SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh xen lúa

[14/06/2023 10:40]

Nuôi tôm tốt nhất nên nuôi trên các ruộng cấy lúa vì lúa cấy có khoảng trống nên tôm có thể bơi xen giữa lúa ăn được thức ăn trên ruộng. Nếu nuôi trên lúa sạ thì nên sạ lúa thưa hơn sạ bình thường. Thả giống tốt nhất khi cây lúa 2 tuần sau khi sạ hay 1 tuần sau khi cấy. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa là một hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy hải sản. Hình thức nuôi này không những làm giảm những việc tranh dành diện tích sản xuất mà còn góp phần làm tăng thu nhập trên một khu vực nuôi. Ngoài ra nuôi tôm trong ruộng lúa không làm giảm năng suất lúa mà lại có thêm thu nhập từ thành phẩm tôm.

1. Điều kiện ruộng

Gần sông, rạch, kênh, mương để cấp thay nước dễ dàng. Nguồn nước cấp không ô nhiễm, có độ pH phù hợp.

2. Xây dựng ruộng nuôi tôm

- Diện tích ruộng nuôi tôm từ: 0,1 – 1 ha, trung bình 0,5 ha. Bờ ruộng nuôi chắc chắn, không mọi, nước lũ không ngập bờ ao.

Mặt ruộng tương đối bằng phẳng, mức nước trên ruộng đạt 0,3 m. Mương bao quanh rộng 2 – 5 m, sâu 0,5 - 1,2 m. Đáy mương bằng phẳng, dốc về phía cống thoát.

- Có 1 cống lấy nước, 1 cống thoát nước, đường kính miệng cống 0,5 - 0,8 m. Đảm bảo đủ lượng nước điều tiết khi cần thiết.

3. Chuẩn bị ruộng nuôi tôm

- Tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, rong rêu, vét bùn đáy mương, đắp bờ bao chắc chắn, phơi đáy mương 7 - 10 ngày. Bón vôi (CaCO3) để nâng độ pH, liều lượng 70 - 100 kg/1.000 m2.

- Thả chà (nhánh cây khô, rụng lá, không chát) cắm thành từng cụm để làm nơi trú ẩn cho tôm. Lấy nước vào ruộng nuôi qua lưới lọc từ cống, mực nước của mương nuôi từ 0,8 – 1 m.Gây màu: Có thể bón phân NPK hoặc urê hoặc lân... với lượng 1,5 – 2 kg/1.000 m3 nước

hoặc có thể sử dụng phân hữu cơ 20 kg/1.000 m3 nước để gây màu.

Diệt tạp: Dùng Saponin để diệt cá tạp, liều lượng 10 kg/1.000 m3.

4. Chọn và thả giống

- Mùa vụ nuôi: Thả giống vào tháng 5 - 7. Chọn giống và cách thả (như cách chọn và thả giống trong nuôi tôm càng xanh bán thâm canh). Mật độ thả giống từ 2 – 4 con/m2, thả tôm giống vào trong mương.

- Đối với hình thức nuôi tôm xen trong ruộng lúa nên thả giống kích cỡ lớn hơn nuôi bán thâm canh từ 2 - 6 cm. Vì thế có thể ương trước khi thả giống.

* Lưu ý:

- Chuẩn bị ao ương: Vệ sinh, bón vôi, lấy nước qua túi lọc, diệt tạp. Gây màu ao ương (độ trong đạt 30 – 50 cm). Kiểm tra các yếu tố môi trường (độ mặn từ 0 - 5‰, pH từ 7,0 – 8,5). Mật độ ương 15 – 20 con/m2. Cho ăn giống như hình thức nuôi bán công nghiệp, có thể trộn thêm một số vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm.

- Thời gian ương từ 20 - 30 ngày.

5. Quản lý và chăm sóc

* Quản lý thức ăn

- Loại thức ăn: Giai đoạn đầu cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, độ đạm từ 25 - 32%. Sau 2 tháng có thể sử dụng thức ăn tự chế biến để hạ giá thành.

- Cho ăn: Rải thức ăn khắp mương nuôi, cho tôm ăn 1 – 2 lần/ngày. Liều lượng cho ăn (cho 100.000 con giống): ngày đầu tiên cho ăn 0,8 kg, sau đó tăng dần khoảng 80 gam/ngày, tuần thứ 2 là 120 gam/ngày, tuần thứ 3 là 160 gam/ngày, tuần thứ 4 là 200 gam/ngày.

- Thức ăn tự chế biến có thể sử dụng nguyên liệu sẵn có như: trùn quế, cá biển, cám, ruốc, ốc bươu vàng, còng… nhưng phải đạt trên 22% độ đạm. Thức ăn phải nấu chín.

Khi cho tôm ăn cần căn cứ một số yếu tố khác bên cạnh việc ước lượng theo đàn tôm trong ao để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp như chất lượng môi trường nước hay những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn; kết hợp sàng ăn và bố trí nhiều điểm trong ao để có thể đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng.

Theo dõi tăng trưởng và tình trạng sức khoẻ tôm: Do đặc tính của tôm lớn lên là nhờ lột xác và chu kỳ lột xác tuỳ thuộc vào kích cỡ và điều kiện môi trường sống.

* Quản lý môi trường

- Duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng thích hợp.

- Thay nước: Chủ động thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 - 30% nước trong ruộng nuôi. Khi cấp nước cho ruộng nuôi tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài và ruộng nuôi cho tương đồng.

- Theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi: Theo dõi tôm nuôi để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…). Theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ruộng để điều chỉnh lượng thức ăn và môi trường tôm nuôi.

* Các biện pháp kỹ thuật cần lưu ý:

- Kỹ thuật bẻ càng: Sau khi thả nuôi 60 - 75 ngày có thể tiến hành bẻ càng nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (hạn chế ăn lẫn nhau), đạt giá bán cao khi thu hoạch. Tuy nhiên, phải áp dụngđúng biện pháp kỹ thuật, tránh hao hụt sau khi bẻ càng.

+ Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên.

+ Đối với chọn giống không là toàn đực nên tách riêng đực cái sau thời gian nuôi từ 75 - 90 ngày.

- Giăng lưới: Có thể tiến hành giăng lưới làm chổ trú ẩn cho tôm trong quá trình lột xác, thường áp dụng cho hình thức nuôi bán thâm canh. Diện tích giăng lưới chiếm 10 - 15%

diện tích ao nuôi, lưới giăng cách mặt nước 30 cm, mỗi sàn lưới có diện tích từ 1 - 2 m2, kích cỡ mắt lưới phù hợp theo từng giai đoạn, thường sử dụng mắt lưới 2a từ 3 - 5 cm.

6. Thu hoạch

Thu hoạch tôm thành nhiều lần, sau 4 tháng nuôi thu tỉa những con tôm đạt cỡ thương phẩm hoặc những con chậm phát triển (ốp vỏ, càng xào), số tôm còn lại tiếp tục nuôi.

Bản tin khuyến nông việt nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài