Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Lập đã ngại, chi còn khó hơn
Trong số ít ỏi các doanh nghiệp thực hiện quy định trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), không nhiều doanh nghiệp dành phần tiền đó cho các dự án đổi mới công nghệ của mình do các quy định về kiểm soát chi chặt chẽ như đối với ngân sách nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước hằng năm phải trích từ 3%-10% thu nhập tính thuế
thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển KH&CN của mình. Con số này với
doanh nghiệp ngoài nhà nước tối đa là 10%.
Điều này được nêu rõ tại Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của
Chính phủ về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN. Tuy nhiên
kể từ khi có quy định, số doanh nghiệp thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tiền quỹ khó tiêu
Theo TS Đào Quang Thủy - Trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp KH&CN,
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN, hiện việc
trích quỹ phát triển KH&CN không được các doanh nghiệp hào hứng đón nhận.
Dẫn báo cáo của Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, ông Thủy cho biết, từ năm
2009 đến tháng 8/2015, tại địa phương này có 98 doanh nghiệp đã báo cáo thành
lập quỹ phát triển KH&CN (trong đó có 74 doanh nghiệp nhà nước), đã trích
lập quỹ được tổng cộng 498 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp sử dụng quỹ là 26 và mới sử dụng hết 168 tỷ đồng (chiếm
34% tổng số tiền). Trong số này có Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan
dầu khí, vào năm 2011 đã trích lập 150 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ năm 2009 đến tháng 12/2015 có 7 doanh
nghiệp thành lập quỹ, trong đó có 4 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với số tiền
khoảng 152 tỷ đồng. Trong đó, chỉ mới có 48 tỷ đồng đã được sử dụng (chiếm 32%)
và 34 tỷ đồng điều chuyển về công ty mẹ (22%). Ở Quảng Ngãi có Công ty lọc hóa
dầu Bình Sơn trích lập quỹ 150 tỷ đồng.
Qua khảo sát ông Thủy cho biết, thực tế các tập đoàn, tổng công ty nhà
nước là đơn vị có số kinh phí trích lập và sử dụng quỹ lớn nhất; nhưng điều
đáng nói là có một số tập đoàn có số trích lập quỹ lớn nhưng không sử dụng hết,
phải tiến hành hoàn nhập quỹ.
Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp caosu Việt Nam, trong giai đoạn
2009-2014 trích lập được 1.380 tỷ đồng, đã sử dụng 42 tỷ đồng và hoàn nhập quỹ
1.164 tỷ đồng (chiếm 84%).
Về cơ bản, các tập đoàn sử dụng quỹ để thực hiện các đề tài nghiên cứu,
các dự án sản xuất thử nghiệm hoặc mua sắm trang thiết bị nghiên cứu. Trong khi
đó, theo khoản 2, Điều 63 Luật KH&CN 2013, doanh nghiệp nhà nước phải trích
một tỷ lệ tối thiểu thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát
triển KH&CN. Kinh phí này dành để đầu tư nhằm đổi mới, nâng cao trình độ
công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng
hóa.
Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, TS Thủy cho biết, khi sử dụng quỹ
phát triển KH&CN của doanh nghiệp để thực hiện các đề tài, dự án KH&CN,
thông tư 15 quy định: “Đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp phải được xây
dựng và chịu trách nhiệm, tổ chức thực hiện theo những quy định của Nhà nước về
thủ tục xét duyệt, nghiệm thu (có hội đồng đánh giá đầu vào, hội đồng đánh giá
nghiệm thu kết quả đầu ra)”.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có văn bản quy định của Nhà nước về thủ tục
xét duyệt, nghiệm thu đối với các đề tài, dự án KH&CN của doanh nghiệp.
Thêm nữa, khi quyết toán kinh phí sử dụng quỹ phát triển KH&CN, cơ quan tài
chính tại một số địa phương không đồng ý các khoản chi thuộc đề tài/dự án mà
doanh nghiệp đã triển khai thực hiện. Lý do là mức chi vượt quá định mức chi
cho các đề tài/dự án có sử dụng ngân sách nhà nước theo thông tư liên tịch số
44/2007/ TTLT-BTC-BKHCN - ngày 7/5/2007.
Doanh nghiệp muốn được chủ động
Chia sẻ những khó khăn của việc trích lập quỹ phát triển KH&CN tại
các doanh nghiệp, bà Lê Thanh Hiếu - Trưởng phòng Công nghệ, Sở KH&CN Hà
Nội - cho biết, tính từ năm 2009 đến ngày 26/11/2015, Hà Nội đã có 45 doanh
nghiệp và 2 tổ chức KH&CN thành lập quỹ, phần lớn là doanh nghiệp có vốn
nhà nước.
“Quỹ này trực thuộc doanh nghiệp, nhưng lại không có pháp nhân độc lập.
Chính vì thế doanh nghiệp không chi được quỹ. Thực tế cho đến nay, Hà Nội chưa
nhận được báo cáo nào của doanh nghiệp về việc sử dụng quỹ để đổi mới công
nghệ” - bà Hiếu thẳng thắn nêu.
Một số doanh nghiệp từng phản ánh, việc sử dụng quỹ phát triển KH&CN
giống như sử dụng ngân sách nhà nước với thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ, rất
khó chủ động. Trong thời hạn 5 năm kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu không
sử dụng hết 70%, doanh nghiệp phải quay trở lại đóng thuế cho khoản kinh phí đã
trích lập. Điều này khiến họ rất ngại ngần.
Theo TS Thủy, quan điểm của phần lớn doanh nghiệp trích lập quỹ phát
triển KH&CN là: Tiền đầu tư của doanh nghiệp phải do doanh nghiệp quyết
định sử dụng, nhưng lúc sử dụng lại giống như dùng ngân sách nhà nước với những
thủ tục kiểm soát chi chặt chẽ, khiến doanh nghiệp không chủ động được khi dùng
quỹ.
Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn này đang được xem là điểm cốt yếu để
doanh nghiệp hào hứng hơn, thấy rõ được ý nghĩa của việc trích lập quỹ phát
triển KH&CN.
“Cần phải làm rõ và có những quy định cụ thể về việc sử dụng quỹ để tháo
gỡ những vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp, như vậy mới mong khơi thông dòng
chảy này” - bà Hiếu đề xuất.