SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhiều chính sách ưu đãi, ít doanh nghiệp hưởng lợi

[24/06/2016 10:19]

Nhiều chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong nông nghiệp đã được ban hành, từ hỗ trợ trực tiếp cho đến ưu đãi thuế, tín dụng. Tuy nhiên, theo một điều tra năm 2015, chỉ 1-3% số DN hưởng lợi từ các ưu đãi này.

Chạm ngưỡng giới hạn, cần lực kéo

Từ năm 2000 đến nay, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam tuy vẫn ở mức cao so với khu vực, nhưng đang giảm dần. Nguyên nhân là các yếu tố nguồn lực cơ bản cho tăng trưởng nông nghiệp trong giai đoạn trước như đất, nước, phân bón, lao động giá rẻ đã gần tới hạn. Các yếu tố mới như máy móc, thiết bị và đặc biệt là KH&CN chưa được phát huy mạnh mẽ để đem lại tăng trưởng bền vững.

Trên thế giới, sự phát triển của khoa học đã tạo ra những đột phá lớn cho nông nghiệp. Công nghệ gene góp phần tạo ra các giống ngô, lúa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái là một ví dụ.

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp Quốc, đây sẽ là chìa khóa về an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dân số tăng nhanh, đất nông nghiệp liên tục thu hẹp. Một ví dụ khác là công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, giúp đất nước có 60% diện tích là hoang mạc, bán hoang mạc, lượng mưa chỉ 120mm/năm này xuất khẩu nông sản.

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập. Trong bối cảnh bị liệt vào nhóm quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc áp dụng các thành tựu KH&CN vào nông nghiệp là hiển nhiên.

Bài toán cần lời giải từ KH&CN

Hạn mặn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long hay hạn hán ở Tây Nguyên là những ví dụ nhãn tiền về hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Điều đó đặt ra yêu cầu ứng dụng KH&CN - đặc biệt là công nghệ cao.

Việc ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra một lượng sản phẩm lớn, chất lượng tốt và thân thiện với môi trường; giúp giảm sự lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, mở rộng quy mô sản xuất, giảm giá thành đa dạng hóa thương hiệu. Điều này cũng giúp quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn của hội nhập.

Việc triển khai ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp không chỉ cần sự tham gia của Nhà nước và nhà khoa học mà các doanh nghiệp, nông dân cũng đóng vai trò quan trọng. Thực tế, doanh nghiệp ngày càng có vai trò lớn trong việc nâng cao trình độ công nghệ, tạo cơ hội cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, việc đưa doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sẽ phần nào giải quyết được vấn đề vốn và đầu ra cho sản phẩm.

Nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành. Các công cụ chính sách rất đa dạng, từ hỗ trợ trực tiếp cho nghiên cứu, ứng dụng (hỗ trợ tối đa 50% kinh phí dự án sản xuất thử nghiệm, hỗ trợ chi phí mua thông tin, công nghệ, thiết bị, sản phẩm mẫu, phần mềm, thuê chuyên gia tư vấn, chuyển quyền sở hữu đối với các dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ cao…) đến ưu đãi thuế, tín dụng (miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho những doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao, cho vay tối đa 70% kỳ hạn 12 năm và hỗ trợ sau đầu tư với lãi suất 2,4%/năm).

Tuy vậy, theo điều tra năm 2015 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, trong khoảng 200 doanh nghiệp được hỏi, tỷ lệ được hưởng lợi từ những ưu đãi này chỉ từ 1-3%.

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc tiếp cận đất đai, tín dụng khó khăn, chính sách thuế chưa phù hợp đã hạn chế sự tham gia của họ, trong khi đầu tư vào KH&CN nông nghiệp cần vốn lớn và rủi ro cao.

Các chương trình nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp còn nặng cơ chế “xin - cho” phân bổ vốn từ trên xuống, thiếu tính thực tiễn, thiếu chính sách khuyến khích cán bộ nghiên cứu, khuyến nông gắn bó với sản xuất. Đầu tư của Nhà nước vào KH&CN còn hạn chế. Mặc dù mức độ đầu tư của Việt Nam trong nghiên cứu và phát triển (R&D) đã tăng so với những năm 1990, nhưng tỷ lệ đầu tư trên GDP vẫn còn quá thấp so với các nước đang phát triển. Công nghệ chế biến chưa phát triển và chưa được chú trọng, thiếu nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

Đó là chưa kể phong cách làm ăn của nông dân Việt Nam còn thiếu gắn kết với doanh nghiệp, thiếu ràng buộc. Nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu nên chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ