SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập 2015-2020: Kết quả và những vấn đề cần quan tâm

[25/07/2021 16:27]

Quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động KH&CN. Trong giai đoạn 2015-2020, Bộ KH&CN đã có nhiều biện pháp thúc đẩy quy hoạch đồng bộ trên cả nước. Ngoài những kết quả đáng ghi nhận, cũng còn một số vấn đề cần quan tâm trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo công tác quy hoạch đạt kết quả tốt hơn.

Thực trạng công tác quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập giai đoạn 2015- 2020

Số lượng tổ chức KH&CN công lập phân bố không đồng đều giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó chủ yếu tại các bộ (135/258 tổ chức) và cơ quan thuộc Chính phủ (117/258 tổ chức); không đồng đều giữa các Bộ (chỉ riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT đã có 56/258 tổ chức, chiếm khoảng 22%); không đồng đều giữa các cơ quan thuộc Chính phủ (2 Viện Hàn lâm có 80/258 tổ chức, chiếm khoảng 31%).

Tổ chức KH&CN công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh chủ yếu trực thuộc các Sở KH&CN (124/135 tổ chức, chiếm 91,8%); tính trung bình mỗi Sở KH&CN có khoảng 2 tổ chức, tuy nhiên có 21 địa phương chỉ có 1 tổ chức KH&CN công lập. Ở các thành phố lớn, số lượng tổ chức KH&CN công lập nhiều hơn các địa phương khác, chiếm khoảng 28% số tổ chức.

Trong giai đoạn 2015-2020, công tác quy hoạch các tổ chức KH&CN ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng sau:

-Cơ bản sắp xếp, kiện toàn, đẩy mạnh tái cấu trúc nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức KH&CN công lập.

-Tập trung đầu tư phát triển, đưa một số tổ chức KH&CN công lập đạt trình độ khu vực và thế giới.

Những hạn chế, vướng mắc

Thứ nhất, công tác quy hoạch chưa tạo thành một mạng lưới các tổ chức KH&CN mạnh, quy mô và năng lực của các tổ chức còn hạn chế, phân bố còn chưa hợp lý giữa các vùng, miền và lĩnh vực hoạt động, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Các tổ chức KH&CN lớn chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trong khi các địa phương ở vùng xa, miền núi còn thiếu các tổ chức KH&CN mạnh.

Thứ hai, Việt Nam chưa có nhiều tổ chức KH&CN đạt trình độ quốc tế và khu vực. Hiệu quả hoạt động của đa số tổ chức KH&CN thấp, chưa thoát khỏi thói quen được bao cấp; số đã chuyển đổi thì vẫn gặp khó khăn trong hoạt động tự chủ. Đội ngũ cán bộ KH&CN tăng về số lượng, nhưng chất lượng và năng lực còn hạn chế; phân bố cơ cấu trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động; tình trạng hụt hẫng về thế hệ trong các tổ chức nghiên cứu gia tăng, số cán bộ KH&CN đủ năng lực chủ trì những nhiệm vụ KH&CN lớn, quan trọng ngày càng giảm sút.

Sở dĩ còn tồn tại một số vấn đề nêu trên là do các nguyên nhân như:

-Tác động của các văn bản quy phạm pháp luật đến các tổ chức KH&CN và công tác quy hoạch mạng lưới còn hạn chế:

Nhận thức đối với công tác quy hoạch ở các cấp còn hạn chế. Quy hoạch tổ chức KH&CN công lập chưa thật sự được coi là cơ sở pháp lý quan trọng, cần phải tuân thủ trong quá trình thành lập, sáp nhập, giải thể tổ chức KH&CN công lập. Công tác phổ biến nội dung của quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập, việc đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện quy hoạch còn chưa được triển khai một cách thực chất tại các bộ, ngành, địa phương.

-Tính phức tạp của công tác quy hoạch:

Hệ thống quy hoạch hiện nay không thống nhất về đối tượng quy hoạch, không tương thích về thời kỳ, phạm vi, trình tự, phương pháp lập quy hoạch. Thực tế cho thấy, khi nghiên cứu lập quy hoạch phần lớn những thông tin, số liệu đầu vào phục vụ cho công tác phân tích, dự báo chưa đủ độ tin cậy, vì thế những mục tiêu, định hướng của quy hoạch thiếu thực tế, chất lượng quy hoạch không đảm bảo. Quy hoạch chủ yếu đưa ra các chỉ tiêu phát triển chung chung, thiếu tổ chức không gian phát triển hợp lý, khoa học. Hầu hết các quy hoạch được lập không phù hợp với thực tiễn và không gắn với nguồn lực thực hiện.

-Khó khăn chung của hệ thống quản lý:

Theo Luật KH&CN năm 2013, Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về KH&CN trong phạm vi cả nước; xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển KH&CN, quy hoạch hệ thống tổ chức KH&CN của Nhà nước. Tuy nhiên cơ chế phối hợp giữa Bộ KH&CN với các bộ, ngành khác còn chưa rõ ràng, dẫn đến sự chồng chéo về chức năng quản lý giữa các bộ, ngành, làm ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN. Hệ quả là số lượng tổ chức KH&CN nhiều, quy mô nhỏ, chức năng trùng lặp, dẫn đến đầu tư dàn trải và hoạt động không hiệu quả.

Một số kiến nghị, đề xuất

Ở góc độ vĩ mô, phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập giai đoạn 2021-2030 cần phải tuân thủ những quan điểm, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; đặc biệt là quan điểm về phát triển KH&CN trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác quy hoạch cần cụ thể hóa theo ba quan điểm trụ cột: thứ nhất là đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, phù hợp với khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước; thứ hai là nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập nhằm thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển cho tổ chức KH&CN công lập; thứ ba là chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực KH&CN, đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH&CN công lập nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Chính sách phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đến năm 2030 cần chú trọng theo hướng: (i) Chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác định là tổ chức KH&CN công lập; (ii) Đầu tư phát triển cho mạng lưới tổ chức KH&CN công lập phù hợp với nền tài chính quốc gia, bảo đảm công bằng, cân đối giữa các đối tượng, đồng thời bảo đảm phát triển các hướng nghiên cứu có lợi thế của Việt Nam; (iii) Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng cũng như cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động KH&CN trong phạm vi quản lý; (iv) Rà soát, đánh giá thực trạng các tổ chức KH&CN công lập từ Trung ương đến địa phương để xây dựng phương án tổ chức lại trong quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập (sáp nhập, hợp nhất, thay đổi vị trí pháp lý, chuyển đổi mô hình hoạt động…).

Ở góc độ vi mô, cần phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian của mạng lưới tổ chức KH&CN trên phạm vi cả nước. Trong đó, cần làm nổi bật thực trạng năng lực nghiên cứu; đánh giá, phân tích vị thế của tổ chức KH&CN Việt Nam trong khu vực và quốc tế; thực trạng tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hiền Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ KH&CN.

ntptuong

Tạp chí KH&CN VN, số 06 năm 2021 (trang 07-09)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài