SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

[12/11/2021 14:07]

Nhằm đánh giá việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được sau 13 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sáng ngày 11 tháng 11 năm 2021, Thành ủy Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ông Ngô Anh Tín Giám Đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị

Với chủ đề “Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn”, Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ  đã có bài báo cáo tham luận “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố Cần Thơ”.

Qua 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ngành Khoa học thành phố Cần Thơ đã chủ động triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ gắn với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Song song đó, hoạt động hỗ trợ, ươm tạo doanh nghiệp, hoạt động phối hợp với các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài thành phố đã đem lại hiệu quả đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Về  phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghệp hóa nông thôn. Trong giai đoạn 2008-2021, Sở KH&CN đã triển khai 06 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; 64 nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố. Kết quả các đề tài, dự án đã góp phần tăng năng suất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng và có khả năng cạnh tranh như: xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP đạt 10,22 ha tại Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền - Bình Thủy; Vùng sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao gồm: hoa Hồng chịu nhiệt, hoa Lily, hoa Đồng tiền và hoa Cúc với tổng diện tích 8.500 m2 tại quận Bình Thủy và huyện Phong Điền; Vùng canh tác cây dâu Hạ Châu 105 ha, cây vú sữa 67,5 ha ứng dụng quy trình quản lý ruồi đục trái tổng hợp tại huyện Phong Điền; Vùng sản xuất cam xoàn đạt tiêu chuẩn VietGap với quy mô 34,6 ha tại quận Ô Môn.

Nhiều sản phẩm giống cây, con, mô hình, quy trình, công nghệ và chế phẩm mang tính ứng dụng cao, phù hợp đưa vào khai thác, sử dụng như: Bình tuyển được 29 cây dâu Hạ Châu đầu dòng và 50 cây Mít Ba Láng hạt lép đầu dòng, phục vụ phát triển vườn cây ăn trái của thành phố; Quy trình trồng rau non ứng dụng công nghệ đèn LED, quy trình trồng rau non trên giá thể phục vụ mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố; Quy trình nuôi cấy mô các giống hoa lan chất lượng cao phù hợp với điều kiện thành phố Cần Thơ, mô hình ươm cây giống lan cấy mô bằng hệ thống khí canh, mô hình trồng hoa lan thương phẩm trong nhà lưới tự động hóa và mô hình trồng hoa lan bằng phương pháp thủy canh nhằm phục vụ phát triển vùng chuyên canh hoa kiểng; Quy trình sản xuất nước giải khát từ dâu Hạ Châu (gồm nước dâu Hạ Châu tươi thanh trùng và nước dâu Hạ Châu thanh trùng có gas, có cồn), quy trình sản xuất rượu vang dâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy chuẩn của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm đặc sản địa phương; Quy trình chế biến và bảo quản các sản phẩm thực phẩm chức năng bột gạo mầm, gồm bột gạo mầm sấy phun và bột gạo mầm rang có thể hỗ trợ bệnh tiểu đường và hạn chế tế bào ung thư gan, có giá trị dinh dưỡng, giá trị về mặt chức năng góp phần sản xuất các sản phẩm chế biến từ lúa gạo, có giá trị gia tăng vượt bậc ở ĐBSCL.

Ngoài ra, để khảo nghiệm sự phù hợp của các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới với điều kiện của thành phố, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đã thực hiện một số mô hình trình diễn như: Mô hình xử lý nước tưới nông nghiệp bị nhiễm phèn, nhiễm mặn quy mô 2.000 m2 vừa giúp giải quyết vấn đề thiếu nước tưới, vừa kích thích cây trồng phát triển tốt gấp 1,47 lần so với nghiệm thức sử dụng nước chưa xử lý và gấp 1,29 lần so với nghiệm thức sử dụng nước máy; Mô hình xử lý nước thải bằng công nghệ oxy hóa sâu, đã xử lý được một số hợp chất hữu cơ tồn tại lâu và khó bị phân hủy trong thời gian ngắn, giúp giảm thiểu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường; Mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ điều khiển tưới tự động bằng cảm biến ẩm độ (sử dụng năng lượng mặt trời), công nghệ xử lý nước tưới nông nghiệp, công nghệ tưới nhỏ giọt để sản xuất hoa đồng tiền cắt cành, cà chua leo, dưa lưới.

Về hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, ươm tạo sản phẩm nông nghiệp. Để góp phần khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, Sở KH&CN đã triển khai Chương trình đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Cần Thơ. Kết quả đã tổ chức xét duyệt 27 dự án đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất phân bón, bảo quản và chế biến nông sản, chế biến sản phẩm gỗ.

Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giải ngân hỗ trợ cho 35 doanh xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như: ISO 9001:2015, ISO/IEC 17025, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, VietGAP, chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa... giúp từng bước hình thành mạng lưới năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo công nghệ, ươm tạo sản phẩm tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc từ năm 2016 đến nay đã thực hiện 11 dự án hỗ trợ ươm tạo (03 dự án thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản, 03 dự án thuộc lĩnh vực cơ khí, 05 dự án thuộc lĩnh vực chế biến nông sản); Hỗ trợ 04 cơ sở nghiên cứu cải tiến công nghệ sấy trái cây, công nghệ xông khói và công nghệ bảo quản sản phẩm chế biến giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thời gian bảo quản nguyên liệu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất.

Về xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản phẩm và tiểu thủ công nghiệp. Giai đoạn 2008-2021, toàn thành phố có 3.469 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu về sản xuất, chế biến nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mới, chiếm 97% tổng số văn bằng bảo hộ chung của thành phố. Một số sản phẩm đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý như: Gạo Cần Thơ, Bánh tét lá cẩm Cần Thơ, Nấm bào ngư Thới An Đông, Làng hoa kiểng Phó Thọ Bà Bộ, Vũ sữa Thới An Đông, Sữa bò Long Hoà, Mít Ba Láng hạt lép, Cơm rượu Trung Thạnh, Cam xoàn Thới An, Nhãn Idor Thới An, dâu Hạ Châu Phong Điền, Sầu riêng Tân Thới, Nhãn IDO Định Môn, Chanh không hạt Trường Long

Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012-2015, 2016-2020 đã tổ chức được 39 lớp tập huấn, 13 hội thảo với các nội dung khác nhau cho từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về SHTT, gia tăng sự quan tâm, nhận thức và chủ động hơn trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các cá nhân, đơn vị trên địa bàn thành phố. Chương trình cũng hỗ trợ thực hiện 16 dự án về sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cũng như phát triển bền vững kinh tế, xã hội của thành phố, trong đó ngành khoa học  đã hỗ trợ kinh phí đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 198 tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp với tổng kinh phí khoảng 970 triệu đồng.

Về xây dựng và tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài thành phố. Trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trên địa bàn thành phố, đồng bằng sông Cửu Long như: Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu công nghệ cao ĐBSCL... để tư vấn, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện ký kết Chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giữa các Sở KH&CN vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 để liên kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.

Phát triển Khối Ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng ĐBSCL từ 13 Trung tâm Ứng dụng thuộc 13 tỉnh/thành của vùng lên 21 Trung tâm, mở rộng địa bàn liên kết đến vùng Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ. Qua đây, đã tập họp trên 134 công nghệ, quy trình công nghệ, sản phẩm công nghệ để tạo nguồn chuyển giao cho các tỉnh vùng ĐBSCL và cả nước.

Thành lập Điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ vào ngày 03/10/2018. Hoạt động của Điểm kết nối cung cầu nhằm triển khai hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ; phát triển các điểm kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với viện, trường, tổ chức nghiên cứu, phục vụ phát triển thị trường KH&CN theo chỉ đạo của Bộ KH&CN và các tỉnh, thành phố.

Với các thành tựu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn có sự đóng góp của khoa học và công nghệ đã được thực tiễn chứng minh trong những năm qua. Thời gian tới, sản xuất nông nghiệp, phát triển nông dân, nông thôn sẽ còn đối mặt với các khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cũng tại Hội nghị, để tạo động lực tăng trưởng và phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người dân, Ngành Khoa học đã kiến nghị 2 nội dung cần quan tâm thực hiện:

- Trung ương cần ban hành chính sách đặt hàng nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới hỗ trợ sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp từ các nhà khoa học, Viện, trường. Qua đó mới phát huy được hết các sáng tạo, trí tuệ của đội ngũ nhà khoa học nước nhà.

- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các mô hình ứng dụng kỹ thuật cao trong canh tác, sản xuất nông nghiệp sạch đến tận người nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã,... để cấp cơ sở, người sản xuất trực tiếp nắm chặt được các giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực tăng trưởng và phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người dân.​/.

Sở KH&CN Cần Thơ (ntqnhu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ