SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng các chất điều hòa sinh trưởng trong nhân giống in vitro cây Địa liền (Kaempferia galanga L.)

[12/08/2021 14:45]

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của các chất điều hòa sinh trưởng đến quá trình nhân nhanh in vitro cây dược liệu Địa liền (Kaempferia galanga L.), một cây dược liệu có giá trị ở Việt Nam.

Cây Địa liền hay còn gọi là sơn nại, tam nại, thiền liền, sa khương có tên khoa học là Kaempferia galanga L., thuộc họ gừng Zingiberaceae được sử dụng như một loại thuốc trong y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Địa liền có vị cay, tính ôn, vào các kinh tâm, tỳ, vị, có tác dụng ôn trung, tán hàn, trừ thấp, tiêu thực, bạt khí độc, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và Trung Quốc.

Tinh dầu trong thân và rễ cây Địa liền là hợp chất bay hơi, được sử dụng làm gia vị, đồ uống và công nghiệp mỹ phẩm. Nhiều thành phần của cao chiết thân và rễ Địa liền chứa ethyl-p-methoxycinnamate, ethyl cinnamate, 3-carene, camphene, borneol, cineol, kaempferol và kaempferide được báo cáo có các đặc tính sinh học như kháng khuẩn, kháng vi sinh, kháng ung thư, diệt ấu trùng, diệt amip và có các hoạt tính dược lý như giảm căng mạch máu và chống viêm.

Ở nước ta, Địa liền thường mọc tự nhiên và được trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, Địa liền là nguyên liệu ổn định cho các làng nghề thuốc nam như Ninh Hiệp (Hà Nội), Nghĩa Trai (Hưng Yên), Lục Yên (Yên Bái), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)... mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn tấn sản phẩm, cung cấp cho ngành dược liệu trong nước và tham gia xuất khẩu. Theo định hướng phát triển cây dược liệu ở nước ta đến năm 2030 của chính phủ, cây Địa liền là một trong 28 cây dược liệu bản địa được chú trọng phát triển ở các vùng quy hoạch trồng cây dược liệu của cả nước.

Hình thái chồi Địa liền in vitro ở lần cấy chuyển thứ nhất (A) và lần cấy chuyển thứ 5 (B) (sau 4 tuần nuôi cấy trên môi trường mới)

Để tạo vật liệu khởi đầu, chồi mầm từ thân củ có kích thước 2-3cm được khử trùng bề mặt bằng dung dịch thủy ngân clorua (HgCl2) 0,1% trong 10 phút. Để tìm được môi trường nhân nhanh tối ưu, nghiên cứu đã xác định được ảnh hưởng của BA, Kinetin, tổ hợp BA và NAA hoặc IAA đến sự nhân nhanh chồi Địa liền in vitro. Môi trường tối ưu để nhân nhanh chồi Địa liền là môi trường MS bổ sung tổ hợp 2 mg/l BA và 0,5 mg/l NAA. Hệ số nhân chồi đạt 5,03 chồi/mẫu cấy sau 4 tuần nuôi cấy. Chồi in vitro có thân lá và rễ phát triển tốt. Sau 5 chu kỳ nhân nhanh liên tiếp, hệ số nhân chồi vẫn được duy trì và không xuất hiện hình thái bất thường. Môi trường tối ưu đề xuất trong nghiên cứu này có thể được sử dụng trong nuôi cấy mô để nhân giống và bảo tồn các kiểu gen cây Địa liền thu thập ở Việt Nam.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài