Tạo hướng phát triển cho thị trường khoa học và công nghệ
Hoạt động của tổ chức trung gian được đánh giá là một trong các yếu tố cấu thành, quyết định sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ (KH và CN). Nhưng tại Việt Nam, hoạt động của các tổ chức trung gian vẫn chưa hiệu quả, chưa xây dựng được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, khiến việc gắn kết giữa cung và cầu còn hạn chế.
Thị trường KH và CN là thị trường phát triển muộn nhất trong
các thị trường của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: nguồn cung, cầu công nghệ,
định chế trung gian và môi trường pháp lý. Những năm gần đây, Bộ KH và CN đã có
nhiều nỗ lực để xây dựng thể chế, môi trường pháp lý, giúp thị trường công nghệ
dần hoàn thiện. Nhưng định chế trung gian, mặc dù được đánh giá là một trong
những yếu tố quan trọng để phát triển thị trường KH và CN, lại rất yếu kém. Bởi
lẽ, nếu kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học không đến được với sản xuất và
kinh doanh, không tìm được địa chỉ ứng dụng, doanh nghiệp vẫn đi tìm nguồn công
nghệ nhập khẩu (loại công nghệ mà các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu và
làm chủ) thì thị trường KH và CN sẽ khó tồn tại. Cục trưởng Phát triển thị
trường và doanh nghiệp KH và CN Phạm Hồng Quất cho biết, Thông tư số
16/2014/TT-BKHCN đã quy định cụ thể về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ
chức trung gian, là nơi cung cấp dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu
trong thị trường KH và CN; thực hiện các giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ
theo quy định của pháp luật. Tổ chức trung gian bao gồm: sàn giao dịch công
nghệ; trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động
chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ
trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH và CN
(vườn ươm). Hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ hình thành được sàn giao dịch công
nghệ, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, vườn ươm
đang thúc đẩy các kết nối cung, cầu, hỗ trợ các đơn vị, cá nhân trong nghiên
cứu, phát triển, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Mặt khác, đội ngũ cán bộ thực
hiện các dịch vụ trung gian của thị trường KH và CN Việt Nam còn rất ít. Đánh
giá từ nhiều chuyên gia cho thấy, hiện nay số cán bộ làm việc trong các tổ chức
trung gian chỉ khoảng hơn một nghìn người, trong đó số lượng có khả năng có thể
tư vấn, hỗ trợ theo đúng chức năng, nhiệm vụ đều dưới 50%. Trong khi đó, tại
nhiều nước trên thế giới, đều có hàng chục nghìn tổ chức dịch vụ trung gian cho
thị trường KH và CN, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, phù hợp với xu
thế và nhu cầu phát triển của xã hội. Tại Mỹ, nhiều trường đại học đẩy mạnh
việc hình thành các tổ chức dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ nhằm thương
mại hóa kết quả nghiên cứu, với lợi nhuận cao gấp sáu lần so với mức đầu tư.
Đến nay, đã có hơn 200 trường đại học ở Mỹ hình thành tổ chức dịch vụ chuyển
giao công nghệ. Nguyên Bộ trưởng KH và CN Nguyễn Quân cho biết, những năm vừa
qua, Bộ KH và CN đang tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian,
trong đó hình thành các sàn giao dịch công nghệ ở một số thành phố: Hà Nội, Đà
Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đã bắt đầu hoạt động. Ngoài ra, hằng năm đều tổ chức hội
chợ công nghệ và thiết bị quốc tế (Techmart), giúp các nhà khoa học, doanh
nghiệp có thể gặp nhau, ký kết được nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ. Nhiều
sự kiện về kết nối cung, cầu công nghệ đã được tổ chức ở các địa phương, tạo
điều kiện cho nhà khoa học giới thiệu kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp. Thực
tế, thông qua các hoạt động nói trên của Bộ KH và CN, nhiều doanh nghiệp đã ký
kết, sử dụng và đưa công nghệ của Việt Nam vào hoạt động sản xuất. Nhưng thực
tế, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường KH và CN, cần có một chương trình
ở tầm quốc gia, cần sự đóng góp của các nguồn đầu tư để sớm thành lập các đơn
vị, định chế trung gian trong thị trường, hỗ trợ cho nguồn cung và nguồn cầu.
Tại nhiều nước trên thế giới, tổ chức trung gian được xây dựng dựa vào nhu cầu
thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong các trường đại học,
viện nghiên cứu, góp phần thúc đẩy thị trường KH và CN, phát triển kinh tế.
Việc bồi dưỡng nguồn nhân lực, làm tốt công tác đào tạo cho tổ chức trung gian
của thị trường KH và CN Việt Nam được đánh giá là cần thiết trong giai đoạn
này. Theo Cục trưởng Phạm Hồng Quất, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng
cường các hoạt động phổ biến văn bản pháp luật, chủ trương, chính sách, dự án
hợp tác quốc tế cho từng loại hình tổ chức trung gian… Quan trọng nhất là Nhà
nước cần có giải pháp vĩ mô hoàn thiện định chế trung gian để cho các tổ chức
KH và CN có đủ nguồn lực, kể cả về hàng hóa công nghệ đầu vào, giúp các tổ chức
KH và CN lựa chọn những mặt hàng tốt nhất, đã được ứng dụng thành công và bán
cho doanh nghiệp. Theo đó, cán bộ tư vấn giữ vai trò rất quan trọng, cần được đào
tạo để có tư duy, tầm nhìn, kỹ năng đạt tầm quốc tế thì doanh nghiệp mới có thể
tiếp thu được.
Các chuyên gia cho rằng, cần sớm tháo gỡ những nút thắt về
cơ chế hoạt động hiện nay, hỗ trợ cho các tổ chức trung gian, tạo điều kiện để
các công nghệ do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu và làm chủ tham gia vào
các gói thầu. Có như vậy các nhà sáng chế, sàn giao dịch công nghệ, doanh
nghiệp KH và CN mới phát triển, thúc đẩy phát triển của thị trường KH và CN.