Cần thiết lập các viện nghiên cứu xuất sắc hoạt động theo cơ chế tự chủ
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.2016, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đề xuất giải pháp đẩy mạnh đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực KHCN trình độ cao trong nước. Xung quanh vấn đề này, PV báo ĐBND đã trao đổi với TS Lê Hoàng Sơn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực KHCN nước ta hiện nay?
TS Lê Hoàng Sơn: nước ta đã và đang có nhiều cán bộ
trẻ đã từng tu nghiệp ở nước ngoài về có trình độ và chuyên môn tốt, có nhiều
công trình nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới hay có
những sản phẩm KHCN có đăng ký bản quyền. Các giáo sư và chuyên gia đầu ngành
của ta hiện đang làm việc trong các hội đồng khoa học quốc gia cũng như các
trường đại học lớn của cả nước.
Tuy nhiên, với nguồn nhân lực hiện tại chưa đủ cho việc thực hiện
các nhiệm vụ KHCN có tính đột phá và sáng tạo cao. Bởi trước hết, số cán bộ và
chuyên gia đầu ngành về hưu ngày càng nhiều, hiện nay chúng ta đang trong thời
điểm chuyển giao giữa lớp cán bộ lớn tuổi và lớp trẻ. Một lượng lớn các cán bộ
đầu ngành được nhà nước cử đi Liên Xô học đã và đang về hưu, tạo nên khoảng
trống trong thế hệ lãnh đạo và dẫn dắt lớp trẻ định hướng nghiên và phát triển
KHCN.
Đi cùng với đó, các cán bộ trẻ từ nước ngoài về còn lạc lõng, chưa tìm
được tiếng nói chung với đồng nghiệp trong nước. Thực tế này xuất phát từ nhiều
nguyên nhân khác nhau như điều kiện và môi trường làm việc còn cách biệt, thiếu
định hướng phát triển khoa học tổng thể quốc gia, dẫn đến lãng phí tài nguyên
chất xám và nhân lực KHCN.
Từ những nguyên nhân trên dẫn đến lực lượng khoa học trẻ buộc phải thay
đổi định hướng làm việc, không gắn bó chặt chẽ với khoa học. Một số cán bộ trẻ
còn tâm huyết làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu khá ít ỏi.
Cùng với thế hệ cán bộ đầu ngành đang dần hao hụt. Vì vậy, việc thay đổi
thực trạng trên để nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và
phát triển KHCN là ưu tiên cấp thiết của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới
để đưa kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế thuần công-nông nghiệp như hiện nay
chuyển sang nền kinh tế tri thức như các nước phát triển đã và đang làm.
- Xin ông cho biết, đâu là những giải pháp quan trọng mà Việt
Nam có thể học hỏi từ các quốc gia phát triển trong việc đào tạo, xây dựng đội
ngũ nhân lực KHCN chất lượng cao?
TS Lê Hoàng Sơn: Kinh nghiệm của các quốc gia có nền
KHCN phát triển cũng như đội ngũ nhân lực KHCN chất lượng cao cho thấy, trước
hết cần có chính sách phát triển KHCN quốc gia, tập trung vào một số ngành
và lĩnh vực mũi nhọn có thể tạo ra sản phẩm chiến lược đủ sức cạnh tranh với
thế giới. Bài học về Samsung ở Hàn Quốc là một ví dụ.
Thứ hai, chuyển giao toàn bộ kinh phí nghiên
cứu KHCN cho các Quỹ quản lý và thực hiện tuyển chọn các đề tài theo các chính
sách phát triển quốc gia như ở trên. Bộ KHCN và các Bộ liên quan chỉ có vai trò
quản lý nhà nước về hoạt động KHCN. Các trường đại học và viện nghiên cứu có
thể thực hiện đề xuất các đề tài lên Quỹ theo định hướng.
Thứ ba, thiết lập các trung tâm, viện
nghiên cứu xuất sắc (Center of Execellent – CoE) và đặt hàng các trung tâm này
thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo các đề tài, định hướng của chính sách
phát triển KHCN quốc gia. Thiết lập cơ chế trả lương và khoán riêng cho các
viện này theo năng lực chuyên môn và đóng góp chứ không theo thang bậc của
công, viên chức. Tạo môi trường trao đổi học thuật và phát triển khoa học trong
trung tâm. Dần đưa các CoE theo mô hình tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm.
Thứ tư, thiết lập mối liên hệ giữa các CoE
và các công ty lớn trong nước trong việc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển
sản phẩm theo dạng CoE sẽ tạo ra các nguyên mẫu (prototype) sản phẩm và công ty
sẽ làm nốt khâu sản xuất lớn (mass production) cho sản phẩm để đến với khách
hàng. Một phần lợi nhuận của sản phẩm sẽ được gửi lại cho CoE để phát triển
nghiên cứu và đóng thuế cho nhà nước để quay hồi vốn nghiên cứu của các Quỹ.
Làm được điều này sẽ tránh cấp phát quá nhiều biên chế cho các CoE như các trường
đại học và viện hiện đang làm.
Thứ năm, thiết lập cơ chế và chính sách cho
các cán bộ của các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước cộng tác với
các CoE để tổng hợp sức mạnh chất xám trong cả nước đóng góp cho sự nghiệp phát
triển chung.
- Vậy để xây dựng các nhóm nghiên cứu giỏi và hình thành các mô
hình trung tâm, viện nghiên cứu xuất sắc CoE như ông vừa đề cập, chúng ta cần
phải bắt đầu từ đâu?
TS Lê Hoàng Sơn: Theo tôi, đầu tiên cần mời các nhà
khoa học đầu ngành trong từng lĩnh vực có thể ở trong nước hoặc nước ngoài về
làm trưởng các nhóm nghiên cứu mạnh.
Cùng với đó, giao các điều kiện, định hướng và mục tiêu phát triển cho
từng nhà khoa học đầu ngành đó để họ xây dựng và tạo lập nhóm nghiên cứu.
Tiếp đó, tập hợp các nhóm nghiên cứu mạnh này trong một CoE, trong đó
các trưởng nhóm sẽ là thành viên của hội đồng tư vấn CoE (Board of Trust). Đứng
đầu CoE có thể không phải là người làm khoa học mà là một quản lý giỏi, hoặc từ
Bộ KHCN.
Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế và chính sách cho các cán bộ của các
trường đại học và viện nghiên cứu trong nước cộng tác với các CoE để tổng hợp
sức mạnh chất xám trong cả nước đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung.
- Ngoài các giải pháp như đã nêu, việc tăng cường giao lưu, học tập
kinh nghiệm với các viện trường, các nhà khoa học quốc tế cũng sẽ góp phần nâng
cao năng lực cho đội ngũ nhân lực KHCN trong nước, thưa ông?
TS Lê Hoàng Sơn: Đúng vậy, để phát triển đội
ngũ nhân lực KHCN trình độ cao trong nước thì chúng ta có thể thực hiện các
hướng: Mời các giáo sư, chuyên gia đầu ngành nước ngoài về lãnh đạo nghiên cứu
và tập hợp cán bộ trẻ trong nước tham gia nghiên cứu cùng để nắm bắt quy trình
và quy chuẩn làm việc.
Cử các cán bộ trẻ đi tu nghiệp, học Tiến sĩ và sau Tiến sĩ ở nước ngoài.
Cuối năm 2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đào tạo, bồi
dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách
nhà nước. Cần phải triển khai đề án này làm sao có hiệu quả thực chất.
Hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu danh tiếng trên thế
giới trong các chương trình nghiên cứu chung. Qua đó, tăng cường chất lượng đội
ngũ khoa học.
- Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp có trách nhiệm và trở thành
một nhân tố quan trọng của quá trình đào tạo đội ngũ nhân lực KHCN?
TS Lê Hoàng Sơn: Cần thiết lập mô hình kết hợp Qũy –
CoE – doanh nghiệp. Trong đó, bắt buộc các doanh nghiệp khi đăng ký tham gia
các đề tài dự án trong chương trình quốc gia, cần có hợp tác thực với các CoE
và các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước trong quá trình phát triển
sản phẩm.
Triển khai chương trình cử cán bộ khoa học tham gia làm việc thực tế tại
doanh nghiệp trong vai trò cố vấn/ trưởng nhóm dự án để tăng kinh nghiệm thực
tiễn và kết nối công nghệ.
Đặc biệt, cần áp dụng môn thực tập doanh nghiệp trong học phần đại học
chính quy của các trường đại học.
- Xin cảm ơn ông!