SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết nối giữa tổ chức nghiên cứu và kinh doanh: Nhà khoa học đã có tinh thần doanh nghiệp

[20/07/2016 08:52]

Triết lý “chủ động chìa tay với doanh nghiệp” của ĐH Bách khoa Hà Nội hay quyết định của sếp Kova tự kinh doanh chính kết quả nghiên cứu của mình cho thấy các nhà khoa học ngày nay đã có tinh thần doanh nghiệp, luôn trăn trở tìm cách biến tri thức thành hàng hóa.

Đường ra thị trường của sơn chống cháy, gạch chống thấm

PGS-TS La Thế Vinh - Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội - kể: “20 năm trước, khi Việt Nam chưa có gạch men tốt như hiện nay, gạch bông Bách Khoa đã được quảng cáo rầm rộ trên truyền hình. Tuy nhiên sau đó, vấn đề chống thấm xuất hiện như một bài toán làm đau đầu giới xây dựng”.

Để giải bài toán này, Đại học Bách khoa đã nghiên cứu và chế tạo thành công các chất chống thấm có thể phủ lên gạch bông. Thấy đây có thể là sản phẩm “ăn khách”, họ tìm đến doanh nghiệp để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Lý giải việc nhà khoa học đi tìm doanh nghiệp, ông Vinh cho biết, giai đoạn 1989-1990 có rất ít doanh nghiệp tư nhân. Trong cơ chế bao cấp, đổi mới không phải là vấn đề thôi thúc doanh nghiệp nhà nước. Với doanh nghiệp tư nhân, lo ngại lớn nhất là chất lượng sản phẩm không đủ sức cạnh tranh, thế nên khi có nhà khoa học đứng ra giải quyết bài toán đó, họ sẽ sẵn sàng bắt tay.

“Nhà khoa học phải chìa tay ra trước, tìm đầu ra cho nghiên cứu của mình” - ông Vinh nói. Cách đi này đã giúp cho gạch bông, sơn và vật liệu chống thấm Bách Khoa một thời nổi đình nổi đám bởi chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Cũng sớm “kết duyên” với doanh nghiệp là sơn chịu nhiệt và chống cháy của Viện Kỹ thuật hóa học. Có điều với sản phẩm này, chính doanh nghiệp chủ động tìm nhà khoa học. Ông Vinh cho biết, rất nhiều doanh nghiệp đưa ra lời mời gọi hấp dẫn khi sơn chịu nhiệt và chống cháy được nghiên cứu thành công.

Công ty cổ phần thương mại và sản xuất hóa chất thiết bị Thịnh Quang - với ưu thế về mặt bằng, thiết bị và tài chính - đã được chọn tham gia dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ thuộc chương trình KC.02 giai đoạn 2011-2015.

“Sản phẩm thu được từ dự án là dây chuyền sản xuất sơn vô cơ chịu nhiệt bán tự động công suất 100.000kg/năm. Sơn đạt tiêu chuẩn, thân thiện môi trường. Sản phẩm này đã bắt đầu xuất khẩu ra thế giới” - PGS Vinh chia sẻ.

Nhà khoa học tự kinh doanh

Để kết quả nghiên cứu nhanh chóng đi vào phục vụ cuộc sống, còn một con đường khác là nhà khoa học kinh doanh chính thành quả của mình. PGS-TS Nguyễn Thị Hòe - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova, nguyên giảng viên chuyên ngành hoá của Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TPHCM - là một ví dụ điển hình.

Bà quyết định tự kinh doanh sản phẩm sơn chống thấm do mình nghiên cứu bằng cách lập công ty riêng. Tên công ty và sản phẩm đều đặt theo giải Kovalevskaya mà bà được trao. Ban đầu, sơn đựng trong can, sau này mới in nhãn hiệu và đựng trong thùng để kinh doanh. Năm 1996, bà Hòe còn hợp tác với Vinaconex, thành lập liên doanh Kova - Vinaconex Hà Nội với tư cách trung tâm nghiên cứu.

“Nếu nhà khoa học chỉ nghiên cứu mà không ứng dụng sản xuất thì không thành công. Cả đời gắn với công tác khoa học, tôi nghĩ chỉ nên nghiên cứu những gì xã hội cần, có thể ứng dụng, từ đó mới có thể thương mại hóa thành quả nghiên cứu ấy” - TS Nguyễn Thị Hòe chia sẻ.

Cùng quan điểm này, ông Vinh nói: “Khi nhà khoa học nghiên cứu cái xã hội đang cần giải quyết, doanh nghiệp cần để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh thì sự đầu tư không bao giờ là thừa và thành công sẽ chỉ là sớm hay muộn; nhưng để có thành công này, nhà khoa học phải chứng minh và thể hiện năng lực của mình”.

Tuy nhiên, nếu nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp không có tinh thần khoa học thì mối liên kết này vẫn kém hiệu quả. Để thúc đẩy sự kết nối này, theo TS Vinh, Nhà nước cần tạo áp lực để buộc doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn về đổi mới công nghệ. Khi đó, họ sẽ phải chủ động tìm giải pháp ở các nhà khoa học.

khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ