SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ngân sách tiêu tốn cho các hội hàng chục ngàn tỷ

[08/07/2016 08:40]

Năm 2015, ngân sách tiêu tốn các tổ chức Hội hàng chục ngàn tỷ đồng song chất lượng hoạt động của các Hội vẫn chưa tốt.

Ngày 7/7, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Môi trường pháp lý cho các tổ chức xã hội – nhu cầu đặt ra đối với Luật về Hội”.

Hiện nay VN có hàng loạt hội đoàn như Hội Nhà văn, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Người cao tuổi, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Luật gia, Liên minh các hợp tác xã VN…

Theo số liệu được cung cấp tại Hội thảo, hiện cả nước có 500 Hội, tổ chức phi chính phủ có phạm vi toàn quốc, hơn 4.000 hội, tổ chức phi chính phủ có phạm vi cấp tỉnh và hàng vạn hội, tổ chức phi chính phủ ở phạm vi huyện, xã…

Ngoài 6 tổ chức chính trị xã hội không thuộc đối tượng áp dụng của Luật về hội, còn 8.792 hội có tính chất đặc thù được Nhà nước đảm bảo về nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất.

Chỉ trong 10 năm trở lại đây, số lượng Hội tăng trung bình gấp 2 lần so với 30 năm trước. Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế.

Hiến pháp quy định công dân VN có quyền lập hội. Còn thực tế, tổng ngân sách nhà nước mỗi năm ước chi cho các hội - đoàn thể lên tới khoảng 14.000 tỉ đồng, theo số liệu cuối năm 2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách.

Nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600-68.100 tỉ đồng (tương đương 1-1,7% GDP).

“Kinh phí trên là tính cả chi phí cơ hội, như Tổng liên đoàn Lao động VN có hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn…” - TS Hoàng Ngọc Giao, viện trưởng Viện Chính sách pháp luật và phát triển nói.

Hoạt động Hội phân tán, rời rạc

Đánh giá cao những đóng góp tích cực của Hội hiện nay nhưng ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của hội như chưa phát huy đầy đủ chức năng, vai trò, bị “hành chính hóa”, hạn chế khả năng thu hút quần chúng... Đặc biệt, nhiều hội chưa thực hiện nghiêm 3 nguyên tắc tổ chức hoạt động tự nguyện, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm.

Cùng với đó, tổ chức hội có tính áp đặt hệ thống từ cấp trên T.Ư, không thực sự xuất phát từ nhu cầu của quần chúng và điều kiện địa phương, thiếu tính độc lập của các hội, Tổ chức phi chính phủ; Các cơ chế pháp lý quy định việc tư vấn, phản biện, giám sát của các Tổ chức phi chính phủ chậm được quy định nên hiệu quả trên các lĩnh vực này còn bị hạn chế…

Đánh giá về việc xây dựng dự thảo Luật về hội, GS.Nghiêm Vi Khải – nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng, dù chưa có Luật về Hội nhưng các hội vẫn thành lập và hoạt động bình thường nhưng “không chính danh”.

“Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc quản lý hội không phải cho các tổ chức vào một cái hộp và cựa quậy trong đó, mà là xây dựng khung pháp lý để bảo đảm quyền tự do lập hội của người dân” – ông Khải nói.

TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng, quyền lập hội của nhân dân bị hạn chế đáng kể với các quy định trong dự thảo áp đặt mô hình tổ chức và hoạt động hội theo kiểu “một doanh nghiệp cổ phần”, gây ra khó khăn, rườm rà và làm mất động lực thành lập hội của nhân dân.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - nguyên vụ trưởng Vụ Các tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ cho rằng, Luật về hội đã được xây dựng vào đầu năm 1990 của thế kỷ trước nhưng sau 20 năm chưa ban hành được. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân “chúng ta chưa nhận thức rõ vai trò của các tổ chức phi chính phủ”. Để luật lần này “đi đến đích” trong Quốc hội khóa XIV, ông Lâm kiến nghị: nâng cao nhận thức vì phát triển hội thực chất là phát triển các tổ chức của dân, thực hiện quyền làm chủ của dân.

Ông khẳng định, cần nghiên cứu toàn diện về hội và các tổ chức phi chính phủ của VN để đánh giá chính xác về số lượng, các chính sách cũng như hiệu quả hoạt động… của các hội, lấy đó làm cơ sở xây dựng Luật về hội.

Luật về Hội là một dự luật có số phận khá thăng trầm. Vốn có mục đích luật hóa Sắc lệnh số 102 năm 1957, cách đây đã 60 năm, dự thảo lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội bàn năm 2006 nhưng đã phải rút về. Từ đó đến nay, 15-16 lần sửa, dự thảo luật về Hội vẫn còn quá nhiều vấn đề tranh cãi, "nâng lên đặt xuống khoảng 25 năm.

baodatviet.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ