SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giai cấp công nhân tỉnh Cần Thơ lịch sử hình thành, thực trạng và định hướng phát triển.

[24/12/2011 23:31]

Chủ nhiệm: Ông Nguyễn Hữu Lợi, Ông Phan Hùng Tân và ctv; Cơ quan chủ trì: Liên đoàn Lao động tỉnh Cần Thơ; Thời gian nghiên cứu: năm 2000

I. ĐĂT VẤN ĐỀ

Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa tỉnh Cần Thơ  thì vấn đề xây dựng giai cấp công nhân tỉnh nhà lớn mạnh về mọi mặt, là một nhiệm vụ bức xúc. Trước yêu cầu phát triển của đất nước, giai cấp công nhân phải luôn giữ vai trò trung tâm của quá trình cách mạng và quyết định xu hướng của sự biến đổi; giai cấp công nhân sẵn có bản chất, truyền thống cách mạnh và kinh nghiệm đấu tranh lâu dài, đây là giai cấp tiên phong, là lực lượng chủ đạo, là cơ sở xã hội chủ yếu của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Việc nghiên cứu khoa học về đội ngũ giai cấp công nhân trong tỉnh nhằm tìm hiểu khái quát về lịch sử hình thành và đặc điểm của giai cấp công nhân Cần Thơ, trong lịch sử hình thành giai cấp chung của cả nước. Nêu lên hiện trạng của đội ngũ công nhân trong tỉnh trên các mặt đời sống, cơ cấu, đội ngũ, trình độ văn hóa, kỹ thuật, trình độ nghề nghiệp, đặc điểm, tính chất, ý thức chính trị tư tưởng và tâm tư nguyện vọng của công nhân... Song song với công tác lãnh đạo của Đảng bộ, cơ quan, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác xây dựng, đào tạo công nhân thời gian qua và phương hướng xây dựng đội ngũ công nhân trong thời gian tới nhằm làm cho lực lượng công nhân thực sự là giai cấp nồng cốt thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trên địa bàn tỉnh.

II . MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

1. Mục tiêu:

- Nắm rõ lịch sử hình thành và phát triển của phong trào công nhân lao động tỉnh Cần Thơ.

- Thực trạng đội ngũ công nhân lao động và đúc kết bài học kinh nghiệm.

- Dự báo xu hướng phát triển của đội ngũ công nhân trong thời kỳ phát triển mới. Đề xuất định hướng xây dựng giai cấp công nhân và đề xuất những công tác cụ thể đến năm 2010.

2. Nội dung và phương pháp thực hiện:

- Đối tượng nghiên cứu: công nhân lao động doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư bản Nhà nước, hợp tác xã và kinh tế tư nhân, doanh nghiệp liên doanh nước ngoài.

- Phương pháp: điều tra xã hội học, chọn mẫu, kết hợp nghiên cứu tư liệu.

- Các chỉ tiêu: giới tính, dân tộc, ngành nghề, thời gian làm việc, đời sống và sinh hoạt (Đảng, đoàn thể), học tập (nghề) và quy định lao động, việc thực hiện quyền dân chủ, những vấn đề kinh tế - xã hội - chính trị người lao động quan tâm, một số ý kiến khác.

 

III. KẾT QUẢ

1. Lịch sử hình thành giai cấp công nhân tỉnh Cần Thơ: sự phát triển của phong trào công nhân qua các thời kỳ:

a) Phong trào công nhân Cần Thơ trước khi có sự lãnh đạo của Đảng:

Từ năm 1867, triều đình Huế dâng 3 tỉnh miền Tây cho thực dân pháp. Dưới sự cai trị dã man của thực dân đối với nhân dân, sự áp bức bốc lột cùng cực với những công nhân các đồn điền, nhiều sĩ phu và nhân dân các tỉnh miền Tây đã cùng với các tỉnh miền Bắc, Trung đã liên tiếp nổi dậy chống lại thực dân pháp, nhưng hầu hết các cuộc đấu tranh đều bị thất bại.

Bước sang đầu thế kỷ 20, phong trào đấu tranh đã thành lập những tổ chức hoạt động bí mật với sự tham gia của các tầng lớp trí thức sát cánh cùng lực lượng công nhân lao động và nông dân. Với ảnh hưởng của tác phẩm Đường Cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, những thông tin về phong trào cách mạng trong và ngoài nước và sự vận động thâm nhập cơ sở của các đồng chí cách mạng đã thành lập chi bộ Đảng đầu tiên chỉ đạo 6 tổ công hội đỏ. Chi bộ đã kêu gọi nâng cao ý thức giai cấp của công nhân và phát động cuộc đấu tranh chống tư sản, địa chủ và bọn cầm quyền, tổ chức đình bãi công, rãi truyền đơn trong các nhà máy xí nghiệp....

b) Phong trào đấu tranh lao động Cần Thơ trong thời kỳ giành chính quyền (1930-1945):

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đánh dấu bước ngoặc mở đầu một thời đại mới trong lich sử cách mạng Việt Nam, cách mạng Việt Nam do giai cấp công nhân là đội tiên phong do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo:

- Cao trào cách mạng (1930-1931) và những cuộc đấu tranh chống khủng bố trắng: đây là giai đoạn đấu tranh đổ máu quyết liệt chống lại các cuộc khủng bố trắng của địch, trong thời kỳ này các cở sở Đảng và tổ chức Công hội đỏ bước đầu biết sử dụng hình thức hoạt động hợp pháp để che chở các tổ chức bí mật, trình độ tổ chức và lãnh đạo có tiến bộ rõ rệt, đấu tranh quyết liệt, qui mô rộng lớn đẩy phong trào công nhân Nam kỳ hòa nhập phong trào đấu tranh cả nước.

- Phong trào đấu tranh rộng lớn của Công nhân Cần Thơ trong cao trào cách mạng 1936-1939 tiếp tục củng cố các cơ sở Đảng và chỉ đạo quần chúng đấu tranh công khai, quần chúng đoàn kết đấu tranh đòi tự do nghiệp đoàn, chống chính sách cai trị hà khắc của thực dân pháp.

c. Phong trào công nhân lao động Cần Thơ trong cuộc giải phóng dân tộc và cách mạng tháng tám (1939-1945)

- Chấn chỉnh lại phong trào công nhân phù hợp với tình hình mới và nhiệm vụ mới: thế chiến thứ II bùng nổ làm cho cục diện thế giới và Đông dương có nhiều thay đổi bất lợi cho phong trào cách mạng, để phù hợp với tình hình mới dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai, giành độc lập cho đất nước.

- Phong trào đấu tranh của công nhân lao động Cần Thơ sau Nam Kỳ khởi nghĩa và cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945: những năm này chiến tranh mở rộng, sản xuất đình đốn nhiều người thất nghiệp. Cuộc sống nông dân, công nhân hết sức khổ cực và thiếu thốn. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng lực lượng công nhân nhanh chóng được xây dựng và phát triển, đấu tranh chống đối bóc lột, đòi cải thiện cuộc sống. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam cũng như cho nhân dân tỉnh Cần Thơ.

d. Phong trào công nhân lao động Cần Thơ trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954): sau khi giành chính quyền, nhân dân Cần Thơ chỉ có 34 ngày được hưởng tự do; nhân dân Cần Thơ phải chuẩn bị lao vào cuộc chiến mới; công nhân tham gia xây dựng chính quyền cách mạng, tích cực xây dựng lực lượng chuẩn bị cùng cả nước tiến hành toàn quốc kháng chiến.

Năm 1947, Liên hiệp nghiệp đoàn Cần Thơ (được thống nhất từ công đoàn và công nhân cứu quốc) đã vận động công nhân lành nghề, trí thức, tư sản, thương gia, cả viên chức ngụy quyền ủng hộ cách mạng, đưa công nhân học sinh, trí thức vào bưng biền tham gia cách mạng. Phong trào công nhân và hoạt động công đoàn phát triển mạnh, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra, công khai, rầm rộ song song với các cuộc đấu tranh chính trị. Các công nhân có tay nghề kỹ thuật đã vào vùng giải phóng tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí; gia tăng sản xuất lương thực.

Những năm 1950 -1952, giai đoạn địch tăng cường khủng bố ta ác liệt, hoạt động của ta hết sức khó khăn, phong trào có lúc giảm sút, cuối 1952 với chủ trương và đường lối của Đảng phong trào công nhân trong nội thành từng bước được củng cố và phát triển nhất là ở công sở, nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, xe ... chống lại văn hóa đồi trụy của địch, phong trào đình công, bãi thị được phát huy.

Năm 1954 địch thất bại nặng về quân sự, dao động về tư tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân lao động Cần Thơ cùng với quân dân trong tỉnh mở đợt thi đua công tác, sản xuất, chiến đấu, tham gia tiến công địch mở rộng vùng giải phóng. Đến 20/7/1954 Hiệp định Giơ-ne-ve được ký kết.

e. Chặng đường vẻ vang của phong trào công nhân lao động Cần Thơ qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975): đây là thời kỳ khó khăn thử thách của phong trào công nhân Cần Thơ nhưng với tinh thần kiên cường, quật khởi và áp dụng nhiều hình thức đấu tranh, biết đoàn kết củng cố lực lượng làm khí thế đấu tranh của phong trào công nhân ngày càng sôi nổi, từ đó phong trào công nhân lao động đã góp phần phá sản chiến tranh đặc biệt của Đế quốc Mỹ (1961-1965) cũng như đánh bại cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ-Ngụy (1965-1968); đấu tranh chống địch phá hoại hiệp định Paris và góp phần trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1975.

2. Thực trạng và những vấn đề xã hội của đội ngũ công nhân lao động tỉnh Cần Thơ:

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, giai cấp công nhân là một trong những động lực chính trị của cách mạng và còn là cơ sở xã hội quan trọng của Đảng, Nhà nước và tổ chức công đoàn Việt Nam. Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và tỉnh Cần Thơ, đang đặt ra yêu cầu mới, nhiệm vụ mới trong việc xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh toàn diện ngang tầm với thời đại.

Kết quả điều tra cho thấy, công nhân lao động tỉnh Cần Thơ là đội quân tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, là lực lượng chủ chốt trong hoạt động kinh tế tỉnh nhà, đội ngũ công nhân Cần Thơ không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong cơ chế thị trường, nhiều công nhân lao động không ngừng học tập để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, có năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, dần dần rèn luyện có tác phong công nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật, lao động đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Sự phát triển của đội ngũ công nhân Cần Thơ đã góp phần đáng kể trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh

Tuy nhiên qua điều tra cho thấy trình độ văn hóa tay nghề công nhân lao động còn thấp, số lượng công nhân lành nghề, bậc cao còn ít, nhất là những ngành do địa phương quản lý, trình độ chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu phát triển sản xuất, kế hoạch đào đạo chưa khớp với nhu cầu sử dụng, chưa đa dạng nghề đào tạo, nghề chỉ được đào tạo qua lao động thực tiễn, kèm cặp tại cơ sở là chính, thiếu kiến thức cơ bản. Chất lượng đào tạo nghề thấp, cơ sở dạy nghề trên địa bàn chỉ phổ cập đến bậc thợ 3/7, các trung tâm dạy nghề trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu so với phát triển công nghệ hiện nay. Do đó, việc đào tạo chưa đạt yêu cầu, công nhân còn lúng túng khi tiếp cận với thực tế, khi được tuyển dụng phải bồi dưỡng đào tạo thêm.

Một số hạn chế mà đội ngũ công nhân còn phải khắc phục:

- Sự phát triển về số lượng nhanh nhưng cần phải khắc phục về mặt chất lượng, cơ cấu trình độ, bậc thợ và cán bộ khoa học - công nghệ còn thấp. Phần lớn, đội ngũ công nhân chưa được chắt lọc và có hướng đào tạo thay thế, thành phần xuất thân đa dạng nên trình độ lý luận chưa đồng đều, nhận thức chính trị còn hạn chế; do đó họ chưa tự khẳng định mình là nhân tố ứng dụng KHCN tiên tiến và phải thể hiện rõ là vai trò nồng cốt đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH.

- Do xu hướng đa dạng hóa giai cấp công nhân trong các thành phần kinh tế, sự phân hóa giàu nghèo trong đội ngũ lao động ngày càng tăng, sự cạnh tranh của kinh tế thị trường nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp, công nhân thiếu việc làm, thu nhập không ổn định xảy ra làm cho tâm lý một bộ phận công nhân không ổn định, dẫn đến họ ít quan tâm đến tham gia hoạt động chính trị xã hội.

- Điều kiện làm việc phần lớn được đơn vị trang bị và cải thiện khá tốt, nhưng vẫn còn một số đơn vị hiệu quả kinh doanh không cao, sử dụng chủ yếu lao động phổ thông nên môi trường làm việc vừa thiếu vừa kém gây ảnh hưởng sức khỏe công nhân nhất là công nhân nữ. Vấn đề nhà ở cho công nhân được quan tâm thực hiện theo chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước; tuy nhiên, đây cũng là vấn đề bức xúc đối với công nhân có thu nhập thấp.

Vì vậy, trước mắt cần nghiên cứu tạo sự cân đối và tính kế thừa trong cơ cấu đội ngũ công nhân Cần Thơ cả về số lượng và chất lượng. Dựa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà để có sự đầu tư thỏa đáng, đồng thời có biện pháp bảo đảm việc làm để ổn định đời sống công nhân lao động và phải có giải pháp thu hút lao động dư thừa, đó là tính ổn định của đội ngũ, các biện pháp cơ bản trong giải quyết các hiện tượng tiêu cực của xã hội.

C. Định hướng phát triển giai cấp công nhân Cần Thơ đến năm 2010.

Để đáp ứng mục tiêu CNH-HĐH của tỉnh, đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ công nhân tỉnh nhà mạnh về mọi mặt, là nhiệm vụ mang tính tất yếu và cấp bách, để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra là phấn đấu đạt tốc độ phát triển công nghiệp bình quân 18-19%/năm, cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng: ngành chế biến-hàng tiêu dùng-cơ khí-vật liệu xây dựng..., giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13-14%/năm; thu nhập bình quân 600USD/người/năm. Đến năm 2010 tỉnh Cần Thơ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, cơ cấu kinh tế có sự chuyển đổi sang công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp.

Để thực hiện những giải pháp chủ yếu 2001-2005 Nghị quyết đã nêu, cần phải xây dựng và phát triển đội ngũ công nhân tỉnh Cần Thơ đến năm 2010; Ban chủ nhiệm đã dự báo nhu cầu và  đề xuất những giải pháp cụ thể trong thời gian tới như sau:

1. Dự báo

- Về nhu cầu năng lực: Để đáp ứng nhu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn, đến năm 2010 lực lượng lao động công nghiệp tăng khoảng 6-7%/năm so với  lực lượng lao động hiện có (khoảng 3.400 trình độ cao đẳng trở lên, 21.500 trung cấp kỹ thuật và 35.000 công nhân kỹ thuật)

- Xu hướng biến động: đa dạng hóa cơ cấu đội ngũ công nhân trong các thành phần kinh tế; trình độ học vấn tay nghề và sự trẻ hóa đội ngũ công nhân ngày càng tăng; phát triển gắn với địa bàn kinh tế-xã hội; xu hướng phi tập trung công nghệ gắn với công nhân có trình độ cao,...

2. Những giải pháp:

- Giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm và đời sống cho công nhân: thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công nhân;

-  Quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân lao động nhất là đối tượng có thu nhập thấp: có quy hoạch cụ thể tạo quỹ đất; cho trả chậm; hỗ trợ vốn từ nhiều nguồn: ngân hàng, qũy phát triển nhà, doanh nghiệp,...

- Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân: hiểu biết về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, về tình hình kinh tế chính trị; nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề cho công nhân.

- Nâng cao vai trò cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân

IV.  ĐỀ XUẤT - KIẾN NGHỊ

- Cần có chiến lược xây dựng giai cấp công nhân gắn liền chiến lược kinh tế-xã hội; quan tâm phát triển đảng viên trong công nhân; tăng cường mối đoàn kết công- nông-trí.

- Quan tâm giáo dục nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, chính trị tư tưởng; bổ sung sửa đổi những chính sách phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế đối với quyền lợi của công nhân. Tăng cường công tác thanh tra thực hiện Luật Lao động và Luật Công đoàn.

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài