Phát triển startup trong khoa học - công nghệ: Tạo bàn đạp cho nền kinh tế
Khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN đang phát triển mạnh. Các công ty khởi nghiệp công nghệ lớn như Facebook, Google, Uber… được định giá hàng tỷ USD. Không nằm ngoài làn sóng đó, Việt Nam cũng đã có những startup được định giá cao như Vatgia, VNG hay Topica.
Trên khắp thế giới, phát triển khoa học và công nghệ
(KH&CN) được nhìn nhận là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế. Tại Việt
Nam, đây cũng được xem là một trong ba khâu đột phá chiến lược, là đòn bẩy
quyết định thành công tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng
năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN là yếu
tố cốt yếu của thị trường KH&CN. Đây là loại hình doanh nghiệp có hoạt động
nghiên cứu, ứng dụng các kết quả KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh,
không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản
phẩm.
Đó có thể là doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu KH&CN và
thương mại hóa các kết quả hoặc có chức năng chính là thương mại hóa các kết
quả KH&CN được tạo ra tại các viện, trường hoặc các tổ chức KH&CN khác.
Có thể kể tên một số doanh nghiệp nổi bật như: Công ty cổ phần giống cây trồng
Quảng Ninh, Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần giống cây
trồng Trung ương, Công ty TNHH Thiên Dược…
Một thành phần quan trọng khác trong thị trường KH&CN là
doanh nghiệp khởi nghiệp KH&CN. Để trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh,
doanh nghiệp KH&CN phải trải qua khoảng thời gian dài đầu tư nghiên cứu và
phát triển, đưa sản phẩm thử nghiệm ra thị trường, mở rộng thị trường, gọi vốn
để mở rộng sản xuất. Mấu chốt tiên quyết là doanh nghiệp cần được hỗ trợ để
phát triển ở giai đoạn đầu - giai đoạn mà các ý tưởng mới hình thành, các sản
phẩm thử nghiệm đang được phát triển. Đó cũng là định nghĩa về doanh nghiệp
khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN, là các doanh nghiệp non trẻ nhưng có tiềm
năng phát triển lớn.
Doanh nghiệp khởi nghiệp là yếu tố cơ bản để phát triển
thành các doanh nghiệp KH&CN lớn mạnh trong tương lai, là các trụ cột vững
chắc của nền kinh tế. Trên thế giới, với sự phát triển vượt bậc của KH&CN,
khởi nghiệp trong lĩnh vực KH&CN đang phát triển mạnh mẽ. Các công ty khởi
nghiệp công nghệ lớn như Facebook, Google, Uber… đã được định giá tới hàng tỷ
đôla Mỹ. Không nằm ngoài làn sóng đó, tại Việt Nam cũng đã có những doanh
nghiệp khởi nghiệp được định giá cao như Vatgia, VNG hay Topica…
Bà đỡ - có nhưng chưa đủ
Những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực thúc đẩy
phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, gồm: Ban hành chính sách ưu đãi dành cho
phát triển KH&CN, nâng cao năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ cả từ
phía viện nghiên cứu, trường đại học, nhà sáng chế và các doanh nghiệp, hình
thành các tổ chức dịch vụ hỗ trợ trung gian (như vườn ươm công nghệ cao, đề án
thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV),
sàn giao dịch công nghệ) hay các chương trình thường niên (như hội chợ công
nghệ thiết bị - techmart, ngày hội kết nối cung - cầu công nghệ - techdemo, ngày
hội khởi nghiệp công nghệ - techfest).
Thành quả đã được phản ánh qua việc chỉ số đổi mới sáng tạo
của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc, đứng thứ 52 trên 141 quốc gia và nằm trong 3
nước dẫn đầu ASEAN. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường KH&CN ở Việt Nam
chưa xứng với tiềm năng, các quy định hỗ trợ còn thiếu đồng bộ giữa các cấp.
Thị trường vốn chưa phát triển để đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp hiện tại.
Sự phát triển môi trường khởi nghiệp gần đây cũng đi kèm với
sự phát triển các tổ chức dịch vụ hỗ trợ trung gian - gồm cơ sở ươm tạo, thúc
đẩy kinh doanh, không gian làm việc chung (co-working space), quỹ đầu tư, công
ty đầu tư. Các quỹ đầu tư lớn như IDG Ventures và CyberAgent Ventures đã đầu tư
cho gần 100 startup tại Việt Nam, như Vatgia, Vietnamworks, VNG, Nhaccuatui,
Foody v.v… Nhà nước cũng lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia năm 2013 nhằm cấp ,
cho vay, bảo lãnh vốn cho các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cao trong
lĩnh vực KH&CN.
Bên cạnh những thuận lợi, khởi nghiệp vẫn là lĩnh vực mới mẻ
tại Việt Nam. Các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khiến môi
trường khởi nghiệp chưa bùng nổ như các nước khác. Thứ nhất là sự thiếu đồng bộ
trong thi hành chính sách hỗ trợ. Thứ hai là thủ tục phức tạp, làm nản lòng các
nhà đầu tư. Thứ ba, các quy định về đầu tư mạo hiểm - thành phần cốt yếu trong
hệ sinh thái khởi nghiệp - hoàn toàn chưa có. Thứ tư, nguồn nhân lực tuy dồi
dào nhưng không chuyên sâu. Kiến thức khởi nghiệp và kinh doanh của nhân lực kỹ
thuật tương đối kém. Đó là những khúc mắc mà các startup và các nhà đầu tư đang
mong được tháo gỡ.
Phát triển thị trường khởi nghiệp KH&CN là một trong
những bước tiên quyết để bước đầu phát triển doanh nghiệp KH&CN cả về số
lượng và chất lượng. Với mục tiêu 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020, cần
có những chính sách đúng đắn và triển khai hiệu quả. Cơ hội và thách thức cho
các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, tổ chức trung gian cũng như cơ quan quản lý
nhà nước vẫn còn ở phía trước. Việc tận dụng được các cơ hội này là bàn đạp
vững chắc cho kinh tế Việt Nam tiến lên - đặc biệt là trong lĩnh vực KH&CN.