SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Một số kết quả hoạt độngKH&CN cấp huyện thuộc TP. Cần Thơ

[12/02/2012 08:24]

Trong những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) các quận, huyện (cấp huyện) thuộc thành phố Cần Thơ đã có những tiến bộ rõ nét.

Thực hiện tinh thần thông tư Liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nội vụ về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; các quận, huyện đã xây dựng tổ chức và triển khai các hoạt động KH&CN trong ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng thương hiệu sản phẩm và đẩy mạnh quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn đạt nhiều kết quả thiết thực.

Tất cả các quận, huyện đều có tổ chức bộ máy và nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn. Mỗi quận, huyện đều thành lập Hội đồng KH&CN cấp huyện theo nhiệm kỳ, gồm 9 - 12 thành viên; cùng với ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng KH&CN để thực hiện chức năng tư vấn cho Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết các vấn đề KH&CN trên địa bàn. Các phòng Kinh tế quận hoặc phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện bố trí 1 lãnh đạo quản lý chung về KH&CN và 1 chuyên viên quản lý KH&CN.

Với việc kiện toàn bộ máy quản lý KH&CN, các quận, huyện đã đẩy mạnh hoạt động đưa tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Số lượng và chất lượng các đề tài, dự án KH&CN (gọi tắt là dự án) đã tăng đáng kể. Từ năm 2009 – 2011 đã có 46 dự án được triển khai. Riêng năm 2011 có 21 dự án mới gần bằng với số dự án được triển khai trong 2 năm 2009 – 2010; tập trung vào các lãnh vực ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin chiếm khoảng 48% trên tổng số dự án triển khai, cao gấp đôi so với năm trước.

Kết quả thực hiện các dự án giúp tạo những sản phẩm mới như Mít Ba Láng hạt lép (không hạt) ở quận Cái Răng; dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền. Nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất lúa theo hướng GAP; xây dựng tổ nhân giống cộng đồng ở quận Thốt Nốt; sản xuất ra giống lúa cấp xác nhận ở huyện Thới Lai; sản xuất phân hữu cơ sinh học ở quận Cái Răng; xây dựng mô hình canh tác cà chua ghép ở quận Bình Thủy. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phần mềm ALES, đánh giá đất đai tự động  phục vụ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp ở huyện Cờ Đỏ; ứng dụng CNTT quản lý sốt xuất huyết, quản lý bài viết của Đài phát thanh, xây dựng trang Web ngành kinh tế quận Ô Môn; xây dựng và vận hành trang Webwww.dauhachauphongdien.com.vn dâu Hạ Châu Phong Điền để tăng cường quảng bá thương hiệu; nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ xã huyện ở Thới Lai. Góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của quận, huyện trong xây dựng luận cứ khoa học nhằm áp dụng tốt hơn các chính sách về phát triển đô thị, giải phóng mặt bằng; trong xây dựng quy hoạch; giải quyết lao động việc làm... Hoàn thành xây dựng nhiệm vụ KH&CN các quận, huyện giúp hỗ trợ công tác quản lý KH&CN có định hướng mục tiêu cụ thể.

Hoạt động sở hữu trí tuệ đã có những chuyển biến quan trọng. Các quận, huyện đã hỗ trợ đăng ký công nhận nhãn hiệu các sản phẩm đặc thù như: quận Cái Răng lập thủ tục công nhận nhãn hiệu ”Chợ Nổi Cái Răng” và “Mít Ba Láng không hạt”; huyện Phong Điền đăng ký nhãn hiệu tập thể ”Dâu Hạ Châu Phong Điền”; quận Bình Thủy đăng ký nhãn hiệu “Nấm bào ngư Thới An Đông”; huyện Cờ Đỏ đăng ký nhãn hiệu “Cơm rượu Thạnh Phước”.

Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng các quận, huyện được triển khai tốt hơn nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng các cấp. Đã thực hiện kiểm tra các phương tiện đo tại các chợ. Định kỳ kiểm tra và trang bị mới cân đối chứng ở các chợ, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng. Kiểm tra về đo lường chất lượng các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas; kiểm tra việc ghi nhãn theo qui định của hàng hóa đóng gói sẵn, các sản phẩm điện máy, nón bảo hiểm, đồ chơi trẻ em…nhằm giúp đở doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn nhất là các dịp lễ, Tết.

Những kết quả ban đầu đạt được trong hoạt động KH&CN cấp huyện là nhờ triển khai những giải pháp chính như sau:

Một là, Tăng cường tập họp lực lượng KH&CN. Từ năm 2008 trở về trước, việc triển khai các dự án chủ yếu dựa vào lực lượng KH&CN tại quận, huyện. Từ năm 2009 đến nay, các dự án đã được sự tham gia tích cực của các Viện, Trường, các đơn vị sự nghiệp KH&CN của thành phố. Đã có trên 50% dự án cấp huyện có sự tham gia của các tổ chức khoa học của Trung ương là Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL; các Viện, Trường của thành phố như Viện Kinh tế - xã hội, Trường đại học Tây Đô; các đơn vị sự nghiệp KH&CN của thành phố như Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư, Trung tâm khuyến công, Trung tâm Kỹ thuật - Ứng dụng Công nghệ, Trung tâm Thông tin – Tư liệu. Ngoài việc trực tiếp là cơ quan chủ trì dự án, nguồn cán bộ khoa học của các đơn vị trên là lực lượng chuyên gia làm thành viên các Hội đồng tư vấn về KH&CN cho các quận, huyện. Với việc tập họp lực lượng KH&CN trên, chất lượng của Hội đồng Tư vấn KH&CN và chất lượng kết quả các dự án ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu và áp dụng tiến bộ KH&CN đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hai là, Kinh phí sự nghiệp khoa học cho cấp huyện tăng hàng năm. Năm 2011, kinh phí sự nghiệp khoa học của UBND thành phố phân bổ cho các quận/huyện là 2,0 tỉ đồng; tăng 1,5 lần so với năm 2009. Qui mô kinh phí cho mỗi dự án năm 2011 là 120 triệu đồng/ dự án, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Tuy nhiên mức phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học cho mỗi quận, huyện có sự khác biệt tùy theo số lượng và nhu cầu dự án được triển khai trong năm; các quận, huyện được phân bổ thấp nhất là 140 triệu đồng/năm và cao nhất là 340 triệu đồng/năm. Theo hướng phân bổ trên, kinh phí sự nghiệp khoa học của UBND thành phố phân bổ cho các quận/huyện năm 2012 là 3,0 tỉ đồng; tăng 1,5 lần so với năm 2011; các quận, huyện được phân bổ thấp nhất là 160 triệu đồng và cao nhất là 450 triệu đồng.

 Ba là, Đã có bước nâng cao năng lực quản lý Nhà nước tại quận, huyện. UBND thành phố ban hành quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2011 của UBND thành phố ban hành quy định về việc quản lý và triển khai đề tài, dự án KH&CN cấp huyện thuộc thành phố Cần Thơ. Nhờ đó tạo hành lang pháp lý cho vận hành dự án ở các quận, huyện được thống nhất với hiệu quả cao. Các cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức về KH&CN cho doanh nghiệp và nhân dân đã hỗ trợ nâng cao giá trị hàng hóa thông qua đăng ký sở hữu trí tuệ các sản phẩm đặc thù tại các quận, huyện. Ngoài ra, sự phối hợp có hiệu quả với các cơ quan chức năng đã giúp nâng cao trình độ nghiệp vụ KH&CN cho cán bộ tại quận, huyện.

Cùng với những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN cấp huyện vẩn còn một số khó khăn cần khắc phục thời gian tới là một số quận, huyện triển khai thực hiện các đề tài, dự án chưa theo kịp tiến độ đề ra. Chưa thu hút được sự quan tâm của các đơn vị ở địa phương trong đề xuất và triển khai các dự án KH&CN, nhất là trong lãnh vực phát triển công nghiệp và dịch vụ. Một số quận, huyện chưa có phương pháp tuyên truyền, mời gọi hợp tác hiệu quả đến các Viện, Trường, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn quận/huyện. Các chủ nhiệm đề tài, dự án còn chậm hoàn thành các thủ tục cần thiết trong triển khai các dự án KH&CN cấp huyện, gây khó khăn cho thực hiện kế hoạch KH&CN các quận, huyện. Công tác thanh kiểm tra đo lường, chất lượng còn hạn chế; chưa hỗ trợ tốt đăng ký sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Một số huyện khác do luân chuyển cán bộ quản lý và cán bộ phụ trách KH&CN phải kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, nên triển khai công việc còn chậm.

            Định hướng hoạt động KH&CN cấp huyện thời gian tới là hướng vào lãnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Xây dựng qui trình áp dụng các tiến bộ KH&CN về công nghệ sinh học trong sản xuất nông thủy sản. Xây dựng qui trình sản xuất theo hướng GAP cho lúa, rau củ quả, cây ăn trái, thủy sản gắn với yêu cầu của doanh nghiệp trong hợp tác 4 nhà. Nghiên cứu và triển khai cho phát triển nông nghiệp đô thị như: phát triển ngành hoa cảnh, chim thú cảnh…Ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá hình ảnh các quận, huyện như: xây dựng trang thông tin điện tử ngành kinh tế; nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ - công chức quận, huyện – phường, xã; xây dựng cơ sở dử liệu công nghệ thông tin hỗ trợ cải cách hành chính của quận, huyện. Giải quyết những vấn đề KH&CN cấp thiết, bức xúc của địa phương. Các quận, huyện tiếp tục rà soát, tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể các sản phẩm đặc thù; các sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu tập thể tiếp tục xây dựng dự án quảng bá và phát triển thương hiệu. Sớm đưa vào hoạt động các Trạm (Tổ) Kiểm định cân ở các quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt, Thới Lai. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thanh kiểm tra KH&CN.  Tiếp tục phát huy thành quả trong tập họp lực lượng, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường đào tạo nghiệp vụ quản lý Nhà nước về KH&CN cho cán bộ quận, huyện nhằm vận hành tốt các quy định về KH&CN trong các hoạt động. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm tạo sự đồng thuận cao và chấp hành tốt các quy phạm pháp luật về KH&CN trong cộng đồng.
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài