Sinh viên Trường đại học sư phạm TP.HCM: Nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn
Giữ vai trò là trường sư phạm trọng điểm khu vực phía Nam, Trường đại học sư phạm TP.HCM phấn đấu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có việc gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của trường. Nhằm giúp sinh viên có cơ hội trình bày và được góp ý để hoàn thiện công trình nghiên cứu, nhà trường vừa tổ chức hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2015 - 2016, đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường (1976 - 2016).
Sinh
viên báo cáo đề tài nghiên cứu tại hội nghị khoa học
Mang khoa học đến với
người khuyết tật
* Trần Bảo Nhân, Dương Thúy Vy, sinh viên năm 3, khoa
công nghệ thông tin cho biết: “Người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc
đi lại do đa số còn sử dụng gậy dò đường thủ công, vốn còn nhiều trở ngại trong
việc cảm nhận các vật cản như: không thể nhận biết các vật thể ở chiều cao
tương đối mà gậy không chạm tới được, người sử dụng dễ mất phương hướng khi đi
vào ngõ cụt hoặc khi liên tục phải thay đổi hướng đi do không biết phương án tối
ưu để né tránh chướng ngại vật... Mặc dù hiện nay đã có những thiết bị tiên tiến
hỗ trợ cho người khiếm thị trong việc đi lại, nhưng chi phí cao, đây chính là
rào cản giữa thiết bị và người dùng. Vì vậy, phát triển ứng dụng hỗ trợ người
khiếm thị với chi phí thấp, tiện dụng chính là vấn đề cấp thiết của xã hội, cần
được ưu tiên phát triển nhằm giúp đỡ những người kém may mắn di chuyển thuận lợi
và chính xác hơn”. Đề tài của nhóm là nghiên cứu chế tạo thiết bị hỗ trợ người
khiếm thính. Theo các bạn, đề tài này mang tính cấp thiết về khoa học công nghệ,
ứng dụng và có tính nhân văn.
Mục tiêu của các bạn là phát triển ứng dụng hỗ trợ gậy tự
hành cho người khiếm thị, phát hiện được vật cản trên đường, thông báo khoảng
cách từ người đến vật cản thông qua âm báo để thay đổi hướng di chuyển. Với sự
hướng dẫn của TS. Ngô Quốc Việt, các bạn đã chế tạo được thiết bị như mong muốn,
giá khoảng 350.000 đồng (thời gian tới sẽ giảm hơn sau khi cải tiến), qua thử
nghiệm, sử dụng trong việc di chuyển trên đoạn đường thẳng, thiết bị hoạt động
chính xác với mọi trường hợp vật cản. Khi hoạt động ở những điều kiện thời tiết
khác nhau, thiết bị vẫn hoạt động tốt ở khá nhiều môi trường.
* Màu sắc giúp cho đời sống tinh thần của con người trở
nên đa dạng, phong phú, tri giác sự vật một cách dễ dàng và chính xác. Nhưng đối
với trẻ nhìn kém, do thị lực bị hạn chế, các em ít có cơ hội nhìn màu sắc giống
như trẻ bình thường. Hai sinh viên Trương Thị Hoài Hạnh, Diệp Mỹ Quyên, khoa
giáo dục đặc biệt đã thực hiện đề tài “Thiết kế bài tập phát triển tri giác màu
cho trẻ nhìn kém trên phần mềm Unity 5” nhằm giúp cho các em có thêm nhiều cơ hội
phát triển khả năng tri giác màu của mình. Các bạn cho biết, cùng với âm thanh
và giọng nói quen thuộc, màu sắc nổi bật của trang phục hay sự tương phản của đồ
vật với hình nền là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho trẻ nhìn kém dễ
dàng hơn trong việc nhận biết đối tượng. Nội dung và hình thức của bài tập phát
triển tri giác màu cho trẻ nhìn kém trên phần mềm Unity 5 được xây dựng một
cách dễ hiểu, phong phú, có hệ thống, phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ
nhìn kém từ 3 - 6 tuổi, góp phần rất lớn trong việc giúp trẻ nhìn kém phát triển
tri giác màu sắc.
Với sự hướng dẫn của ThS. Hoàng Thị Nga, nhóm đã nghiên cứu
tạo ra phần mềm bài tập phát triển tri giác màu cho trẻ nhìn kém sử dụng ngôn
ngữ tiếng Việt. Phần mềm được thiết kế theo mức độ kỹ năng từ thấp lên cao: từ
nhận biết màu sắc tới ghép tương ứng, phân loại và hiểu ý nghĩa của màu sắc qua
các câu chuyện của cuộc sống. Giáo viên có thể dựa trên khả năng của từng trẻ để
sử dụng phần mềm như một phương tiện giúp phát triển tri giác màu và cũng có thể
sử dụng như một trò chơi giúp trẻ thư giãn, giải trí.
* Để giúp người khuyết tật, hai bạn sinh viên Nguyễn Thị
Hồng Thanh, Trần Thị Mông Cơ, khoa tâm lý học, lại nghĩ đến một hướng khác, đó
là thiết kế CD hướng nghiệp cho học sinh khiếm thị. Theo các bạn, tìm được một
nghề phù hợp đối với học sinh khiếm thị rất khó khăn, hiện có rất nhiều người
không có việc làm, nếu có thì chủ yếu cũng là lao động phổ thông, thu nhập thấp.
Nguyễn Thị Hồng Thanh cho rằng: “Có rất nhiều học sinh khiếm thị có thể đi học,
nhưng với các em, việc chọn nghề không đơn giản. Khả năng tiếp cận tài liệu của
các em còn rất hạn chế, vì các tài liệu hay thông tin hướng nghiệp đều ở dạng
viết, và so với các dạng tật khác, các ngành nghề cho người khiếm thị không đa
dạng, vì vậy học sinh khiếm thị định hướng lựa chọn cho mình một ngành nghề phù
hợp tương đối khó khăn. Bên cạnh đó, để hướng nghiệp hiệu quả cho các em, cần
tuân theo một quy trình với những bước cụ thể, đòi hỏi tính khoa học, tính thực
tiễn với cơ sở tâm lý học”.
Hai sinh viên đã nhờ ThS. Nguyễn Thị Diễm My hướng dẫn
cho mình thực hiện thành công CD hướng nghiệp cho học sinh khiếm thị, dựa trên
3 bước trong quy trình: nhận thức bản thân, nhận thức nghề nghiệp, lập kế hoạch
nghề nghiệp.
Dạy học sinh yếu, kém bằng
sỏi và hạt đậu
Các sinh viên Bùi Nguyễn Bích Thy, Lê Thị Nguyệt, Kiều
Anh, Lê Hoàng Phương Quỳnh, khoa giáo dục tiểu học, vui vẻ cho biết: “Học sinh
tiểu học hứng thú khi học toán với sỏi, hạt đậu hơn so với cách dạy truyền thống.
Ban đầu còn lạ lẫm về cách thức tổ chức học mới, nhưng càng ngày các em càng
quen dần và thích thú, thậm chí nhiều em tự đưa ra dự đoán, khám phá ra cách thức
thao tác với sỏi, hạt đậu khi học một nội dung mới”. Khi học toán với sỏi, hạt
đậu, học sinh thao tác để tự tìm ra quy tắc, khái niệm, kiến thức mới, từ đó
tăng khả năng tư duy, chủ động khám phá. Cũng chính nhờ vậy mà học sinh trung
bình, yếu môn toán đã có sự tiến bộ: tăng số lượng câu đúng, thời gian làm bài
nhanh hơn trước. Điều này cho thấy dạy học toán bằng sỏi và hạt đậu đạt hiệu quả
cao. Bên cạnh đó, trò chơi học tập bằng sỏi, hạt đậu thu hút học sinh, giúp các
em ôn lại kiến thức, rèn kỹ năng tính toán trong không khí thư giãn, vui chơi.
“Không chỉ dừng lại việc sử dụng sỏi, hạt đậu trong dạy học
mà chúng tôi còn tạo ra nhiều trò chơi hơn để sỏi và hạt đậu trở thành bộ đồ
dùng để các em có thể vừa học, vừa chơi mỗi ngày. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn
sỏi và hạt đậu trở thành đồ dùng dạy học hữu ích cho những nơi thiếu thốn cơ sở
vật chất như vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, trong thời gian tới, nếu có cơ hội,
chúng tôi sẽ suy nghĩ về việc sử dụng các đồ dùng khác cũng xuất phát từ tự
nhiên, gần gũi với học sinh trong cuộc sống thường ngày để đưa vào dạy học toán
cho học sinh tiểu học như cúc áo (hạt nút), nắp chai...”, Bùi Nguyễn Bích Thy
cho biết.
Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng, hiệu
trưởng, trong những năm qua, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã có nhiều biện
pháp thúc đẩy hoạt động sinh viên (SV) nghiên cứu khoa học (NCKH). Quy định về
tổ chức hoạt động NCKH của SV được trường ban hành ngay từ đầu năm học 2012 -
2013, kịp thời cụ thể hóa quy chế về SV NCKH trong các trường đại học và cao
đẳng của Bộ giáo dục và đào tạo, giúp cho SV tiếp cận với quy trình chuẩn
trong việc thực hiện một đề tài NCKH. Hàng năm, ngoài kinh phí được bộ phân bổ,
trường đã trích ngân sách hỗ trợ thỏa đáng cho hoạt động NCKH của SV. Các đơn
vị thuộc trường cũng luôn quan tâm đến hoạt động NCKH của SV, thể hiện qua số
lượng, chất lượng và tiến bộ các đề tài thực hiện hàng năm.
Với sự quan tâm trên, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã trở thành một trong những
đơn vị có hoạt động SV NCKH mạnh, được Bộ giáo dục và đào tạo tặng bằng khen
“Đạt thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hoạt động SV NCKH giai đoạn
2000 - 2010” và liên tục các năm sau đó. Trường đại học sư phạm TP.HCM cũng
luôn là một trong những trường có thành tích NCKH tốt nhất trong các đơn vị
tham gia xét giải thưởng Eureka hàng năm của Thành đoàn TP.HCM. Riêng trong đợt
xét giải thưởng Eureka năm 2015, trường đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì và 1 giải
khuyến khích.
Năm học 2015 - 2016, đã có 164 đề
tài của SV đến từ 19 khoa với tổng kinh phí 376.952.000 đồng được hội đồng
khoa học và đào tạo trường xét duyệt, thông qua.
|
www.khoahocphothong.com.vn(lntrang)