SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Lợi ích của việc trích lập Quỹ Phát triển KH&CN: Bằng chứng sống từ một doanh nghiệp

[15/08/2016 10:45]

“Hằng năm chúng tôi dành một khoản ngân sách nhất định để đầu tư cho nghiên cứu, vượt mức 10% số lợi nhuận trước thuế mà Nhà nước quy định. Số tiền này được dùng quay vòng nghiên cứu và ứng dụng luôn kết quả vào sản xuất kinh doanh”.

Ông Dương Văn Chín - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (DTARC), Tập đoàn Lộc Trời - chia sẻ quan điểm đầu tư cho khoa học của đơn vị mình để chứng minh rằng thành công của doanh nghiệp bắt nguồn từ việc chú trọng khoa học - công nghệ (KH&CN).

Trích tiền nghiên cứu vượt quy định

Để giúp nông dân giải quyết khó khăn về tiêu thụ nông sản, từ năm 2010 tập đoàn Lộc Trời mở thêm ngành kinh doanh lương thực. Ông Chín cho biết, hai ngành truyền thống của tập đoàn là giống và vật tư nông nghiệp (phân, thuốc) đã cung cấp vật tư đầu vào để ngành lương thực tổ chức sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tập đoàn đầu tư trọn gói cho nông dân và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm. Điều quan trọng là từ giống lúa đến phân bón đều được Trung tâm DTARC đầu tư nghiên cứu bài bản.

Ông Chín cho biết: “Tập đoàn còn phối hợp với các Viện lúa ĐBSCL, Đại học Cần Thơ, Viện nghiên cứu ngô, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Lúa quốc tế IRI để khai thác các kết quả nghiên cứu phù hợp bằng cách mua tác quyền hay bằng hình thức nào đó sử dụng nó vào việc sản xuất, kinh doanh” .

Theo quy định của Nhà nước, doanh nghiệp cần trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KH&CN; nhưng Lộc Trời thường trích nhiều hơn con số đó. Theo ông Chín, tập đoàn chủ trương từ năm 2017 sẽ dành 1% doanh số hằng năm cho nghiên cứu KH&CN. Dựa vào doanh số hiện nay, số tiền được trích tương đương 120 tỷ đồng.

Với cách làm này, từ chỗ phải dựa vào các viện, trường của nhà nước về giống lúa thì hiện nay, tập đoàn đã có những giống lúa do chính mình lai tạo, chọn lọc. Giống Lộc Trời 1 (AGPPS 103) là giống cao sản chất lượng cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận tháng 1/2016.

Tháng 10/2015, tại cuộc đấu xảo gạo ngon thế giới lần thứ bảy tại Malaysia, gạo từ giống Lộc Trời 1 lọt top 3 gạo ngon nhất thế giới. Hiện các giống Lộc Trời 2 (AGPPS 110 ), Lộc Trời 3 (AGPPS 135) và Lộc Trời 4 (GPPS 136) cũng đã được Bộ NN&PTNT công nhận tạm thời cho sản xuất thử.

“Chúng tôi rất coi trọng KH&CN và chủ trương phấn đấu thành tập đoàn nông nghiệp tri thức. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp theo hướng hiện đại, vừa phục vụ kinh doanh vừa tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm để cạnh tranh thắng lợi trong hội nhập” - ông Chín chia sẻ.

Liên kết các nhà, tạo cánh đồng mẫu lớn

Theo ông Chín, ĐBSCL có hạn chế cơ bản là diện tích đất manh mún, từng nông dân tự quyết định giống lúa sẽ trồng và kỹ thuật áp dụng trên đất của mình, dẫn đến chất lượng kém, không đồng nhất, giá bán thấp. Hầu như không ai chịu trách nhiệm đảm bảo hạt lúa nông dân làm ra sẽ được tiêu thụ với giá hợp lý.

Việc áp dụng chủ trương “cánh đồng mẫu lớn” sau 5 năm triển khai vẫn chưa cos kết quả như ước muốn. Trước tình hình đó, Tập đoàn Lộc Trời xây dựng mô hình “cánh đồng liên kết 4 nhà - nhà nông, nhà khoa học, chính quyền, doanh nghiệp”. Người dân được cung cấp dịch vụ trọn gói và bao tiêu sản phẩm khi tham gia vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn của tập đoàn.

Họ được ứng trước giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt vụ mà không tính lãi ngân hàng; được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiền vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy, sấy lúa miễn phí và thu mua lúa theo giá thị trường. Nếu không ưng ý với giá bán giống, phân… niêm yết hằng ngày của công ty, nông dân có thể trả lại kho trong 1 tháng, miễn phí.

“Với cách làm này, số hộ nông dân và diện tích gieo trồng hằng năm trong vùng nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn của tập đoàn liên tục tăng, từ 1.023ha vụ đông xuân 2010-2011 đã tăng đến 92.000ha trong cả năm 2015” - ông Chín cho biết.

TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - đánh giá, việc thu mua, chế biến gạo đem lại lợi nhuận không đáng kể nhưng lại giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và mở rộng thị trường cho phân bón. Việc thu mua, chế biến gạo chính là cách tạo ra cơ chế ràng buộc nhau, đem lại lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp.

“Dù Tập đoàn Lộc Trời là chủ thể nhỏ nhưng cách làm đó đang giúp họ có cánh đồng mẫu lớn từ việc tập hợp những hộ nông dân như thế này. Doanh nghiệp này đang phát triển mạnh sang các tỉnh Tây Nam Bộ” - TS Hà ghi nhận.

khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ