Phát triển tam nông là nhiệm vụ trọng tâm của đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 8-3, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2010 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2011. Dự hội nghị, có các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2010, kinh
tế khu vực Tây Nam bộ tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 12,2%, tăng hai lần so với
cả nước; GDP bình quân đầu người ước đạt 21 triệu đồng (1.100 USD), tăng 14%
so với năm 2009.
Tuy nhiên còn
thấp hơn so với bình quân cả nước (1.162 USD). Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp
tục phát triển nhưng vẫn còn thấp so với bình quân chung cả nước. Công tác giáo
dục-đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn vùng đạt
81,55%. Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm mới cho người lao động đạt kế
hoạch đề ra, hơn 375.000 người. Tuy nhiên, xuất khẩu lao động trong vùng đạt
thấp; công tác xóa đói, giảm nghèo đứng thứ 3/8 vùng của cả nước, tỷ lệ hộ
nghèo năm 2010 giảm còn 7,32%, nhưng vẫn cao hơn Ðông Nam Bộ và vùng đồng bằng
sông Hồng. Nhìn chung về kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân khu vực đồng
bằng sông Cửu Long tuy có phát triển nhưng còn thấp so với bình quân cả nước và
các khu vực. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ
vững, ổn định.
Một trong
những hạn chế của vùng là vấn đề sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro, việc
triển khai xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, giáo dục,
dạy nghề còn chậm, thiếu vốn. Công tác xóa đói, giảm nghèo chưa bền vững, nguy
cơ tái nghèo còn cao. Bên cạnh đó, sự liên kết phát triển của vùng triển khai
thiếu đồng bộ, phối hợp chưa chặt, nhất là vai trò chủ trì, phối hợp của các
bộ, ngành T.Ư. Một số mục tiêu phát triển chủ yếu của toàn vùng năm 2011 là
phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng từ 12% đến 13%; thu nhập bình quân
đầu người đạt 23 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 7,5 tỷ USD; giảm tỷ lệ
hộ nghèo theo chuẩn mới còn 2%/năm...
Phát biểu ý
kiến chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn
mạnh: Ðây là vùng kinh tế năng động, vùng trọng điểm lương thực của cả nước. Do
đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 của toàn vùng là 'tập trung kiềm chế lạm phát,
ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội' theo Nghị quyết số 11 của Chính
phủ. Ðồng thời, tiếp tục xác định giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân
lực, xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi là khâu trọng tâm, đột phá
của vùng trước mắt cũng như lâu dài. Các Tỉnh ủy, Thành ủy tập trung lãnh đạo,
tổ chức thành công Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu đại biểu HÐND các cấp; triển
khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng; tập
trung thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội
của vùng đã đề ra. Trong đó xác định đây là vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp
trọng tâm của cả nước. Chính vì thế phải tăng cường phát triển nông nghiệp,
thủy sản. Tập trung đẩy mạnh sản xuất, tăng cường cung ứng hàng hóa để ổn định
thị trường, góp phần kiềm chế tăng giá cho khu vực và cả nước. Ðây cũng là cơ
hội để đồng bằng sông Cửu Long tăng cường sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tăng thu
nhập cho người dân. Bên cạnh đó là chi tiêu tiết kiệm các nguồn ngân sách, điều
chỉnh đầu tư, tập trung ưu tiên cho các công trình bức xúc, có hiệu quả
ngay trên từng địa bàn, từng khu vực.
Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh tập trung triển
khai một cách đồng bộ trong cả hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn
mới; xác định đây là chương trình lâu dài, thực hiện kiên trì; cần huy động
mạnh mẽ các nguồn lực trong nhân dân để thực hiện. Là vùng trọng điểm về
nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các tỉnh cần thực hiện chính sách đối với
người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm được an sinh xã hội để
phát triển bền vững; tăng cường công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự
an toàn xã hội. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành T.Ư khẩn trương xây dựng kế
hoạch phát triển cụ thể để trình Chính phủ xem xét, tiếp tục đầu tư thúc đẩy sự
phát triển toàn diện vùng đồng bằng sông Cửu Long.