SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập - Bài 2: Duy ý chí hay sức ì ?

[30/06/2016 08:05]

Tinh thần chủ đạo của Nghị định 115 là đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Để hiện thực hóa những quy định này cần có sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, nhiều quy định của Nghị định thì mở nhưng lại bị trói ở những luật chuyên ngành khác.

Xung đột pháp luật

Nếu như Nghị định 115 cho phép tự chủ mạnh mẽ ở các yếu tố tài chính, con người... thì các văn bản khác có liên quan lại hạn chế quyền tự chủ, xung đột với một số văn bản pháp luật hiện hành Luật Thuế, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai...

Chẳng hạn, Nghị định 115 cho phép đơn vị khoa học công nghệ (KHCN) công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất, kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy vậy, trên thực tế, việc này không thực hiện được bởi theo quy định của Luật Đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.  Hay, trong tự chủ về tài chính lại bị hạn chế bởi khuôn khổ định mức chi tiêu quá thấp do được quy định trong các thông tư ban hành từ nhiều năm trước, việc khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chỉ được áp dụng với nội dung đã có định mức kinh tế kỹ thuật nên không khuyến khích, động viên được giới khoa học.

Không chỉ xung đột trong hệ thống pháp luật liên quan, mà ngay chính trong những quy định của Nghị định 115 cũng gây nên sự bất bình đẳng giữa các đơn vị KHCN thuộc các hình thức không giống nhau. Đơn cử, quy định về quyền tự chủ đối với tổ chức KHCN công lập tự trang trải kinh phí và tổ chức KHCN công lập chưa tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên tại Nghị định 115 không có những khác biệt đáng kể. Cụ thể, các tổ chức KHCN công lập đang được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên nhưng vẫn được trao quyền tự chủ như đối với tổ chức KHCN công lập tự trang trải kinh phí. Trưởng phòng Biên chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học – Công nghệ Đinh Văn Bách cho rằng, quy định bắt buộc tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KHCN không thuộc diện được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên theo phương thức khoán phải tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên tại một thời điểm nhất định là chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi vì, khả năng tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên của tổ chức KHCN công lập phụ thuộc nhiều yếu tố.

Có thể thấy sự chưa đồng bộ giữa Nghị định 115 và các luật chuyên ngành không chỉ gây khó cho quá trình thực thi chính sách mới, mà còn cho thấy chất lượng xây dựng văn bản, từ việc rà soát văn bản cho đến đánh giá tác động. Cụ thể, nghị định này cho phép tổ chức KHCN công lập được dùng quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết, sản xuất kinh doanh, thế chấp vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, quy định này không thực hiện được, vì theo quy định của Luật Đất đai, các tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Không chỉ trong vấn đề tài chính mà ngay cả mô hình tổ chức cũng thể hiện sự mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể, Nghị định 115 cho phép tổ chức KHCN công lập được quyền thành lập, sáp nhập, giải thể các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, các tổ chức mới chỉ được tự chủ trong việc thành lập, giải thể các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân; còn đối với các đơn vị có tư cách pháp nhân, việc thành lập, giải thể vẫn thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh. Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28.6.2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục quy định thẩm quyền này.

Hay, Nghị định 115 cho phép tổ chức KHCN công lập, kể cả tổ chức chưa tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên được quyền tự chủ về nhân lực, nhưng trên thực tế cũng không thực hiện được. Bởi, theo quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập tại Luật Viên chức thì đơn vị sự nghiệp công lập không được giao quyền tự chủ về số người làm việc trong đơn vị, mà do Bộ Nội vụ phê duyệt vị trí việc làm. Điều này đã cản trở tính linh hoạt và quyền tự quyết của người đứng đầu tổ chức KHCN công lập trong việc xác định quy mô nhân sự và chất lượng cán bộ đáp ứng với phạm vi nghiên cứu và yêu cầu của nhiệm vụ chuyên môn. Ngay cả khi Luật Khoa học và Công nghệ đã cho phép bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KHCN công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài hoạt động KHCN ở Việt Nam thì cũng không thể áp dụng được vì Nghị định 115 chưa có quy định cụ thể về việc này.

Dù được ví là khoán 10 trong lĩnh vực KHCN nhưng Nghị định 115 lại đối diện với một lực cản rất lớn từ các yếu tố như cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, máy móc thí nghiệm, thử nghiệm phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn thiếu và lạc hậu, nhất là tổ chức KHCN công lập ở các địa phương. Hơn nữa, kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức KHCN công lập nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Hệ quả là, rất muốn tự chủ cũng rất khó.

Đây đều là những rào cản khiến cho không ít đơn vị lĩnh hội được tinh thần đổi mới, cơ hội của sự đổi mới, nhưng... tha thiết chuyển đổi; và không ít tổ chức có đủ khả năng tự chủ khi chuyển đổi nhưng… vẫn không chịu chuyển đổi, tiếp tục đề nghị Nhà nước bao cấp, còn các hoạt động tạo ra nguồn thu thì tự... sử dụng.

daibieunhandan.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ