UBTVQH giám sát về phát triển KHCN: Tự chủ là vấn đề sống còn
Đó là khẳng định của hầu hết thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH khi khảo sát, làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh mới đây về Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy CNH - HĐH giai đoạn 2005 - 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới.
Loay hoay tự chủ
Tự chủ là vấn đề sống còn
với những tổ chức khoa học và công nghệ khi bước vào nền kinh tế thị trường.
Nếu như chúng ta vẫn bao cấp theo cách trước đây, Nhà nước hỗ trợ cho các tổ
chức khoa học và công nghệ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên theo biên
chế, chắc chắn sự ỷ lại, sự trì trệ rất lớn. Do đó, tôi mong muốn các tổ
chức, đơn vị thay đổi nhận thức vượt qua khó khăn, tạo ra các sản phẩm có giá
trị, khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, nâng cao
đời sống người lao động, góp phần CNH - HĐH đất nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên
UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng
|
Nằm ở vị trí đắc địa giữa thị xã Quảng Yên, hiện đang quản lý gần 52ha
đất, thế nhưng Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản, thuộc Sở
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh lại đang rơi vào tình trạng
“chết yểu” bất cứ lúc nào. Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Quang Huy: Hàng chục
năm nay, Trung tâm đã nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thành công
nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho cả nước, giúp bà con
sớm ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai
các nhiệm vụ quan trắc cảnh báo môi trường và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi
trồng thủy sản. Tuy nhiên, từ năm 2015, Trung tâm phải chuyển sang cơ chế tự
chủ, tự chịu trách nhiệm, rất khó khăn về tài chính, nguồn thu không đủ trả
lương, hiện có khoảng 16 người không có lương, nguy cơ rời bỏ Trung tâm, ông Nguyễn
Quang Huy trăn trở.
Còn Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh lại
có cái khó riêng, đó là chọn chuyển đổi sang hoạt động tự chủ, tự chịu trách
nhiệm hay sang Công ty cổ phần. Giám đốc Trung tâm Khoa học và Sản xuất lâm
nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thái Duy cho biết: Khi nghe đến chuyện này,
anh em trong cơ quan cũng nhiều tâm trạng lắm. Chính vì hai chữ “viên chức” mà
đã có một người xin thôi việc, hai kỹ sư có nghề cũng xin chuyển đi nơi khác”,
một số người lao động hợp đồng lâu năm, đang phấn đấu để trở thành viên chức
cũng đang ngỏ ý chia tay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tuyên truyền, vận động
anh chị em tiếp tục vượt khó. “Dù ở mô hình nào cũng xác định phát triển KH -
CN là nhiệm vụ chiến lược, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh hoạt động nghiên
cứu khoa học với sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất
lượng cao, có sức cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của thị trường” - ông Nguyễn
Thái Duy khẳng định.
Người đứng đầu phải có tư duy đổi mới
Cơ bản chia sẻ với những khó khăn của các tổ chức, song, hầu hết thành
viên Đoàn giám sát nhấn mạnh: Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
công lập là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Cơ chế, chính sách này nhận
được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành khi “cởi trói” cho các đơn vị sự
nghiệp công lập phát triển, đồng thời giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà
nước. Điều quan trọng là người lãnh đạo tổ chức, đơn vị phải có năng lực, quyết
tâm coi tự chủ là vấn đề sống còn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và
Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết: Thực tế, đã có nhiều đơn vị lúng túng,
hoang mang khi chuyển đổi sang cơ chế hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó là tư duy bao cấp, sự trông chờ vào “bầu sữa” ngân sách đã ăn quá
sâu trong nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các đơn vị.
Đồng quan điểm, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Thị Hoàng bày tỏ: So với các đơn
vị khác ở Quảng Ninh, Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thủy sản
đang có nhiều lợi thế. Trung tâm có 34 kỹ sư, thạc sĩ nuôi trồng thủy sản, có
phòng thí nghiệm; 3 trại sản xuất giống, đặc biệt đang sở hữu hơn 52ha
đất, trong đó có khoảng hơn 20ha mặt nước rất thuận lợi cho việc nghiên cứu thử
nghiệm sản xuất giống thủy sản. Đây là tiền đề về mặt hạ tầng cơ sở để Trung
tâm có thể triển khai các dịch vụ sau khi chuyển đổi. Thực tế đã có nhiều tổ
chức, doanh nghiệp sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, doanh thu đều tăng
cao. Điều quan trọng người lãnh đạo phải có tư duy đổi mới quyết liệt, vì lợi
ích chung, Trưởng đoàn Đỗ Thị Hoàng nhấn mạnh. Từng có nhiều năm gắn bó với các
doanh nghiệp, Phó Trưởng ban Dân nguyện Trần Văn Minh chia sẻ: Kinh nghiệm lớn
nhất trong công tác quản lý, điều hành khi chuyển sang cơ chế tự chủ chính là
câu chuyện về thay đổi nhận thức của người lãnh đạo. Nếu tổ chức đó năng động,
họ sẽ tranh thủ được nguồn kinh phí hỗ trợ rất lớn từ ngân sách nhà nước, đồng
thời thu hút được nguồn đầu tư của xã hội, doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, hiện một số bộ,
ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức đúng về tự chủ. Khái niệm tự chủ ở đây có
nghĩa là các tổ chức công lập sẽ tự nuôi sống mình nhờ hình thức khoán dựa trên
kế hoạch làm nhiệm vụ chuyên môn, hay nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của
tổ chức, thay vì cấp khoán kinh phí theo đầu biên chế của tổ chức. Với các tổ
chức KHCN công lập chưa tự trang trải được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên
(do nhiệm vụ không mang lại nguồn thu tự thân, hoặc nguồn thu không đủ để bù
chi - PV) thì Nhà nước sẽ cấp bù phần kinh phí còn thiếu qua nhiệm vụ thường
xuyên theo chức năng để bảo đảm hoạt động thường xuyên của tổ chức. Tất nhiên,
các nhiệm vụ cần trải qua đầy đủ các quy trình xét duyệt, giám sát, nghiệm thu
để bảo đảm minh bạch và hiệu quả.