Hợp tác quốc tế cũng khó tránh lệch pha
Việc khuyến khích hợp tác quốc tế để Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, tận dụng kinh nghiệm và công nghệ của nước ngoài là chủ trương lớn được Nhà nước triển khai từ lâu. Tuy nhiên, tình trạng “đặt hàng lệch pha” đang khiến chủ trương này bị hạn chế.
Theo đại diện của Đại học (ĐH) Cần Thơ, để tận dụng các kinh nghiệm
nghiên cứu quốc tế, trường có phối hợp thực hiện nhiệm vụ với Đài Loan (Trung
Quốc). Theo đúng quy trình, trường gửi đề xuất nhiệm vụ tới cơ quan chủ quản là
Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi được thông qua mới gửi tới Bộ KH&CN.
Nghiên cứu mà các cán bộ của trường mất hơn một năm nghiên cứu này bị
hội đồng khoa học của Bộ KH&CN loại. Đại diện ĐH Cần Thơ cho biết, chuyện này
khiến sau đó nhiều cán bộ nghiên cứu cứ nghe tới nghị định thư là lảng tránh vì
sợ dành nhiều thời gian công sức mà không đạt kết quả.
Giải thích điều này, PGS-TS Phạm Công Hoạt cho rằng, ngay cả việc tổ
chức đặt hàng giữa các bộ, ngành với Bộ KH&CN đã có sự lệnh pha, nên việc
lệch pha giữa các tổ chức ở Việt Nam và nước ngoài là khó tránh. Đối với nghị
định thư, các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ phải dựa vào khung ký kết
giữa hai chính phủ và thỏa thuận thống nhất giữa hai tổ chức.
Chuyện các đề tài bị loại - theo ông Hoạt - là hoàn toàn có thể xảy ra,
bởi khi nhận đề xuất của các nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương, Bộ KH&CN
sẽ xem xét theo các tiêu chí như có tính mới không, có bị trùng lặp không để
quyết định.
“Quan điểm của Nhà nước là luôn khuyến khích hợp tác quốc tế để Việt Nam
có thể tận dụng kinh nghiệm và công nghệ của nước ngoài. Như việc giải mã gene
của 36 giống lúa, nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài, chúng ta sẽ phải mò
mẫm rất lâu, sau này khi nghiên cứu tới 300 giống khác thì kinh phí của Chính
phủ không thể đáp ứng” - ông Hoạt nói.
Thừa nhận có những sự bất cập từ nội dung đặt hàng tới nội dung phê
duyệt cũng như cam kết sử dụng sản phẩm trong thời gian qua, Thứ trưởng Phạm
Đại Dương cho biết: “Bộ KH&CN đang hệ thống tại toàn bộ văn bản gốc. Những
nhiệm vụ cụ thể, đặc thù sẽ được phân ra. Người thực hiện nhiệm vụ có thể nắm
được hệ thống gốc của văn bản, sau đó tùy vào từng điều kiện cụ thể sẽ có xử lý
riêng cho vấn đề đó”.