SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng sử dụngDes-γ carboxy prothrombin huyết thanh trong chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan

[28/09/2021 08:41]

Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Đăng Quân, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phạm Nguyễn Thanh Thuỷ - 1Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh, tác giả Lê Thị Thuý Hằng - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Sinh học, tác giả Trần Công Duy Long - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, tác giả Đinh Minh Hiệp - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thực hiện nhằm mục tiêu là bước đầu đánh giá giá trị chẩn đoán HCC của chỉ dấu Des-γ carboxy prothrombin (DCP).

Ung thư gan là một trong tám dạng ung thư thường gặp trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 4 ở cả hai giới. Trong đó, Ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular carcinoma - HCC) là dạng ung thư ác tính phổ biến chiếm tỷ lệ trên 80% các trường hợp ung thư gan, xảy ra chủ yếu ở những bệnh nhân nhiễm HBV, HCV mạn tính và xơ gan. Việc chẩn đoán sớm có ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu quả điều trị bệnh ung thư gan.

Nhiều kỹ thuật đã được áp dụng để chẩn đoán HCC như: chụp CT, siêu âm gan, chụp cộng hưởng từ, sinh thiết gan và định lượng chỉ dấu sinh học trong huyết thanh. Định lượng chỉ dấu sinh học trong huyết thanh là xét nghiệm đơn giản, không đòi hỏi thiết bị đắt tiền, thích hợp để chẩn đoán sàng lọc và bổ trợ cho các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Hiện nay, chỉ dấu protein trong chẩn đoán HCC được dùng phổ biến nhất tại Việt Nam là AFP. Tuy nhiên, 80% bệnh nhân HCC với khối u kích thước nhỏ không có sự gia tăng nồng độ AFP, độ nhạy của chẩn đoán HCC dựa trên chỉ dấu AFP là 52 và 25%, tương ứng với khối u có đường kínhlớn hơn và nhỏ hơn 3 cm. Hơn nữa, 40-50% bệnh nhân HCC có nồng độ AFP trong huyết thanh nhỏ hơn ngưỡng chẩn đoán dương tính (<400 ng/ml). Một số bệnh nhân xơ gan và/hoặc viêm gan cũng có thể có sự tăng cao lượng AFP (có khi lên tới 2500 ng/ml) trong máu mà không có sự hiện diện của khối u.

Như vậy, AFP chưa phải là một chỉ dấu huyết thanh tốt để chẩn đoán HCC, việc tìm kiếm và sử dụng một chỉ dấu protein khác của HCC là điều cần thiết. Đã có nhiều nghiên cứu trên thế giới được thực hiện nhằm tìm kiếm các chỉ dấu mới để chẩn đoán HCC, trong đó DCP được xem là chỉ dấu nhiều triển vọng. DCP còn được gọi là Protein induced by vitamin K absence or antagonist II (PIVKA-II), là một sản phẩm bất thường do sự rối loạn carboxyl hóa trong quá trình hình thành thrombogen. Nó hoạt động như một yếu tố tăng trưởng tự sinh của các dòng tế bào ung thư biểu mô tế bào gan. Hàm lượng của protein này trong huyết thanh tăng lên rõ rệt ở các bệnh nhân HCC so với người khỏe mạnh và bệnh nhân u gan lành tính.

Mặc dù một vài nghiên cứu có kết quả trái ngược, DCP trong huyết thanh và mô đã được nhiều công trình chứng minh là hữu ích hơn AFP trong việc phân biệt HCC với các bệnh gan không phải ung thư, nhất là trong chẩn đoán HCC với khối u nhỏ. Ngoài mục đích sàng lọc HCC, DCP huyết thanh còn có thể được dùng như dấu hiệu tiên lượng bệnh, đánh giá điều trị HCC và có thể phản ánh đặc điểm xâm lấn của khối u. Hướng dẫn của Hiệp hội Nghiên cứu về gan châu Á - Thái Bình Dương (Asian Pacific association for the study of the liver - APASL) từ năm 2010 đã nhìn nhận DCP như là các chỉ dấu huyết thanh tiềm năng trong chẩn đoán và tầm soát HCC. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm góp phần làm rõ thêm cơ sở khoa học về giá trị lâm sàng của DCP trong chẩn đoán - tầm soát HCC, đặc biệt trên đối tượng nghiên cứu là người Việt Nam.

Phân tích đường cong ROC cho thấy, với giá trị ngưỡng (cut-off) 11,93 ng/ml, độ nhạy và độ đặc hiệu chẩn đoán HCC của DCP tương ứng là 50 và 94%. Với HCC giai đoạn sớm, độ nhạy chẩn đoán bệnh của DCP là 34% trong khi độ đặc hiệu không thay đổi. Với chỉ dấu đang được sử dụng AFP, kết quả nghiên cứu cho thấy, ở giá trị ngưỡng 952,1 ng/ml, độ nhạy và độ đặc hiệu chẩn đoán HCC của AFP là 39 và 95%. Với HCC giai đoạn sớm, AFP không có hiệu quả chẩn đoán bệnh. Kết hợp hai chỉ dấu huyết thanh DCP và AFP không giúp cải thiện độ nhạy phát hiện HCC so với khi chỉ sử dụng chỉ dấu DCP. Nghiên cứu cho thấy, chỉ dấu huyết thanh DCP có thể được sử dụng thay cho AFP trong chẩn đoán HCC và làm tăng độ nhạy chẩn đoán bệnh.

(nthang)

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Tập 63 - Số 9 - Tháng 9/2021 (nthang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài