Nhà khoa học trẻ ngày càng biết lắng nghe và thấu hiểu hơn
"Dù những ý tưởng còn có những vấn đề cần hoàn thiện, nhưng tôi thực sự vui mừng khi thấy các bạn trẻ làm khoa học rất tự tin, có sự đầu tư và đặc biệt là tấm lòng sẻ chia với cộng đồng" - Th.s Đặng Thị Đoan Trang, thành viên ban giám khảo đã chia sẻ như vậy khi nhận xét về các công trình khoa học tham dự giải thưởng Holcim Prize năm 2016.
Vòng chung kết cuộc thi Holcim Prize năm 2016 năm nay được tổ chức
vào chiều 09/06 tại trường ĐH công nghệ TP.HCM với 9 công trình nghiên cứu của
sinh viên các trường ĐH 3 miền Bắc-Trung-Nam.
Thạc sĩ Đoan Trang cho biết năm nay nhiều bạn sinh viên nữ đã
rất tự tin giới thiệu ý tưởng của mình với ban giám khảo. “Nhiều bạn sinh
viên nữ đã rất quan tâm và đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Đó là một điều mà
tôi cảm thấy ấn tượng với cuộc thi năm nay” - Th.s Trang cho biết.
Vượt qua hàng trăm đề tài dự thi, 9 ý tưởng lọt vào vòng chung kết.
Nhiều công trình được ban giám khảo đánh giá đã lắng nghe và thấu hiểu được
tiếng nói của cộng đồng, giải quyết được những nỗi lo trực tiếp của người dân.
Tại phần thi thuyết trình, các thành viên ban giám khảo rất chú ý đến đề
tài của nhóm sinh viên ĐH kiến trúc Hà Nội. Ý tưởng nói về việc xây dựng một
trường học thân thiện bằng những vật liệu như đất, tre,…có sẵn tại địa phương.
Các thành viên trong nhóm đã vượt quãng đường xa lên tận một trường tiểu
học miền núi ở Hòa Bình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên và học
sinh nơi đây. Xuất phát từ nhu cầu đó, các bạn thiết kế mô hình trường học thân
thiện, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.
Có những công trình tham dự cuộc thi, mục đích cao nhất của sinh viên
không phải là giải thưởng mà là thông điệp lan tỏa từ ý tưởng đó. Nhóm sinh
viên với tên gọi “Lớp học hạnh phúc” đã mang đến sân chơi ý tưởng bảo vệ môi
trường rất mới lạ. Công cụ truyền thông truyền thông của các bạn thể hiện bằng
những hình vẽ ngộ nghĩnh, thông điệp đáng yêu để cộng đồng dễ tiếp cận, dễ nhớ.
“Nếu
không đạt được giải thưởng chúng em vẫn sẽ tiếp tục thực hiện dự án này. Tham
gia cuộc thị là để giao lưu, học hỏi với những ý tưởng khác và phát đi thông điệp
bảo vệ môi trường đến với hàng trăm bạn sinh viên tại sân chơi này” -
Phạm Thái Tiểu My, sinh viên ĐH KHXH-NV TP.HCM nói.
Kết
thúc vòng chấm điểm, ban tổ chức đã chọn công trình nghiên cứu “Trường học thân
thiện” của sinh viên trường ĐH kiến trúc Hà Nội trao giải đặc biệt với mức thưởng
85 triệu đồng và 200 triệu kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án vào thực tế.