Nghiên cứu khoa học trong trường đại học: Vẫn còn yếu kém
Ở các nước, công tác nghiên cứu khoa học trong trường đại học rất quan trọng, thậm chí mang ý nghĩa sống còn. Trong khi đó, mặc dù đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có trường thuộc top 200 đại học tốt nhất thế giới nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học nước ta vẫn còn yếu kém.
Khiêm tốn cả ở trong khu vực
Những phân tích trong nước và quốc tế cho thấy, số lượng ấn phẩm khoa
học Việt Nam còn rất khiêm tốn khiến cho những ai quan tâm đều cảm thấy lo
lắng. Không chỉ so với các nước tiên tiến trên thế giới, có nền tảng khoa học
phát triển lâu năm mà ngay cả với các nước trong khu vực Đông Nam Á, số lượng,
chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng ở
hàng thấp nhất.
Bên lề Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” diễn ra tại TP Quy
Nhơn, Bình Định ngày 7.7, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, mức độ nghiên cứu khoa học
ở các trường đại học Việt Nam còn yếu, dễ kéo lùi sự phát triển đất nước. Theo
ông, ngoài một số trường đại học, học viện lớn, mức độ nghiên cứu khoa học ở
phần lớn các trường đại học hiện nay còn yếu. Chất lượng sinh viên tốt nghiệp
thấp nên các trường không được xếp thứ hạng cao so với các nước trên thế giới.
Theo chủ nhân huy chương Fields năm 2010, trung bình mỗi năm, Việt Nam chi 3
- 4 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu sinh, du học ở nước ngoài, tuy nhiên lại
thiếu linh hoạt trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về nước làm việc.
Mặc dù Việt Nam cũng có nhiều công trình nghiên cứu xứng đáng chia sẻ
với cộng đồng khoa học thế giới nhưng đáng tiếc là cho đến nay các công trình
đó vẫn loanh quanh trong các báo cáo nghiệm thu, đóng gói không chia sẻ, hoặc
công bố trên những tạp chí trong nước chưa được quốc tế công nhận. Điều này quả
thực là một thiệt thòi cho khoa học nước nhà.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên có thể kể đến như: phân phối ngân
sách cho nghiên cứu chưa thỏa đáng, rào cản về ngôn ngữ, nhận thức chưa đầy đủ về
tầm quan trọng của công bố quốc tế, thiếu kinh nghiệm và chưa có thói quen (văn
hóa) công bố nghiên cứu. Ngoài ra, chính sách đãi ngộ, khuyến khích nhà khoa
học công bố kết quả nghiên cứu ra quốc tế còn thiếu, những tập san khoa học
trong nước bằng tiếng Anh rất ít, những chuẩn mực đánh giá hiệu quả khoa học
phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế chưa xác lập được...
Linh hoạt trong thu hút chất xám
Để khắc phục tình hình trên, GS. Ngô Bảo Châu đề xuất, các trường đại
học hoặc cơ quan nhà nước không nên cứng nhắc dừng lại ở “mức lương khởi
nghiệp” khi tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Hầu hết trí thức học tập ở nước
ngoài khi về nước đều quan tâm đến môi trường làm việc và tương lai được bảo
đảm như thế nào... Vì thế, các trường đại học và cơ quan nhà nước cần có cơ chế
linh hoạt, cạnh tranh tích cực để thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng
cao (dù được đào tạo trong nước hay nước ngoài). Nghiên cứu khoa học không thể
thực hiện nếu không có nghiên cứu sinh. Thực tế, Việt Nam mới cấp học bổng hỗ
trợ nghiên cứu sinh làm luận án ở nước ngoài, còn trong nước vẫn thiếu chính
sách đãi ngộ. “Khi chưa chú trọng nghiên cứu khoa học, chưa có cơ chế đãi ngộ
tuyển dụng, giảng viên chuyên môn giỏi cho các trường đại học, việc đào tạo
nguồn nhân lực khó bảo đảm chất lượng, nguy cơ đất nước thụt lùi rất lớn”, GS
Ngô Bảo Châu nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, cần đưa các môn về kỹ năng nghiên cứu
khoa học với nội dung cập nhật vào giảng dạy ở mọi cấp bậc đào tạo ở trường đại
học. Theo đó, Bộ GD - ĐT cần lập ra một dự án để xây dựng chương trình giảng
dạy về phương pháp nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học. Ngoài ra, các
chuyên gia nước ngoài cũng cần được mời về để giúp các trường trong việc cập
nhật những kiến thức và cách thức xây dựng các môn học này.
Đào tạo lại về phương pháp nghiên cứu khoa học cho các giảng viên của
nhà trường là một biện pháp khác được đề xuất. Từng bước đào tạo lại về phương
pháp nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế cho giáo viên. Có thể yêu cầu
giảng viên phải có chứng chỉ về phương pháp nghiên cứu khoa học mới được đứng
lớp. Trong chương trình dạy, giảng viên cần tăng cường yêu cầu sinh viên viết
tiểu luận theo đúng cách viết bài nghiên cứu. Như vậy cả giáo viên và sinh viên
sẽ có điều kiện thực tập viết bài, chuẩn bị cho nghiên cứu khoa học sau này.