Cần thay đổi cách thức quản lý nghiên cứu và đầu tư cho khoa học
Để khuyến khích các nhà khoa học tăng số lượng công bố các công trình khoa học, Phó chủ nhiệm (PCN) Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh cho rằng, cần thiết phải thay đổi các thức về quản lý khoa học, đầu tư cho khoa học để sao cho các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực khoa học cơ bản có thể thực sự yên tâm đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực chuyên môn.
- Thưa Phó chủ nhiệm, nhóm dự án Trắc lượng Khoa học Việt Nam đã công bố
bảng thống kê ISI - là những bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học được
công nhận bởi Viện Thông tin Khoa học - Institute for Scientific Information -
ISI của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) giai đoạn 2011-2015. Theo
đó, tổng cộng số lượng bài báo công bố ISI của VASS trong 5 năm qua là 22 bài.
Phó chủ nhiệm đánh giá như thế nào về con số này?
- PCN Lê Bộ Lĩnh: Tôi cũng chưa biết độ tin cậy của
khảo sát này như thế nào nhưng qua thông tin này cũng có thể nhìn nhận mức độ
công bố quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) vẫn còn khiêm
tốn. Với mức độ công bố quốc tế thấp như thế cũng phản ánh mức độ hội nhập quốc
tế về khoa học xã hội của nước ta chưa cao và việc quan tâm đến việc nâng cao
chất lượng các công trình nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa được quan
tâm đúng mức. Đây là một vấn đề rất lớn đặt ra cho khoa học nước ta, trong đó
có khoa học xã hội trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu và đạt được nhiều
thành tựu trọng hội nhập quốc tế.
- Vậy, để được giới hàn lâm quốc tế đánh giá cao thì những công trình
khoa học của Việt Nam cần được nhìn nhận với những phương pháp nào, thưa Phó
chủ nhiệm?
- PCN Lê Bộ Lĩnh: Đúng là những nghiên cứu cơ bản có
thể đưa ra công bố quốc tế là rất khó, bởi nó đòi hỏi đó phải là những
công trình có những đóng góp mới, những phát kiến mới về tri thức khoa học.
Muốn như vậy những nghiên cứu của chúng ta cũng phải đặt trên những chuẩn mực
hết sức khắt khe, cơ bản lâu dài và phải có một định hướng đầu tư dài hạn, rõ
ràng hơn để cho những người làm công tác nghiên cứu cơ bản có điều kiện tập
trung vào nghiên cứu theo hướng chuyên môn chứ không chỉ đơn thuần là theo các
đề tài, dự án. Tôi cho rằng mô hình quản lý nghiên cứu cơ bản như vừa qua là
một bước tiến rất tốt trong việc quản lý, nghiên cứu khoa học cơ bản và hướng
các nhà khoa học vào lĩnh vực chuyên môn mà họ có điều kiện đi sâu. Như vậy,
chỉ khi nào tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung vào lĩnh vực chuyên
môn sâu của mình, nắm bắt được xu hướng phát triển của lĩnh vực đó và trên thế
giới thì mới có được sự thừa nhận quốc tế về kết quả nghiên cứu.
- Theo Phó chủ nhiệm, hạn chế lớn nhất trong công bố quốc tế của các nhà
khoa học Việt Nam hiện nay là gì?
- PCN Lê Bộ Lĩnh: Tôi cho rằng hạn chế lớn nhất của
nước ta trong việc công bố quốc tế, hay nói cách khác là được quốc tế thừa nhận
là hội nhập quốc tế về nghiên cứu của nước ta vẫn còn thấp. Hạn chế này đòi hỏi
các nhà khoa học phải tự nâng mình lên, phải có trình độ kiến thức, trình độ
ngoại ngữ đủ khả năng hội nhập, giao lưu với các nhà chuyên môn trên thế giới.
Đồng thời, về mặt quản lý nhà nước phải tạo điều kiện cho các nhà khoa
học tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế, tham gia các trao đổi chuyên môn
một cách thường xuyên hơn, chứ không đơn thuần là tập trung vào việc giám sát,
rút kinh nghiệm hay đi trao đổi. Theo đó, phải tạo điều kiện cho các nhà khoa
học thực sự tham gia vào không khí học thuật thông qua việc nghiên cứu tại nước
ngoài, trao đổi với các nhà khoa học nước ngoài trên các diễn đàn trong nước và
quốc tế. Như vậy các nhà khoa học sẽ có điều kiện vươn lên trình độ với các nhà
chuyên môn trong nước và quốc tế.
- Ngoài giải pháp là tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn để các nhà
khoa học Việt Nam có thể tiếp cận được với trình độ quốc tế, theo Phó chủ nhiệm
chúng ta phải có những chính sách, giải pháp gì để khuyến khích các nhà khoa học
tăng số lượng công bố các công trình khoa học?
- PCN Lê Bộ Lĩnh: Như tôi nói, nước ta cần thiết phải
thay đổi các thức về quản lý khoa học, đầu tư cho khoa học để sao cho các nhà
khoa học, nhất là các nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực khoa học cơ bản có thể
tập trung chuyên môn. Ngay cả việc phân bổ kinh phí hay việc tiếp cận các nguồn
lực để thực hiện các đề tài nghiên cứu thì chúng ta cũng cần tạo điều kiện
thuận lợi cho nhà khoa học thực hiện những nghiên cứu lâu dài, những nghiên cứu
theo hướng chuyên môn của mình, chứ không phải chỉ tập trung vào những nghiên
cứu mang tính đòi hỏi. Bởi nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu cơ bản thì
ngay chính bản thân nhà khoa học cần phải hiểu được xu hướng phát triển, kiến
thức, lĩnh vực… với những kiến thức mới nhất về khoa học cơ bản thì mới có thể
xác định được điểm nhấn cho đề tài và từ đó đi sâu nghiên cứu. Do đó trong quản
lý khoa học, nhất là quản lý đối với lĩnh vực nghiên cứu cơ bản nhất định phải
có những thay đổi để các nhà khoa học thực sự yên tâm có thể đi sâu vào các
lĩnh vực chuyên môn.
- Xin cảm ơn Phó chủ nhiệm!