SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch và yếu tố liên quan

[17/07/2019 11:13]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Vũ Thị Kim Liên, Vũ Quang Dũng và Hoàng Mạnh Hùng - Bộ môn Mắt, Trường Đại học Y dược Thái Nguyên thực hiện.

Ảnh minh họa.

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch - HVMTTTD (Central serous chorioretinopathy) được biết đến từ lâu với nhiều tên gọi khác nhau như: viêm võng mạc trung tâm tái phát, viêm võng mạc trung tâm, viêm HVMTTTD, bong võng mạc dẹt nguyên phát vùng hoàng điểm và bệnh võng mạc trung tâm thanh dịch. Bệnh ảnh hưởng cả võng mạc và hắc mạc nên thuật ngữ dùng hiện nay là bệnh HVMTTTD. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là xuất hiện một bọng thanh dịch ở dưới lớp võng mạc cảm thụ. Thanh dịch này được rò rỉ từ mao mạc hắc mạc do sự biến đổi hàng rào hoặc các chức năng bơm ở biểu mô sắc tố võng mạc. Bệnh gặp chủ yếu ở giới nam, độ tuổi từ 20 đến 55 với tần xuất gặp ở nữ nhiều hơn từ 6 đến 10 lần, người châu Á gặp nhiều hơn người châu Âu và châu Mỹ. Bệnh HVMTTTD cấp tính thường tự khỏi và thị lực hồi phục tốt. Tuy nhiên, bệnh hay tái phát tiến triển thành mạn tính gây ra những thay đổi ở võng mạc làm giảm thị lực vĩnh viễn. Bệnh nhân đã bị bệnh HVMTTTD 1 lần có nguy cơ tái phát khoảng 40 - 50% ở chính mắt đã bị bệnh. Sinh bệnh học của bệnh chưa được hiểu biết nhiều. Bệnh biểu hiện lâm sàng bằng triệu chứng nhìn mờ, có ám điểm trung tâm, rối loạn sắc giác, nhìn hình biến dạng, thích ứng sáng tối giảm sút, hoàng điểm sẫm màu và có bọng thanh dịch dưới võng mạc vùng hoàng điểm. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh HVMTTTD, chủ yếu điều trị nội khoa bằng thuốc để giảm triệu chứng và laser đáy mắt khi có chỉ định. Đã có nhiều công trình nghiên cứu hồi cứu xác định một số yếu tố nguy cơ cho bệnh này như: giới nam, stress, người type A, dùng Corticoide và phụ nữ có thai. Gần đây, một số nghiên cứu ca bệnh cũng đã chỉ ra rằng, bệnh cao huyết áp và nhiễm Helicobacter pylori cũng có liên quan tới bệnh này. Một nghiên cứu bệnh chứng về các yếu tố nguy cơ với bệnh HVMTTTD đã chỉ ra việc dùng kháng sinh, uống rượu, không điều trị cao huyết áp, các bệnh hô hấp dị ứng cũng là những yếu tố nguy cơ của bệnh. Tại Việt Nam, công trình nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng bệnh HVMTTTD tại Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ. Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm dịch tễ và lâm sàng bệnh HVMTTTD; xác định các yếu tố nguy cơ có liên quan.

Nghiên cứu mô tả, chọn mẫu liên tục trong thời gian nghiên cứu. Tất cả các bệnh nhân HVMTTTD điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên từ 1 - 12/2009 và số liệu hồi cứu từ hồ sơ bệnh án trong năm 2007 – 2008.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nghiên cứu trên 52 bệnh nhân (BN) nam gặp nhiều hơn nữ (73,1% nam; 26,9% nữ), tuổi trung bình là 42,6. Bệnh gặp chủ yếu ở một mắt (mắt phải: 43,3%; mắt trái: 46,2%), dưới 50 tuổi dễ có nguy cơ bị cả hai mắt (p < 0,05). Thị lực nhập viện thường ở mức 3/10 đến 7/10 (38,5%). Thời gian nhập viện tập trung nhiều vào tháng 10, 11, 12 và 4, 5, 6. 28,8% số BN nhập viện lần 2 và 7,7% nhập viện lần 3. Triệu chứng thường gặp: ám điểm trung tâm (78,8%) và phù võng mạc trung tâm (71,2%). Triệu chứng nhìn vật biến dạng gặp nhiều hơn ở lần nhập viện đầu tiên (p < 0,01). Bệnh nhân có thị lực thấp thường mất ánh trung tâm hoàng điểm (p < 0,05). Cao huyết áp (11,5%) và dạ dày (11,5%) là bệnh phối hợp thường gặp. HVMTTTD thường gặp ở tuổi trung niên, có xu hướng bị cả hai mắt ở tuổi dưới 50, hay tái phát, thường gặp đầu mùa đông và hè, triệu chứng nhìn vật biến dạng thường thấy ở lần đầu bị bệnh.

Tạp chí nhãn khoa Việt Nam, số 21/2011
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài