Quốc hội sẽ có Nghị quyết sửa luật để gỡ khó cho khoa học công nghệ
Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) hoàn thiện báo cáo và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để KH&CN đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội.
Phó Chủ
tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã kết luận như vậy sau hội nghị giám sát: "Hiệu
quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc
đẩy CNH,HĐH, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong
đó chú trọng đẩy mạnh công nghệ hỗ trợ và cơ khí chế tạo" tổ chức ngày
12/8. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học
công nghệ và Môi trường của Quốc hội và đại diện nhiều bộ, ngành đã tham dự hội
nghị.
Thiếu
cơ chế chính sách đủ mạnh hỗ trợ ứng dụng sản phẩm
Tại hội
nghị, thừa ủy quyền Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN
Chu Ngọc Anh đã trình bày báo cáo nêu rõ về tình hình ban hành chính sách pháp
luật giai đoạn 2005-2015 đầy đủ và hoàn thiện. Chất lượng văn bản quy phạm pháp
luật ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất,
đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Trong giai đoạn này, đã có 2 Chiến lược
phát triển khoa học và công nghệ được ban hành. Việc thực hiện các mục tiêu đề
ra trong chiến lược góp phần nâng cao tiềm lực, đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy
hoạt động khoa học và công nghệ, đóng góp thiết thực và hiệu quả vào phát triển
kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Bộ
trưởng Chu Ngọc Anh, với Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn
2011-2020 sau hơn ba năm triển khai thực hiện, nhiều mục tiêu của Chiến lược đến
năm 2015 cơ bản đã đạt được hoặc có khả năng đạt được vào năm 2020 như: Giá trị
sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp vào Tổng sản
phẩm quốc nội (GDP) giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng lần lượt là 11,7%; 19,1%
và 28,7%, tạo đà cho việc hoàn thành chỉ tiêu 45% vào năm 2020. Tốc độ đổi mới
công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011-2014 đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược
đề ra là 10-15%/năm giai đoạn 2011-2015.
Giai
đoạn 2005-2015, nhiều cơ chế, chính sách mới về KH&CN đã được ban hành,
trong đó có các văn bản tạo ra đột phá, đổi mới sâu sắc và toàn diện. Việc ban
hành các cơ chế này tạo môi trường để KH&CN phát triển, góp phần tích cực
vào phát triển chung của kinh tế - xã hội đất nước.
Báo
cáo cũng nêu rõ những đóng góp trực tiếp của KH&CN vào từng lĩnh vực cụ thể
khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học công nghệ... Theo đó, hiện
KH&CN đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành. Bình quân giai đoạn
2001-2010 đạt trên 15%/năm, các năm từ 2011-2014 gần 6,09%/năm, giá trị gia
tăng công nghiệp luôn tăng cao hơn tốc độ tăng GDP.
Các
lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế... KH&CN cũng góp phần rõ nét trong
việc nghiên cứu, ứng dụng các kết quả vào thực tiễn cuộc sống. Người dân ngày
càng được hưởng cuộc sống tiện nghi hơn nhờ việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu
mới vào việc khám chữa bệnh, các dịch vụ...
Mặc dù
vậy, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thẳng thắn nêu những phần còn hạn chế trong đó
đặc biệt nhấn mạnh về việc thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để hỗ trợ ứng
dụng sản phẩm nghiên cứu, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi
ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu.
"Sự
gắn kết giữa các Viện nghiên cứu, Trường đại học với các doanh nghiệp trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế, không ít các sản phẩm
nghiên cứu vẫn gặp rất nhiều khó khăn về ứng dụng và phát triển sản phẩm. Kinh
phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm so với nhu cầu của
ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế" - Bộ trưởng Chu Ngọc
Anh nêu.
Làm rõ
đóng góp của KHCN
Phát
biểu tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng nêu thêm đóng
góp của KH&CN đối với ngành nông nghiệp. Trong đó Việt Nam đã nghiên cứu và
sản xuất nhiều giống lúa có năng suất cao. Trong 10 năm vừa qua sản lượng lúa
tăng nhanh. Riêng năm 2015 sản lượng lúa đạt 45,6 triệu tấn thóc/cả nước. Cà
phê có 620.000ha, năng suất cao gấp 3 lần thế giới. Nhiều giống cà phê do Việt
Nam nghiên cứu chọn tạo được thế giới đánh giá rất cao.
Giải
trình thêm trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ niềm
vui khi các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội chia sẻ với Chính phủ cũng
như những người làm công tác quản lý KH&CN trong điều kiện thực tiễn hiện
nay, đầu tư cho KH&CN chưa được như mong muốn. Nhiều khó khăn vướng mắc về
cơ chế tài chính dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn rất nhiều điểm vướng. Các đầu
tư hiện vẫn còn dàn trải.
Phó Thủ
tướng cũng đồng tình cần phải có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ khó khăn để
KH&CN thực sự là động lực phát triển của đất nước. Trong đó việc công khai,
minh bạch từ quy trình xét duyệt, nghiệm thu đến ứng dụng các kết quả nghiên cứu
được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh và yêu cầu Bộ KH&CN đẩy mạnh.
Trước
những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, về đầu tư ngân
sách cho KHC&N thời gian qua dù chưa đủ 2% GDP nhưng thực sự Đảng và Nhà nước
đã rất quan tâm. Thừa nhận nhiều nhiệm vụ còn trăn trở vì đầu tư chưa tới ngưỡng,
song Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng sắp tới làm sao sử dụng hiệu quả nhất đầu
tư đã có theo hướng tập trung đúng, trúng mục tiêu quốc gia.
Về những
vấn đề còn tồn tại như việc đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo
tinh thần Nghị định 115 và nay là Nghị định 54, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết
sẽ có hướng giải quyết kịp thời để các tổ chức KH&CN công lập nhanh chóng
triển khai các đề án đã xây dựng.
Việc ứng
dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng được cải thiện nhanh chóng. Nếu
như trước đây các nhiệm vụ nghiên cứu không quy định sau sản xuất thử nghiệm sẽ
ứng dụng tiếp thì hiện nay cơ chế chính sách đã điều chỉnh. Cụ thể Thông tư
14/2014 về việc "Thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm
vụ KH&CN" được ban hành, toàn bộ phần nghiệm thu các đề tài cấp quốc
gia, cấp bộ được chuyển về thông báo xem đã nối với địa chỉ nào, ứng dụng ra
sao.
Đánh
giá cao báo cáo của Chính phủ và đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc
Hiển cho rằng vấn đề quan trọng là phải đề xuất được giải pháp để tháo gỡ những
vấn đề tồn tại đã được nêu lên trong báo cáo giám sát, Ủy ban thường vụ cần có
Nghị quyết đề xuất với Quốc hội sửa các vấn đề liên quan đến Luật và quá trình
tổ chức thực hiện để đưa KH&CN cũng như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo
đi vào cuộc sống.
Theo
đó ông Hiển đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phối hợp với đoàn giám
sát kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật, cụ thể vào từng điều luật của Nghị định
hay bộ luật để hoàn chỉnh trình vào kỳ họp thứ 3 của UB thường vụ Quốc hội vào
tháng 9 tới.