SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Việt Nam cần phát triển khoa học sự sống

[11/07/2016 09:15]

Đó là ý kiến của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu tại Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 12” diễn ra ngày 7.7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Mở đầu bài phát biểu của mình, thay mặt cộng đồng khoa học Việt Nam, GS Nguyễn Văn Hiệu đã gửi lời cảm ơn tới các vị lãnh đạo, các nhà khoa học có danh tiếng trên thế giới, các vị khách quý và đồng nghiệp đã đến dự hội nghị để khuyến khích, động viên giới khoa học Việt Nam  tăng cường nghiên cứu cơ bản nhằm mục đích phục vụ xã hội.

Theo GS Nguyễn Văn Hiệu, Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế. Nhờ quá trình này mà công nghệ cao ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Song, để làm cơ sở cho sự phát triển của công nghệ cao, chúng ta cần tăng cường nghiên cứu cơ bản.

Vậy, cần phát triển khoa học cơ bản gì ở Việt Nam, ngành khoa học nào góp phần mang lại lợi ích về sức khỏe, đời sống, kinh tế,… cho nhân dân khi hàng loạt vấn đề cùng tồn tại như tình trạng bệnh tật tràn lan, bệnh viện quá tải; yêu cầu cấp thiết là phải tạo ra những giống cây con đặc sản xuất đi các nước của một nước nông nghiệp như chúng ta và  muốn phát triển các ngành công nghiệp thì phải sản xuất được những loại vật liệu có chất lượng cao, tính năng hoàn toàn mới; các vấn đề của biến đổi khí hậu khi Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động mạnh nhất của biên đổi khí hậu; làm sao để có những sản phẩm nông nghiệp xuất sắc xuất khẩu;…

Trả lời câu hỏi trên, GS Nguyễn Văn Hiệu cho rằng, Việt Nam rất cần phát triển ngành khoa học sự sống. "Thực tế, nhiều năm nay, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ đã rất chú trọng phát triển khoa học về sự sống. Chúng ta đang trong quá trình công nghiệp, muốn công nghiệp phải có vật liệu. Công nghệ vật liệu và khoa học về vật liệu gắn liền với nhau. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2002 đã sáng suốt mở ra hướng nghiên cứu ưu tiên về công nghệ nano, khoa học nano của Việt Nam”, GS Nguyễn Văn Hiệu cho biết.

Trước thực trạng nhiều tỉnh Nam Trung Bộ nước ta đang phải chống chọi với những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu, ông cho rằng những vấn đề khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu phải là ưu tiên của Việt Nam. Cộng đồng khoa học trong và ngoài nước có thể đến đây nghiên cứu, tìm ra được các quy luật, phổ biến cho các nước khác. “Chúng tôi sẵn sàng về đây cùng các nhà khoa học nghiên cứu những vấn đề nóng hổi của khoa học cơ bản”, GS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định.

Ông cũng bày tỏ niềm tin, Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” sẽ thúc đẩy sự phát triển khoa học cơ bản ở Việt Nam. Đồng thời mong rằng “tại hội nghị lần này sẽ được nghe nhiều ý kiến góp ý, lời khuyên của bạn bè đồng nghiệp thế giới, của cộng đồng khoa học Việt Nam, để báo cáo với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, báo cáo với Chính phủ để có hướng đi rõ rệt cho nghiên cứu cơ bản".

daibieunhandan.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ