơ chế hỗ trợ của Quỹ NAFOSTED, nhiều nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản đã được tạo cơ hội hình thành và phát triển. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này vẫn chỉ từ phía Nhà nước chứ chưa có sự đầu tư từ các nhóm đối tượng khác.

Theo GS Đào Tiến Khoa, hằng năm, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới vẫn chi hàng tỷ USD để hỗ trợ những dự án nghiên cứu cơ bản trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, sinh học… với mục đích mang lại những hiểu biết khoa học ngày càng sâu hơn cho nhân loại, đồng thời duy trì vị thế khoa học của mình. Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, có thể học kinh nghiệm này, đề ra giải pháp cụ thể nhằm mở rộng nguồn đầu tư cho nghiên cứu cơ bản.

hanoimoi.com.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ